| Hotline: 0983.970.780

Tuân thủ quy trình phòng, chú trọng con giống trước khi tái đàn

Thứ Năm 21/03/2024 , 08:56 (GMT+7)

HÀ TĨNH Hiện, các loại dịch bệnh trên đàn gia súc đang diễn biến phức tạp, người chăn nuôi cần kiểm soát tốt nguồn giống, chú trọng phòng, chống dịch bệnh trước khi tái đàn.

Nhiều hộ chăn nuôi lợn gia trại bắt đầu thả giống tái đàn lứa mới. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều hộ chăn nuôi lợn gia trại bắt đầu thả giống tái đàn lứa mới. Ảnh: Thanh Nga.

Mặc dù giá bán gia súc, gia cầm chưa có tín hiệu khả quan nhưng sau thời gian chăn nuôi cầm cự, bà con bắt đầu tái đàn trở lại nhằm đảm bảo cuộc sống, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

Theo ghi nhận tại xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, ngoài các hộ chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, chăn nuôi gia trại và hộ gia đình cũng đã vệ sinh chuồng trại, thả giống.

Gia đình chị Xuân, thôn Đông Châu để trống chuồng 2 tháng nay. Sau khi vệ sinh tiêu độc, khử trùng chị mua gần 40 con lợn giống về thả nuôi.

“Đề phòng dịch bệnh xảy ra trong quá trình nuôi, ngoài chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại tôi mua con giống được tiêm phòng vacxin đầy đủ từ trang trại cấp giống uy tín trên địa bàn huyện. Đàn lợn về nuôi ăn đều, nhanh nhẹn”, chị Xuân nói.

Là một trong những hộ chăn nuôi bò quy mô lớn trên địa bàn xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, thời điểm này, anh Nguyễn Viết Lam đã vệ sinh hệ thống chuồng trại và nhập thêm 10 con bò trị giá gần 170 triệu đồng để về nuôi vỗ béo.

Anh Lam cho biết, việc tái đàn thường được tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch hằng năm, đây cũng là thời điểm giao mùa, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp nên càng cần phải cẩn trọng. Con giống được tuyển chọn kỹ và thực hiện tiêm phòng vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục theo khuyến cáo của cơ quan thú y.

Anh Lam nhập 10 con bò về nuôi vỗ béo. Ảnh: Thanh Nga.

Anh Lam nhập 10 con bò về nuôi vỗ béo. Ảnh: Thanh Nga.

Ngoài gia súc, chăn nuôi gia cầm cũng đang khởi động vụ nuôi mới. Đơn cử, mô hình nuôi gà thả đồi của chị Phạm Thị Lan, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc những năm qua hoạt động hiệu quả làm tiền đề cho gia đình đầu tư mở rộng thêm 1 chuồng nuôi, nâng quy mô tổng đàn năm nay lên hơn 600 con/lứa.

“Giá gà thương phẩm thời điểm này không cao nhưng cũng ổn định ở mức 110.000 - 130.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu tốt cho gia đình nên chúng tôi mạnh dạnh mua giống thả nuôi thêm. Hi vọng ít tháng nữa giá cả thị trường sẽ khả quan hơn”, chị Lan kỳ vọng.

Hiện nay, tại Hà Tĩnh đang tồn tại Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trâu, bò. Đây đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, có thể gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi.

Vì vậy, các địa phương cần rà soát, thống kê số lượng, sản lượng đàn gia súc, gia cầm hiện có; đánh giá cơ cấu tổng đàn để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, khuyến cáo bà con không tái đàn tự phát, ồ ạt.

Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cảnh báo, ngoài việc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang tồn tại trên địa bàn thì diễn biến thời tiết bất lợi hiện nay càng làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ lây lan trong thời gian tới là rất cao.

“Tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng là cực kỳ cần thiết nhưng để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, các cơ sở, hộ chăn nuôi cần thực hiện nghiêm quy trình tái đàn và công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi”, bà Diệp nhấn mạnh.

Theo bà, trước mắt, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần chỉ đạo UBND cấp xã rà soát tổng đàn, triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1/2024, đặc biệt đối với các mũi vacxin phòng bệnh dại chó, viêm da nổi cục trên trâu, bò và cúm gia cầm đảm bảo tỷ lệ; triển khai thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024, trong thời gian từ ngày 1 - 31/3/2024”.

Về con giống, người chăn nuôi nên duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn con giống có chất lượng; đối với những cơ sở, hộ chăn nuôi nhập con giống bên ngoài, cần tìm hiểu các cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch đầy đủ.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi tái đàn cần lựa chọn nguồn giống ở những cơ sở có uy tín. Ảnh: Thanh Nga.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi tái đàn cần lựa chọn nguồn giống ở những cơ sở có uy tín. Ảnh: Thanh Nga.

Sau khi mua con giống, chủ động tiêm phòng các loại vacxin phòng bệnh và áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên theo dõi, giám sát sức khỏe đàn vật nuôi để chủ động các biện pháp phòng và trị bệnh kịp thời.

Người chăn nuôi cũng nên tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường của sản phẩm chăn nuôi về lượng cung - cầu để có kế hoạch đầu tư số lượng đàn sao cho phù hợp.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.