Nói đến đặc sản quýt hồng phải kể đến Lai Vung (Đồng Tháp), song nông dân Trần Văn Hiện (61 tuổi) ở ấp Thới Hòa, phường Thới An, huyện Ô Môn (TP Cần Thơ) cũng trồng quýt hồng đạt năng suất cao.
Khoảng năm 1997 ông đã trồng trên 600 gốc quýt hồng (còn gọi là quýt tiều) nhưng bị cơn bão số 5 tàn phá, chết hết. Vốn liếng mất sạch khiến ông phải vào Nông trường sông Hậu làm ruộng 8 - 9 năm. Năm 2010 ông mới trở về mảnh đất quê nhà trồng lại quýt tiều, nhưng số lượng ít hơn lúc trước.
Vườn của ông hiện có 100 gốc quýt hồng đã cho trái 2 năm. Đây là giống quýt hồng mua từ Lai Vung (giá khoảng 5.000 đ/nhánh). Ông là người đầu tiên mang giống quýt hồng từ Đồng Tháp về Cần Thơ trồng thử nghiệm và đạt kết quả khả quan.
Theo ông, trồng quýt hồng rất công phu, phải tìm hiểu qua sách vở, báo chí và theo học các lớp tập huấn do các nhà khoa học giảng dạy để nắm vững kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ dịch bệnh, sợ nhất là bệnh vàng lá Greening. Cây quýt hồng trồng nơi đất Thới An (Cần Thơ) thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây, phát triển tốt. Tuy nhiên, màu sắc, không được bắt mắt bằng quýt hồng Lai Vung.
Với 100 cây quýt hồng đang độ chín đỏ treo lủng lẳng trên cành chờ thu hoạch Tết, bình quân 100 kg/cây, giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, năm nay ông thu nhập được khoảng 500 - 600 triệu đồng. Ngoài quýt hồng ra, ông còn trồng 200 gốc cam xoàn đã cho trái (trên tổng số 400 gốc) với diện tích 3,5 công đang thu hoạch đợt đầu khoảng 6 tấn. Giá thương lái thu mua tận vườn 40.000 đ/kg. Mùa cam xoàn năm nay anh cũng bỏ túi khoảng 240 triệu đồng.