Cuối tuần qua, tại TP.HCM, Hội Khoa học BVTV Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Quản lý dịch hại cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học trong phát triển nông nghiệp xanh”.
Trồng hoa trên bờ ruộng lúa để dẫn dụ thiên địch ở ĐBSCL |
Một trong những mô hình đáng chú ý được nêu ra tại hội thảo là trồng lúa không phun thuốc trừ sâu rầy ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, An Giang.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Phước Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang, ở ấp Vĩnh Hưng, 246 hộ nông dân đang thực hiện trồng lúa không phun thuốc trừ sâu rầy trên diện tích khoảng 400ha. Những hộ này sau khi tham dự các lớp IPM, “1 phải, 5 giảm” do Trạm Trồng trọt và BVTV tổ chức, đều đã hiểu được sinh lý cây lúa, sinh thái đồng ruộng và những biện pháp canh tác hỗ trợ hợp lý cho việc hạn chế sự gây hại của sâu rầy.
Với những kiến thức đó, họ đã mạnh dạn thực hiện ngay trên đồng ruộng như gieo sạ đồng loạt để hạn chế sự gây hại của bù lạch; sạ thưa, sạ hàng, bón phân cân đối để hạn chế sâu bệnh; khi rầy nâu vào ruộng thì dâng nước cao để hạn chế sự gây hại của rầy; trồng hoa để dẫn dụ thiên địch…
Ông Thành cho hay, nông dân ở ấp Vĩnh Hưng thấy sâu cuốn lá đến ruộng sớm thì không lo lắng mà lại mừng vì đó là nguồn thức ăn để dẫn dụ thiên địch về ruộng. Đây là sự chuyển biến rất tích cực trong tư duy của người nông dân khi đã biết cân bằng sinh thái để phòng trừ dịch hại thay vì dựa vào thuốc BVTV như trước đây.
Do áp dụng trên diện tích lớn và trong nhiều năm liên tục, hệ thiên địch ở ấp Vĩnh Hưng đã được bảo tồn, bền vững… Và nhờ không phun thuốc trừ sâu rầy trong suốt quá trình canh tác, nông dân ấp Vĩnh Hưng đã giảm được đáng kể chi phí sản xuất mà năng suất vẫn cao (8 - 8,5 tấn/ha vụ ĐX; 5,5 - 6,5 tấn/ha vụ HT). Nhờ đó, giá thành sản xuất lúa ở đây khá thấp (1.900 - 2.100 đ/kg trong vụ ĐX; 2.500 - 2.700 đ/kg vụ HT), nên hiệu quả kinh tế cao hơn 3.000.000 - 3.500.000 đ/ha/vụ so với canh tác sử dụng thuốc trừ sâu rầy.
Trên cơ sở các mô hình trồng lúa không phun thuốc trừ sâu rầy ở huyện An Phú, ngành nông nghiệp An Giang đã định hướng quy hoạch và xây dựng ngành hàng lúa gạo theo hướng an toàn, không sử dụng thuốc BVTV (đặc biệt là các hoạt chất mà các nước cấm nhập khẩu) và định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, với diện tích sản xuất lúa an toàn sinh học đến 2020 là 3.000ha.
Một số mô hình canh tác theo hướng hữu cơ sinh học cũng đã mang lại kết quả tốt trong việc quản lý dịch hại cho cây trồng. Chẳng hạn, trang trại Hoa Viên (Thạch Thất, Hà Nội), từ lâu đã không sử dụng thuốc sâu, thuốc diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng, phân bón hóa học…, mà vẫn quản lý được dịch hại có hiệu quả như dùng thuốc hóa học, năng suất và chất lượng rau ngày một tốt lên.
Phân hữu cơ sinh học VINAXANH thử nghiệm trên cây tiêu 3 - 5 năm ở Gia Lai, Đăk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu …, đã giúp làm thuyên giảm rõ rệt các bệnh chết nhanh, chết chậm. Mô hình trồng ớt ở cù lao Năm Xã (Thanh Bình, Đồng Tháp) cũng nhờ sử dụng phân hữu cơ sinh học VINAXANH mà hạn chế được bệnh thán thư, bệnh virus, năng suất và chất lượng ớt cao hơn hẳn so với bón phân hóa học…
Theo GS.TS Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học BVTV Việt Nam, canh tác theo hướng hữu cơ sinh học đã cho thấy nhiều tác dụng lớn như cải tạo đất; đa dạng sinh học đất, cải tạo cân bằng sinh thái có lợi trong đất; quản lý dịch hại có nguồn gốc từ đất; trồng cây khỏe, tăng sức đề kháng của cây trồng; tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng nông sản… GS Thơ khẳng định “Canh tác hữu cơ sinh học góp phần quản lý các bệnh nan giải khó phòng trừ bằng thuốc hóa học (bệnh có nguồn từ trong đất, bệnh virus...). |