Trước đó, trong năm 2020, dự án trồng rừng gỗ lớn tại các địa phương trong tỉnh này có tổng mức hỗ trợ đầu tư gần 9,5 tỷ đồng. Cụ thể: dự án trồng rừng gỗ lớn tại các huyện Tây Giang (hơn 2 tỷ đồng), Tiên Phước (hơn 1,2 tỷ đồng), Hiệp Đức (gần 4 tỷ đồng), Bắc Trà My (hơn 1,4 tỷ đồng), Thăng Bình (750 triệu đồng).
Lũy kế vốn cấp và giải ngân đến ngày 31/1/2023 đạt hơn 5,2 tỷ đồng. Nguồn vốn bổ sung lần này để thanh toán kinh phí thực hiện các dự án trồng rừng gỗ lớn năm 2020 theo hình thức hỗ trợ sau đầu tư.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện được phân bổ kinh phí lần này quản lý, sử dụng kế hoạch vốn được giao đúng mục đích, hiệu quả; giải ngân kế hoạch vốn theo đúng thời hạn và thực hiện thanh quyết toán theo quy định; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ.
Tỉnh Quảng Nam có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng hơn 769.000ha, diện tích trồng rừng hằng năm bình quân trên 19.000ha. Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng rừng trồng trên địa bàn tỉnh này còn thấp, năng suất chưa cao. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng bình quân hằng năm đạt khoảng 1,4 triệu khối, năng suất rừng đạt 70 - 75m3/ha/chu kỳ 5 năm.
Người trồng rừng ở Quảng Nam chỉ chú trọng trồng rừng sản xuất dăm gỗ (chu kỳ khai thác khoảng 4 - 5 năm), chưa áp dụng các nguyên tắc của quản lý rừng bền vững nên chất lượng rừng trồng chưa đạt hiệu quả, khó khăn trong xuất khẩu sản phẩm gỗ ra thị trường quốc tế. So với tiềm năng, nhu cầu phát triển trồng rừng gỗ lớn của địa phương này thì kết quả đạt được khá khiêm tốn. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng gần 2.500/10.000ha theo kế hoạch, chủ yếu là người dân tham gia trồng theo kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn của tỉnh.