Hội quán có 18 thành viên, lĩnh vực sản xuất: trồng và kinh doanh cây mai vàng; các loại cây cảnh, bonsai; trong đó cây thế mạnh, chủ lực là mai vàng ( tổng diện tích trồng 25ha). Các thành viên tham gia hội quán dựa trên 5 tiêu chí: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi.
“Với mục đích nói cho nhau nghe và nghe nhau nói, hội quán là nơi để các thành viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi phương thức sản xuất kinh doanh, xây dựng mối đoàn kết giúp nhau trong phát triển kinh tế.
Đồng thời triển khai, tổ chức các buổi tập huấn, tiếp thu và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang phát triển kinh tế gắn với thị trường hàng hóa lấy chất lượng là tiên phong; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất…”, ông Phạm Ngọc Danh, Chủ nhiệm hội quán cho biết.
Ông Trịnh Quang Trung - Chủ tịch thị trấn Chơn Thành cho biết thêm, hiện nay, phong trào trồng, chăm sóc kinh doanh cây cảnh nói chung, cây mai vàng, bon sai nói riêng tại địa phương có bước phát triển mạnh mẽ với diện tích ngày càng mở rộng. Hiện toàn thị trấn có khoảng gần 200 hộ trồng và kinh doanh với diện tích trên 30ha. Đáng chú ý, không ít hộ sở hữu những cây mai vàng cổ thụ được cắt tỉa công phu, giàu tính nghệ thuật có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
“Hội quán đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng mạnh ai nấy làm, thương lái ép giá. Đồng thời, tiến tới phát triển đa loại hình dịch vụ, trong đó có du lịch trải nghiệm thúc đẩy phát triển loại hình nông nghiệp đô thị, góp phần xây dựng kinh tế, văn hóa – xã hội tại địa phương”, ông Trịnh Quang Trung chia sẻ.