Mới đây, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đánh giá kết quả 2,5 năm thực hiện Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; đánh giá 2 năm thực hiện kế hoạch trồng lim, lát, giổi và cho ý kiến vào hồ sơ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 337.
Năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh trồng được gần 2.950ha lim, lát, giổi. Trong đó trồng từ nguồn kinh phí trồng rừng thay thế đạt hơn 362ha, tổng kinh phí gần 43,6 tỷ đồng; trồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 337 đạt hơn 85ha, tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng; trồng từ nguồn xã hội hóa, vốn tự có của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đạt hơn 1.840ha, tổng kinh phí gần 25,6 tỷ đồng.
Qua 2,5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 337, trên địa bàn huyện Ba Chẽ và thành phố Hạ Long đã có 1.016 hộ gia đình, cá nhân tham gia chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với tổng diện tích 1.656,2ha; tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách là gần 34,4 tỷ đồng. Đã có 310 hộ gia đình, cá nhân vay gần 13,2 tỷ đồng vốn với lãi suất ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND đã đóng góp tích cực vào phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh: Năm 2022, toàn tỉnh trồng được 13.786ha rừng tập trung (tăng 853ha/năm so với năm 2021, tăng 1.888ha/năm so với năm 2020 và tăng 2.992ha/năm so với giai đoạn 2018 - 2019); khai thác rừng trồng đạt 13.225ha với sản lượng hơn 783 nghìn m3, tăng cao so với giai đoạn trước; các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ ngày càng phong phú; các cơ sở chế biến lâm sản phát triển và mở rộng về quy mô, công suất, chất lượng sản phẩm…
Về trồng rừng cây gỗ lớn, từ khi Nghị quyết 337 được ban hành, giai đoạn 2021 - 2022 toàn tỉnh trồng được 5.102ha cây gỗ lớn, cây bản địa; các loại cây trồng đa dạng hơn, đều là các loại cây có chu kỳ kinh doanh dài trên 25 năm; cơ cấu cây trồng chuyển biến tích cực; giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích và năng suất rừng trồng được cải thiện; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì đạt 55% và chất lượng rừng được nâng cao.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đã thảo luận về một số nội dung trọng tâm trong công tác trồng rừng gỗ lớn, phát triển lâm nghiệp bền vững; đồng thời chỉ ra một số điểm bất cập, hạn chế của Nghị quyết 337, như đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách hỗ trợ đặc thù; các nội dung cụ thể trong chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp… Từ đó đóng góp ý kiến, tham gia hoàn thiện các nội dung của hồ sơ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 337.
Đơn cử như thành phố Hạ Long, năm 2023 được giao chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn (lim, giổi, lát) với diện tích 420ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích đã trồng rừng lim, giổi, lát là 119,83ha, đạt 28,5% so với kế hoạch tỉnh giao và 28,2% so với kế hoạch thành phố đề ra (425ha). Đây là khó khăn lớn của thành phố, nếu không có sự "đột phá" thì rất khó để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Cho ý kiến về các nội dung của cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, báo cáo tiến độ và phương hướng, giải pháp, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu trồng ít nhất 2.000ha lim, lát, giổi trong năm 2023, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/8. Đồng thời tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện các Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững và trồng rững gỗ lớn.
Đối với việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND, ông Diện yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tập trung thảo luận, thống nhất xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi, đảm bảo nghị quyết mới khi được đưa ra trình HĐND tỉnh sẽ được phê duyệt, ban hành và triển khai có hiệu quả trong thực tế. Qua đó tạo cơ chế, hành lang pháp lý để giải quyết những vấn đề bất cập về phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới.