| Hotline: 0983.970.780

Quy định chưa rõ, cá tầm vẫn 'mắc cạn' tại cửa khẩu

Chủ Nhật 21/05/2023 , 08:01 (GMT+7)

Theo Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT đưa ra yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm soát đối với cá tầm nhập khẩu nhưng cơ chế quản lý hiện hành chưa đảm bảo để thực thi.

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 5059/BTC-TCHQ ngày 18/5/2023 gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nhập khẩu cá tầm.

Muôn vàn khó khăn

Theo Bộ Tài chính, căn cứ Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/09/2021); Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản thì cá tầm nhập khẩu phải có giấy phép CITES và phải thuộc danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm nhiều lần có công văn khiếu nại và yêu cầu cơ quan hải quan chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa không thông quan và bị hư hỏng. Ảnh: MH.

Theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm nhiều lần có công văn khiếu nại và yêu cầu cơ quan hải quan chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa không thông quan và bị hư hỏng. Ảnh: MH.

Ngày 26/1/2021, Bộ NN-PTNT có Công văn số 580/BNN-TCTS yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát các mặt hàng cá tầm nhập khẩu. Đồng thời, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng có phản ánh về tình trạng kinh doanh cá tầm dùng làm thực phẩm tại một số thành phố lớn và chợ đầu mối không thuộc danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Hiệp hội kiến nghị cơ quan Hải quan siết chặt kiểm tra việc nhập khẩu các lô hàng cá tầm.

Từ tháng 3/2021 đến nay, các lô cá tầm nhập khẩu của doanh nghiệp đều lấy mẫu giám định để xác định chủng loại nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi nhập khẩu cá tầm không đúng quy định (không nằm trong danh mục thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, không đúng với giấy phép CITES).

Theo đó, tổng số có 294 tờ khai hải quan nhập khẩu cá tầm, trong đó có 108 tờ khai đã thông quan (trong giai đoạn từ ngày 1/12/2021-24/2/2022, các lô hàng thuộc các tờ khai này có kết quả giám định bằng phương pháp hình thái của Viện Nghiên cứu hải sản kết luận thuộc loài Acipenser baerii Brandt 18692).

186 tờ khai chưa thông quan (với trị giá gần 203 tỉ đồng) bao gồm: 81 tờ khai đã lấy mẫu gửi giám định nhưng kết quả giám định của các cơ quan khoa học CITES do Bộ NN-PTNT chỉ định đều không đủ cơ sở để kết luận chủng loại cá tầm nhập khẩu; 105 tờ khai đã lấy mẫu nhưng chưa gửi giám định được do từ ngày 24/2/2022 không có đơn vị giám định nào tiếp nhận mẫu.

Các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm nhiều lần có công văn khiếu nại và yêu cầu cơ quan hải quan chịu tránh nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa không thông quan và bị hư hỏng.

Theo Bộ Tài chính, việc nhập khẩu cá tầm hiện nay nổi lên các khó khăn, vướng mắc: Một là, khó khăn trong việc xác định giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu. Từ tháng 3/2021 đến nay, để kiểm soát giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu đúng với giấy phép CITES đã cấp theo đề nghị tăng cường kiểm soát của Bộ NN-PTNT, các lô hàng cá tầm nhập khẩu đều được cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa. Tuy nhiên, do đặc thù nhóm hàng cơ quan hải quan không đủ kinh nghiệm và phương tiện kỹ thuật để xác định chủng loài theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT.

Căn cứ quy định tại khoản 5 điều 29 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP cơ quan hải quan đã đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT để xác định giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu.

Theo đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ định các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN-PTNT thực hiện việc giám định gồm Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Viện Nghiên cứu hải sản. Tuy nhiên, kết quả giám định của các đơn vị này không kết luận giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu hoặc không tiếp nhận mẫu dẫn đến cơ quan hải quan không đủ cơ sở pháp lý để thông quan hàng hóa hoặc xử lý vi phạm đối với 186 tờ khai nhập khẩu cá tầm nêu trên.

Việc lấy mẫu, bảo quản mẫu vật cá tầm phục vụ việc giám định cũng đồng thời gây phát sinh nhiều chi phí cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp. Ảnh: MH.

Việc lấy mẫu, bảo quản mẫu vật cá tầm phục vụ việc giám định cũng đồng thời gây phát sinh nhiều chi phí cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp. Ảnh: MH.

Hai là, khó khăn trong việc bảo quản mẫu cá tầm để thực hiện giám định. Bên cạnh việc gửi mẫu và giám định thì cơ quan hải quan cũng phải lưu giữ, bảo quản các mẫu vật để phục vụ kiểm tra, đối chiếu, tái giám định khi cần thiết (đặc biệt là trường hợp kết luận giám định không rõ ràng). Trung bình mỗi lô hàng cơ quan hải quan sẽ lấy mẫu từ 3-5 cá thể cá tầm. Với tổng số lượng lớn và kích thước dài, các Chi cục Hải quan đã phải trang bị thêm 9 tủ đông để lưu mẫu. Do số lượng mẫu quá lớn nên đối với các mẫu vật của các lô hàng mới phát sinh Chi cục Hải quan giao cho người khai bảo quản mẫu các cá thể cá tầm phục vụ công tác giám định.

Tuy nhiên, do thời gian bảo quản quá dài (từ tháng 3/2021) các tủ đông chi cục đã trang bị không phải là tủ chuyên dụng nên các mẫu lưu đã có hiện tượng phân hủy.

Việc lấy mẫu giám định, bảo quản mẫu vật cá tầm phục vụ việc giám định cũng đồng thời gây phát sinh nhiều chi phí cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp (trung bình 1 mẫu gửi giám định phát sinh khoảng 20 triệu đồng/lô chưa kẻ chi phí bảo quản mẫu).

Ba là, khó khăn trong việc xử lý đối với các tờ khai hải quan cá tầm chưa có kết luận giám định xác định giống loài, chủng loại. Do đặc thù hàng hóa nhập khẩu là cá tầm tươi sống, việc nuôi nhốt phải đáp ứng điều kiện đặc biệt, không thể bảo quản tại cửa khẩu trong thời gian dài để chờ kết quả giám định. Do vậy, khi làm thủ tục hải quan theo chỉ định của cơ quan kiểm dịch về việc đưa hàng về bảo quản phục vụ công tác kiểm dịch, hàng hóa được giao cho doanh nghiệp bảo quản chờ thông quan theo quy định.

Tuy nhiên, với kết luận giám định không đủ cơ sở pháp lý để cơ quan hải quan thực hiện thông quan hoặc xử lý vi phạm dẫn đến 186 tờ khai nhập khẩu cá tầm giao cho doanh nghiệp bảo quản gặp nhiều khó khăn và phát sinh các vướng mắc mới.

Theo kết quả kiểm tra việc bảo quản hàng hóa của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn và Cục Hải quan tỉnh Lào Cai ghi nhận thì toàn bộ hàng hóa không còn tại nơi bảo quản. Trong đó, một số doanh nghiệp khai báo do cá bị chết nên đã tiêu hủy (việc tiêu hủy của doanh nghiệp không thông báo cho cơ quan hải quan và không có biên bản tiêu hủy). Một số trường hợp khai báo hàng hóa đã được bán trước khi thông quan do trong thời gian bảo quản một số lượng lớn cá tầm đã bị chết, để giảm thiểu thiệt hại các doanh nghiệp đã bán hàng hóa trước khi được cấp phép thông quan.

Hiện nay, cơ quan hải quan đang rà soát lại toàn bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu cá tầm trong giai đoạn 2021-2022 để xử lý vi phạm.

Giải quyết dứt điểm các vướng mắc

Theo Bộ Tài chính, để đảm bảo việc minh bạch, thống nhất về cơ chế quản lý, kiểm tra, kiểm soát, thực thi các quy định pháp luật; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hải qua khi thực hiện quy định về chính sách quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ NN-PTNT và triển khai yêu cầu tăng cường kiểm soát hàng hóa nhập khẩu của Bộ NN-PTNT, giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong 2 năm qua, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

Đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu đã lấy mẫu và có kết quả giám định, phân tích nhưng kết luận không rõ ràng, giao Bộ NN-PTNT trước ngày 1/6/2023 chỉ đạo đơn vị có chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT căn cứ kết quả giám định, phân tích của các cơ quan khoa học CITES để ra kết quả cụ thể về giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu đúng hay sai so với giấy phép CITES do cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp và có thuộc danh mục giống thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hay không, để làm cơ sở cho cơ quan hải quan xử lý theo quy định. Trong trường hợp cần thiết giám định lại thì đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo đơn vị chuyên môn liên hệ cơ quan hải quan để được cung cấp mẫu trước ngày 1/6/2023.

Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PTNT giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan tới việc nhập khẩu cá tầm. Ảnh: MH.

Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PTNT giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan tới việc nhập khẩu cá tầm. Ảnh: MH.

Đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu chưa được các cơ quan khoa học CITES Việt Nam tiếp nhận mẫu để giám định, giao Bộ NN-PTNT khẩn trương chỉ định một đơn vị chuyên môn tiếp nhận mẫu, thực hiện giám định và có kết luận kết quả giám định cụ thể đối với các lô cá tầm nhập khẩu nêu trên trước ngày 1/06/2023.

Các mẫu cá tầm nhập khẩu đang được lưu tại cửa khẩu từ năm 2021 đến nay đã có hiện tượng phân hủy. Do vậy, trường hợp Bộ NN-PTNT không yêu cầu cung cấp mẫu trước ngày 1/6/2023 thì sau thời điểm trên Bộ Tài chính đề xuất mời Chi cục Thú y phối hợp để tiến hành tiêu hủy các mẫu lưu.

Đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu có thể phát sinh trong thời gian tới, giao Bộ NN-PTNT có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thực thi; phương pháp kiểm tra, xác định chủng loại cá tầm; đơn vị chuyên môn có chức năng giám định, xác định cụ thể chính xác giống, loài của cá tầm nhập khẩu; hoàn thành trước ngày 1/06/2023.

Trường hợp có khó khăn vướng mắc trong việc hướng dẫn đối với công tác giám định cá tầm, giao Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý để giải quyết các vướng mắc của Bộ Tài chính và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian vừa qua trước ngày 1/6/2023.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.