| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam: Đủ điều kiện mới cho phép tái đàn

Thứ Ba 07/07/2020 , 13:42 (GMT+7)

Dù điều kiện chăn nuôi lợn chưa thực sự đảm bảo nhưng nhiều hộ dân ở Quảng Nam vẫn đầu tư tái đàn, thậm chí còn nuôi với quy mô lớn hơn trước.

Dân liều lĩnh tái đàn lợn

Duy Xuyên là huyện đầu tiên ở Quảng Nam xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Đến nay, các xã của huyện này đều đã qua 30 ngày không xuất hiện thêm ổ dịch mới. Trước thực tế này, người dân quyết định bỏ tiền đầu tư để cải tạo chuồng trại và mua giống lợn về tái đàn.

Chăn nuôi lợn ở Quảng Nam vẫn chủ yếu ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ. Ảnh: Lê Khánh.

Chăn nuôi lợn ở Quảng Nam vẫn chủ yếu ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ. Ảnh: Lê Khánh.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Duy Xuyên, trước thời điểm xuất hiện DTLCP, huyện có tổng đàn lợn hơn 48.200 con, trong đó gần 11.500 con lợn nái. Tính đến thời điểm xã cuối cùng công bố hết dịch (31/3/2020) thì tổng đàn chỉ còn hơn 30.200 con (giảm 37,3%) và số lợn nái còn 5.241 con (giảm 54,4%).

Nhìn chung, quy mô chăn nuôi vẫn chủ yếu nhỏ lẻ. Hệ thống chuồng trại chăn nuôi không được đầu tư bài bản cũng như việc phòng dịch chưa thực sự đảm bảo nên khi dịch bệnh xảy ra thì lây lan rất nhanh, khó kiểm soát. Theo thống kê, số lợn chết và tiêu hủy đa phần là ở các hộ chăn nuôi nhỏ.

Toàn huyện có 9 trang trại nuôi heo thì những trang trại này không bị ảnh hưởng nhiều. Đặc biệt, có trang trại nuôi 1.000 con lợn nái không chịu ảnh hưởng của DTLCP.

Anh Lê Đình Quốc trú thôn An Hòa, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên cho biết, trước đây xã là tâm điểm DTLCP, hầu như 100% số heo trong xã đều bị dịch chết buộc phải tiêu hủy. Riêng gia đình anh khi đó nuôi 3 con heo nái, mỗi con trọng lượng hơn 1 tạ đều bị dịch chết. Vừa qua, gia đình anh được hỗ trợ 6 triệu đồng.

Cách đây 2 tháng, khi nhìn thấy dịch bệnh đã ổn cùng với đó, giá heo thương phẩm ở mức cao nên anh quyết định vay gần 100 triệu đồng để xử lý lại chuồng trại, như xây tường rào kín xung quanh, đào thêm 3 hầm biogas và mua 35 con lợn giống về nuôi. Hiện nay số lợn này đang phát triển tốt và có con đã đạt 65kg.

“Việc tái đàn hiện nay nặng nhất là khâu giống. Nếu như trước đây mỗi con heo con giá chỉ từ 800 – 900 ngàn đồng thì vừa rồi tôi mua đã 1,8 triệu đồng. Tôi cũng thừa nhận là chuồng trại nuôi của gia đình chưa thực sự đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Phương pháp xử lý chuồng trại chủ yếu là rải vôi, phun thuốc tiêu độc khử trùng nhưng thấy giá heo thương phẩm cao như vậy nên tôi cũng bỏ tiền đầu tư nuôi lại, chấp nhận rủi ro chứ ngoài nuôi heo tôi cũng không biết làm gì khác”, anh Quốc nói.

Cũng giống như gia đình anh Quốc, chuồng nuôi heo quy mô hộ gia đình của anh Huỳnh Tấn Bình ở thôn An Hòa, xã Duy Trung đợt dịch vừa qua có 5 con heo nái bị chết. Sau khi địa phương công bố hết dịch và nhận thấy giá heo thương phẩm cao, anh Bình bỏ hàng chục triệu đồng để mua 17 con heo giống về nuôi.

“Với quy mô nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư như thế này thì việc đầu tư chuồng trại nuôi theo hướng an toàn sinh học là rất khó. Tôi cũng muốn nuôi nhiều hơn nhưng do điều kiện không cho phép nên chỉ thả số lượng chừng đó.

Bây giờ chuồng trại cũng như việc phòng dịch chỉ ở mức cơ bản như thế mà lỡ dịch bệnh xảy ra thì khó có thể xử lý được, khả năng chịu thiệt hại là rất lớn nhưng cũng đành liều”, anh Bình tâm sự.

Hướng đến chăn nuôi tập trung

Ông Trần Huy Tường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, sau khi dịch bệnh xảy ra, đàn heo của toàn huyện giảm đáng kể. Và hiện nay, các xã, thị trấn đang tiến hành công tác tái đàn.

“Huyện đã đề ra mục tiêu bằng các con số cụ thể. Dự kiến đến cuối năm 2020, tổng đàn lợn của huyện sẽ đạt khoảng 40.000 con”, ông Tường nói.

Dù chưa đảm bảo an toàn sinh học nhưng nhiều hộ dân ở Quảng Nam vẫn đầu tư để tái đàn, chấp nhận rủi ro. Ảnh: Lê Khánh.

Dù chưa đảm bảo an toàn sinh học nhưng nhiều hộ dân ở Quảng Nam vẫn đầu tư để tái đàn, chấp nhận rủi ro. Ảnh: Lê Khánh.

Cũng theo ông Tường, việc tái đàn lợn của huyện Duy Xuyên chủ yếu dựa vào nguồn lực từ chính các hộ dân chứ vẫn chưa có các chính sách, cơ chế hỗ trợ từ tỉnh, huyện.

Những hộ nào muốn tái đàn thì tự bỏ tiền ra đầu tư mua giống, cải tạo trang trại. Cùng với đó, giá lợn giống vẫn đang ở mức cao nên chi phí đầu tư tái đàn tương đối lớn, đây là một trong những khó khăn cho các hộ chăn nuôi.

“Nếu tỉnh không có chính sách hỗ trợ để tăng đàn thì biện pháp mà huyện Duy Xuyên thực hiện là sử dụng các giống lai để làm nái. Chứ nếu nái cứ bắt buộc phải giống thuần thì việc tăng đàn là rất khó khăn. Bên cạnh đó, với quy mô chăn nuôi hộ gia đình như hiện nay, việc phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là rất khó.

Điều này cần phải có sự tham gia của các doanh nghiệp, cùng với địa phương xem xét lấy ý kiến của người dân để lựa chọn địa điểm xây dựng khu chăn nuôi tập trung, đầu tư bài bản đảm bảo an toàn sinh học mà Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo”, đại diện Phòng NN-PTNT huyện Duy Xuyên cho biết.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, hiện nay tỉnh vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tái đàn nhất là việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học vì quy mô chăn nuôi hộ gia đình ở Quảng Nam chiếm rất lớn (khoảng 64%).

Ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng thừa nhận rằng, trong điều kiện đàn lợn giảm sút nghiêm trọng sau khi DTLCP xảy ra thì việc tái đàn là rất cần thiết. Tỉnh cũng nỗ lực trong công tác tái đàn nhưng hiện tổng đàn mới được 250.000 con, đạt 52% so với thời điểm trước dịch (khoảng 483.000 con).

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng đã đến Quảng Nam kiểm tra công tác tái đàn tại tỉnh này. Thứ trưởng cho rằng, hiện nay chăn nuôi hộ gia đình ở Quảng Nam vẫn chưa đảm bảo công tác an toàn dịch bệnh mà các hộ dân lại bỏ rất nhiều tiền để mua giống tái đàn nên rất nguy hiểm.

“Nếu không có những giải pháp cụ thể thì tăng đàn như vậy rất dễ dịch bệnh tái bùng phát trở lại. Do đó, tỉnh Quảng Nam cần phải có kế hoạch cụ thể, các ngành chức năng phải chỉ đạo bằng văn bản, bằng thông tin tuyên truyền cũng như chỉ ra những mô hình tiêu biểu để dẫn dắt cho các hộ dân thực hiện thì mới hiệu quả”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Trước những chỉ đạo của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Sở NN-PTNT sau đó đã tổ chức Hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo UBND các huyện, các phòng NN-PTNT để bàn các giải pháp thực hiện việc tái đàn đảm bảo an toàn. Theo đó, Sở NN-PTNT yêu cầu các huyện báo cáo thực trạng chăn nuôi, những hộ dân nào muốn tái đàn thì phải báo cáo đủ điều kiện an toàn.

Ông Lê Ngọc Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đang tiến hành xây dựng cơ chế để hỗ trợ sau dịch cho những hộ dân tái đàn mà cụ thể là hỗ trợ lãi suất vay, làm sao để hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc biệt là chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi trang trại. Sở cũng đã lập quy hoạch khu chăn nuôi tập trung ở các huyện trên cơ sở các huyện báo cáo, sau đó tỉnh kiểm tra và phê duyệt. Nhưng vấn đề này thường gặp vướng mắc về mặt bằng do lấy đất của dân. Do đó, nhà đầu tư phải thỏa thuận để có được mặt bằng đủ lớn làm khu chăn nuôi”, ông Trung nói.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Vụ lúa đông xuân 'vui như tết' của nông dân Quảng Trị

Đến cuối tháng 4, nông dân Quảng Trị đã thu hoạch gần 60% diện tích lúa đông xuân, dự kiến sẽ kết thúc thu hoạch trước 10/5; năng suất đạt 6,1 - 6,2 tấn/ha.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm