| Hotline: 0983.970.780

Quê tôi, sao lại thế này?: Những con dao pha và di hại của nó

Thứ Ba 08/03/2016 , 06:35 (GMT+7)

Quả thực, trên có trời, dưới có đất, giữa có trần gian hầu như không nghề gì mà anh Châu không trải qua từ nấu rượu, đánh củi, úp nơm, đốt vôi, đóng gạch, thợ xây đến bốc mả…

Nhà thợ xây thường xấu

“Anh ấy như một con dao pha vậy!”. Đối với người dân quê, không gì quý hơn lời khen ấy. Được khen như vậy ai mà chẳng ưỡn cái ngực ra, thẳng cái đầu lên, chẳng sung sướng, tự hào lắm lắm? Dao pha có lưỡi lớn sắc bén dùng được vào nhiều việc như cắt, thái, băm, chẻ… chỗ nào cũng ngọt cả. Còn người như con dao pha là một người việc gì cũng biết, việc gì cũng hay. Nguyễn Văn Chiến người làng Như Phượng Thượng (xã Long Hưng, huyện Văn Giang, Hưng Yên) là một “con dao pha” như vậy.

14 tuổi anh đã theo cai đi làm thợ mộc. 18 tuổi anh bỏ chàng, bỏ đục vác cưa đi làm thợ xẻ. 20 tuổi anh bỏ cưa, bỏ xẻ học cách lắc mâm đãi vàng sa khoáng ở đâu mãi tận Na Rì (Bắc Kạn). Đến khi vợ con bìu ríu anh lại về lái xe công nông. Rời vô lăng công nông anh chuyển sang đủ thứ nghề từ quai búa, cắt trấu liềm, mài dao trong xưởng rèn đến giăng lưới đánh cá, bốc vác kiêm đập phá công trình các loại.

16-03-23_dsc_1460
Bộ đồ nghề kiếm cá của anh Chiến

Nhà anh Chiến giờ đây cả mấy bố con đều làm thợ. Nghề chính của anh là đi xây còn nghề chính của thằng con là đi sơn nhà. Thế mà cái nhà của họ trông thật xập xệ. Tường xây tạm bợ, mái chăng ni lông bên dưới cho khỏi dột nát, cửa chính lọc xọc, cửa sổ chỉ đẩy nhẹ một cái là bật tung.

Ngoài sân, mấy kiêu gạch rêu đã kịp phủ lên xanh rì, không còn nhìn thấy màu đỏ nguyên bản nữa. Đống gạch được chủ nhân bỏ tiền ra mua rồi để mặc đấy mấy năm mà vẫn chưa biết dùng vào một việc gì cho có ích.

Dấu ấn duy nhất về nghề nghiệp tạm coi được là mảng tường sơn sần rộng chừng 1m2 trước cửa. Đấy là nơi thể hiện tay nghề thợ sơn của thằng con trai.

Một “con dao pha” khác cũng tương đối điển hình là Nguyễn Hữu Châu - người thôn Tứ Kỳ Hạ xã Phượng Kỳ (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương).

Năm nay anh đã ngoài 50 tuổi. 2h30 chiều, ông phó thôn dẫn tôi đến nhà gọi cửa mãi mà vẫn đóng im ỉm. Cái tivi trong nhà vẫn đều đặn phát ra những tiếng oang oang chứng tỏ có người bên trong. Không nản chí, chúng tôi lại gọi tiếp. Phải năm lần, bảy lượt kêu như thể nhà cháy thốt nhiên một bộ mặt đỏ gay vì rượu ẩn khuất dưới một mái tóc bù xù mới chịu thò ra. Anh Châu.

Quả thực, trên có trời, dưới có đất, giữa có trần gian hầu như không nghề gì mà anh Châu không trải qua từ nấu rượu, đánh củi, úp nơm, đốt vôi, đóng gạch, thợ xây đến bốc mả… Tôi hỏi những nghề thường xa lạ với người nông dân như anh có biết nấu ăn không?

Anh dài môi: “Nhạt toẹt, học trung cấp nấu ăn Cẩm Giàng - Hải Dương hẳn hoi nhé! Chục mâm cỗ một lúc tớ làm ngon ơ!”. Anh có biết lái xe không? Tôi hỏi tiếp. Anh ưỡn ngực: “Bình thường, lái tầu, lái xe tớ đều làm được hết. Thiếu mỗi máy bay là chưa lái thôi!”. Trong từng giọng điệu, câu nói không thèm che giấu vẻ mãn nguyện, tự hào.

Tự nhận là mình học giỏi, từng thi học sinh giỏi tỉnh, giấy khen, bằng khen cả xấp chất trong hòm mới đây anh Châu còn học thêm cả chữ Hán để… cúng sao cho đúng vần, đúng điệu. Nghề gì cũng giỏi nên anh thường tự làm thơ về mình kiểu như: “Xưa kia Chiêm, Nhiệm nhất làng. Ngày nay Châu cũng nghênh ngang giữa đồng” để nói về cái tài nghệ cấy của mình đã vượt cả những ông từng nhất làng là Chiêm, là Nhiệm.

Nói về khả năng… bốc mả anh cũng có thơ rằng: “Xưa kia tôi bốc bùn ao. Ngày nay chuyển đổi tôi đào bốc xương”. Cứ theo lời kể của anh thì một đêm nhóm thợ có thể bốc gọn gàng, sạch sẽ 5 cụ mà không để sót, để lọt dù chỉ là một cái răng.

Nghề gì anh cũng xuất khẩu thành thi để ca ngợi cái tài của mình thế mà tiếng là thợ xây, xây cho mình cái nhà cả chục năm vẫn chưa trát để lộ ra từng viên gạch, mạch vữa, đắp cái cầu thang vẹo vẹo, vọ vọ.

16-03-23_dsc_1489
Ngôi nhà hơn chục năm chưa trát của anh Châu

Khuất khỏi ngõ ông phó thôn mới bảo nhỏ với tôi rằng gia đình anh Châu từ lâu được liệt vào dạng khó khăn có hạng trong làng. Dân gian có câu: “Một nghề ăn cơm tám. Tám nghề ăn cám rang” quả không sai khi số nghề của anh phải gấp đôi, gấp ba số tám ấy.

Ăn xổi, ở thì

Nông dân miền Bắc nổi tiếng là đa di năng, là cái gì cũng biết. Có một thực tế rất phổ biến rằng nhà thợ xây thường xấu, nhà thợ mộc thường thô. Ở miền núi ê hề gỗ nhưng chẳng mấy khi có một tác phẩm mộc cho ra hồn còn ở miền biển gỗ hiếm nên người ta tiếc từng mẩu vụn một để làm nên những tuyệt phẩm đẹp mãi cùng năm tháng. Ở đồng bằng sông Hồng đất chật, người đông có lẽ vì vậy mà ít trân trọng lao động, ít chịu khó rèn giũa nghề nghiệp hơn chăng?

Nhà thợ xây thường chắp vá, tạm bợ, nhà thợ mộc thường không có cả chiếc giường tử tế để mà nằm, không có bộ bàn ghế tử tế để ngồi. Nhiều người bảo, do đặc thù nghề nghiệp nên thợ mộc hễ làm xong bộ bàn ghế, đóng xong một cái giường, cái tủ đẹp, có người đến gạ lại đành phải bán nên mới như vậy. Thế còn nhà ở của thợ xây, đâu có ai đến gạ mua đâu mà cũng lại nhếch nhác?

Chỉ có một sự giải thích hợp lý rằng dân mình thường không có tính tự giác, thói quen chuyên nghiệp. Làm có sự giám sát chặt chẽ thì chất lượng còn làm cho nhà mình thường làm ẩu. Có người xây những công trình phụ tưởng đơn giản như chuồng lợn hay nhà tắm mà còn méo. Xây nhà dăm bảy năm cũng chưa thèm trát dù không phải là quá túng tiền hay thiếu thời gian.

16-03-23_dsc_1493
“Con dao pha” Nguyễn Hữu Châu

Trước đây mấy hiệp thợ trong làng Tứ Kỳ Hạ làm ăn khá phát đạt nhưng giờ đây thợ xây còn 4 - 5 tốp, thợ mộc chỉ còn lại 2 - 3 tốp. Các tốp thợ tan rã dần dần vì kém chất lượng nên bị thị trường đào thải dần. Chẳng có gì dễ bằng làm cai thợ thời nay. Thợ cả ngày trước thường gọi là phó mộc, chịu trách nhiệm hướng dẫn tốp thợ vài ba năm ròng rèn luyện tay nghề mới mong có thể ăn mòn bát đũa thiên hạ được. Phó mộc cầm một cái nhà (hợp đồng miệng thực hiện một cái nhà) là phải tinh thông đủ thứ gồm đục lèo, kèo trụ, kẻ truyền, đấu xen, chạm trổ.

Mỗi công trình là một chữ ký, một dấu ấn của họ với đời. Say nghề và khổ luyện mới sinh ra những thế hệ thợ tài hoa đến mức tạc, đẽo con chim, trẻ con trông thấy chạy lại vồ vì ngỡ là chim thật, tạc, đẽo một bông hoa cũng đủ khiến ong bướm hiểu lầm, lượn lờ bên cạnh.

Còn ngày nay? Chỉ cần có tí kinh nghiệm, có lưng chút vốn là nhảy bổ ra làm cai, làm thợ cả được ngay. Những việc tỉ mẩn, cần sự khéo tay, hoa văn mỹ thuật cao họ ít quan tâm trui rèn vì tốn thời gian, tốn công sức. Giờ thợ chỉ muốn làm những việc cơ khí đơn giản kiểu như cưa xẻ, lắp ghép từng mảnh, từng đoạn thẳng lại với nhau thành sản phẩm cho nhanh được cầm “tiền tươi, thóc thật”.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.