Ngày 10/3/2022, Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 327/QĐ-TTg. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Ngoài mục tiêu về kinh tế là giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030, Đề án cũng đưa ra mục tiêu về phát triển bền vững.
Cụ thể, đến năm 2030, trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến. Bên cạnh đó, 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc đảm bảo gỗ và nguyên liệu gỗ đều có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, góp phần thực hiện các cam kết về phát triển bền vững của Việt Nam với thế giới.
Xu thế tất yếu
Trước thời điểm ra đời 3 năm trước, từ tháng 1/2019, Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) - tổ chức thực hiện Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS) đã được thành lập.
Điều này cho thấy, Việt Nam không chỉ bắt kịp xu thế của thời đại về phát triển bền vững mà còn sẵn sàng cho công tác triển khai cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững từ nhiều năm trước. Trong giai đoạn hiện nay, ngoài duy trì độ che phủ thì nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng và đẩy mạnh quản lý rừng bền vững là những mục tiêu phát triển của ngành lâm nghiệp. Và VFCS/PEFC ra đời để đáp ứng những mục tiêu này.
Sau khi ra đời, đến tháng 10/2020, Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia đã được Tổ chức Chứng nhận Chứng chỉ rừng Quốc tế PEFC công nhận. Đây là tổ chức toàn cầu, thực hiện đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn ISO về quản lý chất lượng, đã cấp chứng nhận cho 290 triệu ha rừng, chiếm 71% diện tích rừng được chứng nhận toàn cầu.
Với mỗi quốc gia, PEFC cho phép xây dựng một hệ thống chứng chỉ rừng riêng, các tiêu chuẩn về quản lý rừng bền vững do quốc gia tự xây dựng để phù hợp với các điều kiện riêng nhưng vẫn phải đáp ứng được các yêu cầu của PEFC. Ở Việt Nam, Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS/PEFC) chính thức được công nhận vào năm 2020.
Có thể nói, thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là mục tiêu quan trọng của ngành lâm nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đóng góp trực tiếp vào mục tiêu của Việt Nam về phát triển bền vững, các nỗ lực giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải thuần bằng 0 vào năm 2050.
Trong đó, Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia hướng đến nâng cao giá trị gia tăng của rừng thông qua áp dụng giống cây trồng ưu việt và các kỹ thuật quản lý rừng phù hợp. Từ đó giúp cải thiện và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp đáp ứng các yêu cầu chứng nhận của thị trường.
Phát triển cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường
Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) được ra đời với nhiệm vụ chung là thúc đẩy quản lý rừng bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng rừng; đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp và minh bạch cho ngành gỗ.
Bên cạnh đó là tăng cường dịch vụ hệ sinh thái, đóng góp cho giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như phát triển bền vững.
Để thực hiện các nhiệm vụ này, VFCO đã phát triển các tiêu chuẩn, hướng dẫn thực hiện quản lý rừng bền vững và các chứng chỉ rừng như FM... Đồng thời xây dựng năng lực thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho các chuyên gia đánh giá, các chủ rừng, các doanh nghiệp...
VFCO cũng có chức năng quản lý hoạt động chứng nhận VFCS/PEFC, cấp phép sử dụng tem nhãn VFCS/PEFC tại Việt Nam. Cùng với đó là giám sát, đánh giá và không ngừng cải thiện chất lượng chứng chỉ rừng của VFCS.
Hiện nay, VFCO áp dụng tiêu chuẩn VFCS/PEFC ST 1003:2019 cho chứng chỉ quản lý rừng đơn và VFCS/PEFC ST 1004:2019 cho chứng chỉ quản lý rừng theo nhóm.
Trong đó, tiêu chuẩn VFCS/PEFC ST 1003:2019 gồm có 7 nguyên tắc, 34 tiêu chí và 122 chỉ số. Mục tiêu chung là đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường.
Cụ thể, có 9 tiêu chí về tuân thủ pháp luật, liên quan đến các quy định tại luật, nghị định, thông tư, điều ước quốc tế và được cần cập nhật liên tục. Có 4 tiêu chí về xã hội liên quan tới quyền của cộng đồng địa phương, sinh kế, văn hóa, tín ngưỡng...
Con số tiêu chí kinh tế, kỹ thuật là 8, bao gồm từ khâu chuẩn bị giống đến khai thác và đi sâu vào kỹ thuật lâm nghiệp. Môi trường có 10 tiêu chí như tác động, biện pháp giảm nhẹ; giá trị sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học...
Cuối cùng là 3 tiêu chí về giám sát, quản lý liên quan đến kế hoạch giám sát, thực hiện kế hoạch giám sát, lưu trữ hồ sơ. Những tiêu chí, chỉ số này vẫn được cập nhật thường xuyên để đảm bảo theo kịp những yêu cầu mới trên thế giới.
Với chứng chỉ quản lý rừng theo nhóm, đối tượng là các tổ chức nhóm như hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã... Trong đó phải tuân thủ các yêu cầu về quản lý nhóm cũng như tuân thủ tiêu chuẩn của quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC.
Những kết quả bước đầu
Tính đến nay, đã có 172.825ha rừng được cấp chứng chỉ rừng quốc gia VFCS/PEFC trên tổng số 473.237ha đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững, chiếm 36%. Trong số 172.825 ha nói trên, có 20% keo và 80% cao su.
Tổng số đơn vị được chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC hiện nay là 102, trong đó 34% là đơn lẻ và 66% là nhóm.
Những dữ liệu về chứng nhận này được công bố công khai trên website của VFCS và PEFC, cập nhật kịp thời, đảm bảo đầy đủ thông tin. Khi truy cập vào bản đồ, người xem có thể thấy được tổ chức được chứng nhận, mã chứng nhận, diện tích, loài cây và ngày hết hạn.
Những ưu tiên của VFCS/PEFC hiện nay là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn, hướng dẫn thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Xây dựng năng lực cho các tổ chức chứng nhận, các chủ rừng, doanh nghiệp và các bên liên quan.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho rừng trồng sản xuất, ưu tiên chứng chỉ nhóm thông qua liên kết với doanh nghiệp; cấp chứng chỉ CoC/CS cho doanh nghiệp cung ứng, thương mại, chế biến (dăm gỗ, viên nén gỗ...).
Một số ưu tiên nữa có thể kể đến là tuyên truyền, quảng bá về VFCS và PEFC; kết nối thị trường; theo dõi, giám sát, cải thiện chất lượng VFCS.
Để thực hiện công tác cung cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững sẽ cần 3 đơn vị có quan hệ tương hỗ cho nhau, ở Việt Nam là Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO), Văn phòng công nhận chất lượng BoA (là thành viên của Diễn đàn Công nhận quốc tế IAF) và các tổ chức chứng nhận.