Phụ huynh có con đang học lớp 10 tại trường THPT Hồng Đức (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, vào tháng 11 tới đây, trường tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường. Để chương trình diễn ra long trọng, ban đại diện cha mẹ phụ huynh kêu gọi mỗi học sinh đóng 600 nghìn đồng.
"Lúc đầu nghe nói đóng góp như vậy mọi người nghĩ là tùy tâm, nhưng cô giáo và ban đại diện phụ huynh trường họp về bảo là bắt buộc. Vừa rồi, tại buổi họp phụ huynh lớp, tuy cũng có nhiều tranh luận nhưng sau đó mọi người cũng phải đóng đủ, nộp cho giáo viên chủ nhiệm", vị phụ huynh bức xúc, cho hay.
Sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh, PV đã chuyển nội dung này đến lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo TP Uông Bí và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh.
Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phan Hồng Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Uông Bí, cho rằng, những việc như thế chỉ được vận động, không thể quy định cứng định mức là bao nhiêu. Người có điều kiện có thể ủng hộ nhiều, người không có ủng hộ ít. Tuy nhiên, do đây là trường cấp 3 nên thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Liên quan đến thông tin Trường THPT Hồng Đức "bổ đầu" cho phụ huynh để có tiền làm lễ kỷ niệm 20 năm thành lập, bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Theo quy định, các trường muốn tổ chức lễ kỷ niệm thành lập trường, quy định chỉ được tổ chức vào năm tròn, năm chẵn thì phải có báo cáo xin ý kiến của Sở Giáo dục. Khi đã được Sở đồng ý chủ trương tổ chức, nhà trường phải xây dựng kế hoạch cụ thể chương trình như thế nào, thời gian, dự kiến khách mời, kinh phí bao nhiêu... Nếu có xã hội hóa phải xây dựng đề án, dự kiến thu ở đâu, nguồn nào để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt".
Ngoài ra, theo quy định, các khoản thu chỉ thực hiện khi toàn thể cha mẹ học sinh thống nhất và tự nguyện. Phải xây dựng dự toán chi tiết các khoản chi để làm cơ sở xây dựng mức thu. Mức thu theo nguyên tắc thu đủ chi, phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn và nhu cầu của cha mẹ học sinh. Đồng thời, phải tổ chức hội nghị công khai, thống nhất trong ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, các đoàn thể trong đơn vị và ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường về nội dung, mục đích, mức thu, chế độ chi. Sau đó, tổ chức hội nghị cha mẹ học sinh trường, lớp để triển khai bằng văn bản kế hoạch thu, chi đến toàn thể cha mẹ học sinh. Cuối học kỳ hoặc cuối năm phải quyết toán thu, chi, công khai kết quả thu, chi bằng văn bản tới tất cả cha mẹ học sinh và giáo viên.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh: "Nếu trường muốn xã hội hóa phải có kế hoạch, đề án báo cáo Sở. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Trường THPT Hồng Đức chưa báo cáo cho Sở. Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu trường phải làm kế hoạch, đề án báo cáo, trình Sở xem xét".
Bà Nguyễn Thị Thúy nhấn mạnh: "Nguyên tắc đã là xã hội hóa thì không được phép bổ đầu, phải để cha mẹ học sinh tự nguyện, không được quy định bao nhiêu tiền, ai có bao nhiêu ủng hộ bấy nhiêu, không có cũng được".