Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn chỉ đạo tạm thời đóng các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tỉnh gồm cơ sở mát xa, quán bar, karaoke, vũ trường, rạp chiếu phim.
Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Tạm dừng tổ chức sự kiện tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết. Khuyến cáo hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê... Hạn chế sự kiện văn hóa - thể thao đông người, trường hợp cần thiết phải tổ chức thì phải đảm bảo quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
Khuyến khích họp, hội nghị trực tuyến; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi và xử lý công việc, làm việc trực tuyến.
Đối với trường hợp hội nghị cần tổ chức thì phải áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. Đối với hoạt động hiến máu nhân đạo, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ khác được phép hoạt động nhưng cần áp dụng biện pháp phòng, chống dịch. Không để tập trung đông người, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách trên 1m khi tiếp xúc, vệ sinh nhà cửa, đảm bảo thông thoáng.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật cũng yêu cầu các ngành, các cấp chính quyền tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Khẩn trương rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống dịch của từng ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Theo Sở Y tế cho biết, đến ngày 1/8, Quảng Bình có 15.200 người đang thực hiện cách ly theo dõi tại nhà (trong đó có trên 8.600 người trở về từ TP Đà Nẵng và vùng có dịch), có 61 người đang thực hiện cách ly tập trung. Số ca nghi ngờ đang còn cách ly và điều trị tại các bệnh viện là 37 người.
“Cơ quan y tế đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho 4.164 trường hợp. Đã có kết quả 4.135 trường hợp âm tính và đang chờ 29”- ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết.