| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi gia công, vốn lớn nhưng ít rủi ro

Thứ Hai 25/03/2024 , 17:54 (GMT+7)

HÀ TĨNH Liên kết chăn nuôi gia công với doanh nghiệp đòi hỏi người chăn nuôi phải có vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng bù lại ít rủi ro, thu nhập ổn định.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, nhiều hợp tác xã, hộ chăn nuôi ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại, gia trại có liên kết với doanh nghiệp. Mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, an toàn trong chăn nuôi.

Thu nhập ổn định, không lo đầu ra

Anh Nguyễn Thọ (thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, sau khi tìm hiểu các mô hình chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp, anh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại quy mô, khép kín rộng 1.200m2 với hệ thống giàn mát, quạt thông gió để kiểm soát nhiệt độ trong chuồng, máng ăn uống tự động điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà. Ngoài ra anh còn trang bị máy phát điện dự phòng và hệ thống lọc nước xử lý bằng tia UV đảm bảo chất lượng, an toàn. Nhờ đầu tư bài bản về chuồng trại, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, đến nay, mô hình của gia đình anh Thọ có tổng đàn 12 nghìn con gà siêu thịt. Mỗi năm, trung bình gia đình anh quay vòng được 2 - 3 lứa nuôi.

Hiện nay, việc liên kết chăn nuôi trang trại quy mô lớn đang được ngành chăn nuôi Hà Tĩnh khuyến khích. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hiện nay, việc liên kết chăn nuôi trang trại quy mô lớn đang được ngành chăn nuôi Hà Tĩnh khuyến khích. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Trang trại của anh Thọ hiện đang liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam. Công ty chịu trách nhiệm cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho trang trại. Vì vậy gia đình anh không cần phải bỏ vốn mua giống, lại được đảm bảo đầu ra. Việc nuôi gà theo chuỗi liên kết mang lại hiệu quả cao vì chỉ phải đầu tư chuồng trại, công chăm sóc, còn lại từ con giống, thuốc thú y và kỹ thuật đều có doanh nghiệp hỗ trợ. Khi gà đủ trọng lượng theo quy định, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam sẽ bao tiêu sản phẩm và thanh toán theo lứa gà được xuất chồng với giá từ 6.200 - 6.500 đồng/kg. Mỗi năm gia đình anh Thọ có thu nhập ổn định từ 300 - 400 triệu đồng.

Chị Phạm Thúy tại thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã có nhiều năm chăn nuôi gà nhưng với số lượng ít, chủ yếu nuôi thả vườn theo hình thức hộ gia đình, sản phẩm làm ra gia đình phải tự tiêu thụ nên gặp nhiều khó khăn. Chưa kể do còn thiếu kinh nghiệm nên gà thường bị hao hụt do dịch bệnh.

Từ năm 2021, sau khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và tham quan, học hỏi nhiều mô hình chăn nuôi gà gia công, nhận thấy đây là mô hình nuôi gà công nghiệp dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đàn gà phát triển nhanh và đồng đều, đặc biệt không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm khi chăn nuôi với số lượng lớn nên gia đình chị Thúy đã quyết định liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam để nuôi gà gia công.

Nhờ được đầu tư bài bản nên các trang trại liên kết chăn nuôi gia công với doanh nghiệp luôn đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nhờ được đầu tư bài bản nên các trang trại liên kết chăn nuôi gia công với doanh nghiệp luôn đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Trên diện tích đất 14.000m2 của gia đình, chị Thúy xây dựng 4 chuồng nuôi khép kín cùng những trang thiết bị hiện đại như máng ăn tự động, hệ thống làm mát, máy sưởi, điện chiếu sáng, hệ thống xử lý chất thải… Khi có chuồng trại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, Công ty cung cấp 14.000 con gà giống một ngày tuổi, thức ăn, thuốc thú y và cử cán bộ kỹ thuật giúp chị chăn nuôi.

Vốn có kinh nghiệm chăn nuôi từ trước nên việc liên kết với Công ty được chị Thúy thực hiện suôn sẻ, đàn gà phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh. Bình quân mỗi lứa sau khoảng 3 tháng nuôi gà có trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con sẽ xuất bán toàn bộ cho Công ty. Trừ chi phí, chị Thúy lãi từ 150 - 200 triệu đồng/lứa. Mỗi năm chị Thúy thả nuôi 3 lứa gà, mang lại lợi nhuận từ 500 - 600 triệu đồng.

Trong quá trình nuôi, chuồng trại thường xuyên được rải một lượng vỏ trấu nhằm đảm bảo độ ẩm, hút mùi. Chất thải từ quá trình chăn nuôi gà được ủ làm phân bón hữu cơ rất tốt. Thế nên dù nuôi với tổng đàn lớn nhưng trại gà của chị Thúy luôn sạch sẽ, không có mùi khó chịu. Nguồn phân do gà thải ra được chị thu gom, xử lý bằng vôi bột, men vi sinh và ủ hoai để bón cho 2.000 gốc cam, bưởi trong vườn, giúp giảm chi phí đầu tư trong sản xuất.

Nhờ được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên người chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm khâu tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nhờ được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên người chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm khâu tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ông Nguyễn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc) cho biết: Toàn xã có 2 trang trại nuôi gà lớn liên kết với doanh nghiệp và hơn 10 mô hình nhỏ có quy mô từ 1 - 2 nghìn con. Chính quyền địa phương đang khuyến khích các hộ dân có đủ điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại liên kết với doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ít rủi ro

HTX Dịch vụ tổng hợp Thạch Tiến (xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) liên kết chăn nuôi với quy mô 4 vạn gà thịt với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, mỗi năm xuất ra thị trường hơn 300 tấn gà thịt. Ngoài ra, HTX còn nuôi 4 nghìn con gà đẻ cho hơn 3.000 quả trứng mỗi ngày.

Anh Nguyễn Văn Đức, kỹ thuật viên HTX cho biết: Nuôi gà gia công khó nhất là vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng bù lại thu nhập cao, ít rủi ro, mỗi năm đem lại doanh thu cho HTX gần 2 tỷ đồng. Nhờ được doanh nghiệp liên kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên HTX không phải lo đầu ra. Quy trình chăn nuôi khép kín, trang bị đầy đủ các thiết bị, máy móc đảm bảo môi trường cho gà sinh trưởng, phát triển tốt, phòng ngừa được dịch bệnh, giảm tỷ lệ rủi ro, đảm bảo năng suất, chất lượng thịt gà.

Theo ông Nguyễn Văn Hướng, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến: Chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học không chỉ giúp người chăn nuôi nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn có tính bền vững khi ổn định được đầu ra cũng như giá cả, người chăn nuôi có nguồn thu nhập ổn định, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Chính quyền địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân học hỏi, mở rộng mô hình liên kết này.

Việc liên kết chăn nuôi với các doanh nghiệp lớn sẽ giúp người chăn nuôi nhỏ tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới hiện đại, nâng cao năng lực trong chăn nuôi. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Việc liên kết chăn nuôi với các doanh nghiệp lớn sẽ giúp người chăn nuôi nhỏ tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới hiện đại, nâng cao năng lực trong chăn nuôi. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ông Lê Hà Giang, Phó Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh) cho biết: Trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, chăn nuôi an toàn sinh học khép kín theo hình thức liên kết với doanh nghiệp là mô hình tối ưu cho người chăn nuôi khi vừa giải quyết được khâu vốn, kỹ thuật, lại vừa hạn chế được rủi ro dịch bệnh, rớt giá.

Mô hình liên kết này còn giúp người chăn nuôi tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Bên cạnh đó, do phải đáp ứng những quy trình nghiêm ngặt của doanh nghiệp liên kết nên vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở địa phương cũng từng bước được giải quyết.

Từ những ưu điểm trên, Hà Tĩnh đang khuyến khích các địa phương trong tỉnh có đủ điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại liên kết với doanh nghiệp. Đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi ngoài lợi ích kinh tế cần tích lũy kinh nghiệm và kiến thức để phát triển chăn nuôi bền vững.

Để đảm bảo chăn nuôi an toàn và hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh khuyến cáo người chăn nuôi cần tuân thủ quy trình chăn nuôi, chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt chấp hành tiêm phòng cúm gia cầm trên đàn gà. Đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường, khoảng cách an toàn trong chăn nuôi, kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của pháp luật, rà soát các điều kiện đảm bảo trong chăn nuôi, trong đó lưu ý việc sử dụng điện an toàn, hiệu quả.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.