| Hotline: 0983.970.780

Quy định mới về điều kiện kinh doanh đào tạo lái xe ô tô

Thứ Tư 10/10/2018 , 13:10 (GMT+7)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 138/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Nghị định 138/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh, cấp và thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô.

Cụ thể, về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, Nghị định 138/2018/NĐ-CP sửa đổi điều kiện về phòng học Kỹ thuật lái xe như sau: Có phương tiện nghe nhìn phục vụ giảng dạy (băng đĩa, đèn chiếu...); có hình hoặc tranh vẽ mô tả các thao tác lái xe cơ bản (điều chỉnh ghế lái, tư thế ngồi lái, vị trí cầm vô lăng lái...); có xe ô tô được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng (có thể bố trí ở nơi riêng biệt); có thiết bị mô phòng để đào tạo lái xe.

Về điều kiện xe tập lái, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có xe tập lái các hạng được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy lái.

Sân tập lái xe phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe.

Ngoài cơ sở vật chất kỹ thuật, Nghị định 138/2018/NĐ-CP cũng sửa đổi điều kiện về giáo viên. Theo đó, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có đội ngũ giáo viên dạy lý thuyết, thực hành đáp ứng tiêu chuẩn quy định; đảm bảo có ít nhất 1 giáo viên dạy thực hành lái xe trên 01 xe tập lái.

Tiêu chuẩn chung giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

Giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên, giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng xe đào tạo trở lên.

Giáo viên dạy thực hành lái xe đáp ứng các tiêu chuẩn: i-Có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2; ii- Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 3 năm trở lên, kể từ ngày trúng tuyển; iii- Giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 05 năm trở lên kể từ ngày trúng tuyển; iv- Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo mẫu quy định.

Về Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, Nghị định quy định Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe cho giáo viên thuộc các cơ sở đào tạo thuộc cơ quan trung ương do Bộ Giao thông vận tải giao; Sở Giao thông vận tải cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe cho giáo viên thuộc các cơ sở đào tạo do địa phương quản lý.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.