| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh phát động 'chiến dịch 30 ngày đêm' thu dọn, vệ sinh rừng

Thứ Sáu 04/10/2024 , 11:12 (GMT+7)

Sau bão số 3, rừng trồng của tỉnh Quảng Ninh bị gãy đổ hơn 117.000 ha, chủ yếu là keo và bạch đàn. Nếu không tận thu sớm, nguy cơ cháy rừng rất cao.

Rừng keo ở Hạ Long tan tác sau bão số 3. Ảnh: Vũ Cường

Rừng keo ở Hạ Long tan tác sau bão số 3. Ảnh: Vũ Cường

Bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Quảng Ninh đã gây thiệt hại nặng nề cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp với hơn 117.000 ha rừng bị đổ gẫy; gây hệ lụy lớn không chỉ về kinh tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, tác động sâu sắc đến đời sống, sinh kế của nhiều đối tượng trực tiếp sinh sống, sản xuất kinh doanh bằng nghề rừng, đặc biệt là doanh nghiệp trồng rừng và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Những ngày này, thời tiết khô hanh kéo dài, quá trình thu gom, xử lý cây rừng thiệt hại vẫn đang được người dân, doanh nghiệp triển khai; tình trạng lá rụng, cây khô nhiều rất dễ dẫn tới nguy cơ cháy rừng.

Như ngày 28/9, tại khu rừng bạch đàn, thông, keo thuộc địa phận khu 2, phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả, đã xảy ra cháy.

Mới đây, tối 1/10, tại thôn Tiền Hải, xã Minh Châu, huyện Vân Đồn cũng xảy ra cháy lớn thiêu rụi hơn 10 ha rừng keo, bạch đàn và thông của một số hộ dân.

Sau bão, các hộ dân đã huy động tối đa người trong gia đình và thuê thêm nhân công để kịp thời tận thu gỗ rừng bị gãy đổ, chủ yếu là gỗ keo. Ảnh: Vũ Cường.

Sau bão, các hộ dân đã huy động tối đa người trong gia đình và thuê thêm nhân công để kịp thời tận thu gỗ rừng bị gãy đổ, chủ yếu là gỗ keo. Ảnh: Vũ Cường.

Đã hơn 3 tuần kể từ sau bão, chị Hoàng Mai Dung (thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) mới dọn dẹp, tận thu được hơn 2 ha rừng trong tổng số gần 6 ha rừng keo bị gãy đổ của gia đình.

Chị Dung cho biết thời điểm sau bão, việc thuê nhân công đi tận thu keo rất khó, bởi hầu hết nhà ai cũng có rừng bị thiệt hại nên họ tập trung xử lý rừng của gia đình mình trước. Mặt khác, cây keo gãy rất khó bóc vỏ nên cũng không ai muốn nhận làm. Nếu thuê được người thì chi phí cũng cao hơn nhiều so với ngày thường, khoảng 350.000 đồng/người/ngày.

"Keo gãy đổ tầm 1 tháng không được thu hoạch sẽ bị khô, mất giá. Ở đây, nhiều rừng keo ở trên cao, keo mới trồng còn non không ai mua. Keo gãy đổ dần bị khô, nếu không dọn dẹp thì nguy cơ cháy rừng rất cao", chị Dung lo lắng nói.

Các thân cây keo được bóc vỏ ngay tại chỗ để khi bán được giá hơn. Giá keo trắng (keo đã bóc vỏ) cao hơn giá keo đen (keo chưa bóc vỏ). Ảnh: Vũ Cường.

Các thân cây keo được bóc vỏ ngay tại chỗ để khi bán được giá hơn. Giá keo trắng (keo đã bóc vỏ) cao hơn giá keo đen (keo chưa bóc vỏ). Ảnh: Vũ Cường.

Để khẩn trương, kịp thời khắc phục hậu quả của bão số 3 gây ra và giảm thiểu khó khăn cho các đối tượng trực tiếp sinh sống, sản xuất kinh doanh bằng nghề rừng trên địa bàn tỉnh, ngày 1/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phát động ra quân tổ chức hỗ trợ khắc phục thiệt hại về lâm nghiệp; tăng cường các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; tham mưu, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, chủ rừng khắc phục hậu quả thiệt hại về lĩnh vực lâm nghiệp; tuyên truyền, vận động nhân dân, chủ rừng hỗ trợ thu dọn vệ sinh rừng, tận dụng, tận thu lâm sản.

Ông Huy giao cho các huyện, thị xã, thành phố huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức phát động chiến dịch cao điểm 30 ngày đêm ra quân hỗ trợ các chủ rừng thu dọn, vệ sinh rừng, lưu thông tuyến đường vận chuyển, tận thu lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại, quyết tâm hoàn thành công việc trước ngày 31/10/2024; tạo điều kiện thuận lợi (kho bãi, điện…) cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu lâm sản hoạt động tối đa công suất.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu, thu mua, chế biến dăm gỗ huy động tối đa nguồn lực khắc phục thiệt hại cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, đảm bảo hoạt động tối đa công suất chế biến, xuất khẩu lâm sản. Thống nhất với chủ rừng các nội dung thu mua, vận chuyển, đảm bảo thực hiện thu mua sản phẩm với thời gian nhanh nhất có thể.

Bão số 3 gây thiệt hại lớn cho những cánh rừng của Quảng Ninh. UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trồng rừng; giải quyết những khó khăn trước mắt và tìm ra hướng đi lâu dài để những cánh rừng xanh trở lại.

Với sự chung tay đồng hành và những biện pháp kịp thời để bảo vệ, phát triển rừng, người dân, doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn tỉnh có thêm niềm tin, động lực để khôi phục sản xuất, đưa kinh tế rừng Quảng Ninh nhanh chóng phục hồi và phát triển.

Xem thêm
Phát hiện loài ong mới ở Vườn quốc gia Vũ Quang

Loài ong ký sinh này thuộc họ ong mật, được đặt tên theo nơi phát hiện ra chúng ở Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.