Tại cuộc họp giao ban Khối Chăn nuôi quý I và nghe báo cáo một số kiến nghị của hội, hiệp hội ngành hàng chăn nuôi diễn ra ngày 2/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao thành quả của ngành chăn nuôi trong quý I. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh trên gia súc gia cầm xuất hiện rải rác nhưng toàn ngành luôn nỗ lực để có được những kết quả khởi sắc.
"Mặc dù chăn nuôi thời gian qua đã có những bước tiến nhất định nhưng xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn, cần đẩy mạnh hơn nữa, cần làm chủ công nghệ, bám sát công nghệ, các thông tư, văn bản của Bộ, Chính phủ. Các đề án phát triển ngành chăn nuôi đã có cần nhanh chóng triển khai thực hiện", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Để tạo ra cú hích lớn, thúc đẩy xuất khẩu, ngành chăn nuôi cần tăng cường cơ hội hợp tác trong bối cảnh triển khai quy định của CPTPP, EVFTA; khảo sát đánh giá thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đến một số nước trong khối ASEAN, khu vực châu Á, châu Mỹ, EU.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống, tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng giống của các địa phương. Tiếp tục rà soát hệ thống sản xuất giống vật nuôi, trên cơ sở Dịch vụ công và chuyển đổi số, ứng dụng công bố tiêu chuẩn áp dụng của các cơ sở giống trên hệ thống.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho biết, trong quý I, do thời tiết khí hậu khá thuận lợi, không có rét đậm rét hại kéo dài, các địa phương triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh khá tốt nên tình hình chăn nuôi tương đối ổn định cả về tổng đàn và tốc độ tăng trưởng.
Theo số liệu ước tính, trong quý I/2024, mặc dù đàn trâu giảm 2,5%, đàn bò giảm 0,1% nhưng sản lượng thịt trâu hơi vẫn tăng 0,36%, đạt 32,9 nghìn tấn; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 132,5 nghìn tấn, tăng 1,5%; sản lượng sữa bò ước đạt 331,3 nghìn tấn, tăng 5,2%. Đàn lợn tăng 3,3%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 1.294 nghìn tấn, tăng 4,6%.
Tính chung, tổng sản lượng thịt hơi các loại trong quý I ước đạt trên 2 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Về giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi, so với cùng kỳ 2023 và quý IV/2023 có xu hướng giảm nhẹ. So với giai đoạn cao điểm, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (quý II/2022), giá các nguyên liệu chính như ngô hạt, khô dầu đậu tương đã giảm lần lượt 26,2% và 8,6%.
Cục Chăn nuôi nhận định, thời gian tới, do nguồn cung nguyên liệu ổn định và giá giảm nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục theo xu hướng giảm, tuy nhiên khó quay trở lại mức giá thời điểm trước dịch.
Về giá thịt lợn hơi xuất chuồng, đầu năm 2024, trên cả nước, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng nhanh so với thời điểm cuối năm 2023. Tính bình quân tháng 1/2024, đạt 53.000 đồng/kg; trong tháng 2, giá tăng khoảng 3.000-4.000 đồng/kg và tiếp tục tăng trưởng trong tháng 3, với mức trung bình tháng đạt 58.100 đồng/kg.
Hiện nay, giá đang dao động từ 58.000-62.000 đồng/kg, tùy từng tỉnh và có sự tăng giảm trái ngược giữa các miền trong vài ngày trở lại đây (trong khi miền Bắc giảm nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg thì miền Nam tăng tương ứng mức này).
So sánh giá thịt lợn hơi trung bình quý I trong 3 năm trở lại đây, giá trung bình quý I/2024 cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg, tăng 9,7% so với cùng kỳ 2023. Với giá bán như hiện tại, nhìn chung người chăn nuôi đang có lãi từ 5.000-6.000 đồng/kg.
Trong quý II, ngành chăn nuôi tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch; đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi và tận dụng những quy định mới về đất dành cho chăn nuôi tập trung theo Luật Đất đai (sửa đổi).
Để ngành chăn nuôi tiếp tục giữ vững thành quả trong quý II và những quý tiếp theo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nêu một số vấn đề giúp kiểm soát dịch bệnh đối với gia cầm. Thời gian qua, tại một số cửa khẩu giữa Việt Nam và Lào, hàng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không phải kiểm dịch, điều này đã gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo thống kê, trung bình một tháng, tại hai cửa khẩu quốc tế Cha Lo và Nậm Cắn có đến gần 720 tấn gà thịt thải loại có nguồn gốc từ Thái Lan được thông quan để vào Việt Nam.
Về chỉ đạo phát triển sản xuất, Cục Chăn nuôi xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, thức ăn chăn nuôi… nhằm cập nhật phổ biến các quy định mới, kịp thời đề xuất giải pháp chỉ đạo phát triển sản xuất; tổ chức đoàn công tác làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp về triển khai khu vực chăn nuôi có tiềm năng phục vụ cho xuất khẩu.
Cùng với đó, Cục sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án; cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chăn nuôi.