| Hotline: 0983.970.780

Quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản

Thứ Ba 21/11/2023 , 22:05 (GMT+7)

QUẢNG NINH Quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi thủy sản giúp phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng khó lường cùng với việc phát triển kinh tế đã làm cho môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng ngày càng ô nhiễm, khó kiểm soát. Trong nuôi trồng thủy sản, việc kiểm soát được chất lượng nguồn nước đóng vai trò rất quan trọng dẫn đến thành công hay thất bại của vụ mùa sản xuất.

Do vậy, quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản đóng vai trò cực kỳ quan trọng để nuôi trồng thủy sản hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Trong những năm qua, Cục Thủy sản và các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiến hành công tác quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trên toàn quốc, kết quả quan trắc môi trường đã kịp thời được phân tích, đánh giá nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản, đồng thời đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Từ đó, đưa ra các cảnh báo tới người nuôi để có những giải pháp nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại gây ra cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản.

Theo bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi thủy sản tập trung là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp cơ quan quản lý nhà nước và người dân nuôi trồng thủy sản chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh thủy sản nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Đặc biệt, khi có sự thay đổi thời tiết bất thường hoặc có dịch bệnh liên quan đến yếu tố môi trường tại các vùng nuôi.

Thực hiện Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 24/02/2023 của UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2023, từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2023, Chi cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc đã tổ chức 11 chuyến kiểm tra và thu mẫu phân tích các yếu tố thủy lý, thủy hóa và thủy sinh phục vụ nuôi các đối tượng chủ lực, đặc thù của tỉnh Quảng Ninh: tôm, nhuyễn thể, cá biển, cá nước ngọt tại các địa phương Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông bí và Đông Triều. 

Tần suất quan trắc là 1 lần/tháng đối với các tháng 4,5,7,10,11 và 2 lần/tháng vào các tháng 6,8,9. Các thông số quan trắc được chia thành 3 nhóm: Nhóm thông số quan trắc 1 (nuôi tôm), nhóm thông số quan trắc 2 (nuôi nhuyễn thể, cá biển) và nhóm thông số quan trắc 3 (cá nước ngọt). Tuy nhiên, với các địa phương ven biển khu vực miền đông của tỉnh (Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên) chỉ thực hiện quan trắc đối với nhóm số 1 và 2.

Trong khoảng thời gian trên, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc đã thu tổng số tại 4 địa phương ven biển thuộc khu vực miền Đông của tỉnh là 4.840 mẫu, trong đó: 3.850 mẫu tại 35 điểm quan trắc tại khu vực nuôi tôm (gồm 21 hộ nuôi và 14 điểm nguồn nước cấp); 990 mẫu tại 10 điểm quan trắc khu vực nuôi nhuyễn thể (gồm 10 hộ nuôi).

Đối với nhóm thông số quan trắc 1 (nuôi tôm) sẽ tiến hành phân tích 10 chỉ tiêu gồm nhiệt độ, độ mặn, pH, DO, NH4+, COD, H2S, NH3, vi khuẩn Vibrio tổng số, thực vật phù du tảo độc. Đối với nhóm thông số quan trắc 2 (nuôi nhuyễn thể, cá biển) phân tích 9 chỉ tiêu gồm nhiệt độ, độ mặn, pH, DO, COD, NH4+, H2S, NH3, thực vật phù du tảo độc. 

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y xét nghiệm mẫu quan trắc. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y xét nghiệm mẫu quan trắc. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc đợt thu mẫu, đơn vị quan trắc môi trường sẽ phải gửi kết quả sơ bộ. Trong 5 ngày, gửi báo cáo kết quả quan trắc môi trường đến Chi cục Thủy sản để kịp thời thông báo cho các địa phương. Đồng thời khuyến cáo các biện pháp xử lý đối với các khu vực nuôi có các chỉ số quan trắc vượt ngưỡng cho phép.

Việc quan trắc thường xuyên tại các vùng nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa hết sức quan trong giúp người nuôi chủ động theo dõi và phát hiện nhiều nguồn tác động xấu đến môi trường ao nuôi. Từ các kết quả quan trắc này, cơ quan quản lý có thể dễ dàng đánh giá tác động môi trường các hoạt động nuôi trồng thủy sản có tác động như thế nào đến môi trường xung quanh.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, các ao nuôi sử dụng nguồn nước cấp thuộc các điểm quan trắc có hiện diện của vi khuẩn cơ hội có khả năng gây bệnh trên vật nuôi thủy sản cần diệt khuẩn kỹ trước khi cấp nước vào ao nuôi. Thứ hai, các ao nuôi có hiện tượng ô nhiễm hữu cơ cần xử lý vi sinh/ chế phẩm sinh học để giảm thiểu các chất hữu cơ dư thừa trong ao nuôi, cải thiện chất lượng nước.

Cùng với đó, hạn chế thả giống mới, vận chuyển, san thưa trong thời điểm giao mùa. Người nuôi nên thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy lý hóa nước ao và biểu hiện hoạt động của tôm nuôi, định kỳ bổ sung men tiêu hóa, vi lượng, khoáng chất, vitamin để tăng sức đề kháng. Trước, trong và sau những cơn mưa lớn đầu mùa cần sục khí cung cấp thêm oxy cho ao/bè nuôi.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất