| Hotline: 0983.970.780

Ra mắt Liên minh Đổi mới sáng tạo chăn nuôi lợn an toàn sinh học

Thứ Tư 26/06/2024 , 21:27 (GMT+7)

Liên minh Đổi mới chăn nuôi lợn an toàn sinh học ra mắt nhằm nâng cao an toàn, cải thiện sinh kế, đảm bảo phục hồi trước dịch bệnh và thách thức môi trường.

Ngày 26/6 tại Hà Nội, Viện Chăn nuôi tổ chức cuộc họp ra mắt “Liên minh Đổi mới Sáng tạo trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học ở Việt Nam” với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học, ứng phó với dịch bệnh, tạo sinh kế cho người dân, đồng thời hướng tới một tương lai an toàn, bền vững cho ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam.

Ra mắt Liên minh Đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học, quy tụ các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp và nông dân.

Ra mắt Liên minh Đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học, quy tụ các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp và nông dân.

Tiến sĩ Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi nhấn mạnh: Trong bối cảnh “Dịch tả lợn châu Phi, diễn biến phức tạp như hiện nay, chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do dịch bệnh này gây ra, đặc biệt là đối với ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam”.

Tiến sĩ Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi chia sẻ về an toàn sinh học đối với ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam. 

Tiến sĩ Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi chia sẻ về an toàn sinh học đối với ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam. 

Chăn nuôi lợn luôn giữ vững vị trí hàng đầu trong ngành chăn nuôi Việt Nam, và thịt lợn vẫn là thực phẩm chính trong bữa ăn của người Việt.

Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở chăn nuôi lợn hiện nay vẫn thuộc quy mô nông hộ vừa và nhỏ. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của chăn nuôi lợn an toàn sinh học cho các hộ nông dân là cực kỳ cần thiết và là hướng đi đúng đắn.

An toàn sinh học - Giải pháp cần thiết và cấp bách

An toàn sinh học trong chăn nuôi là hệ thống các hành động thực tiễn nhằm ngăn ngừa, hạn chế sự thâm nhập của mầm bệnh và lây lan các bệnh truyền nhiễm vào và ra khỏi cơ sở chăn nuôi.

Kể từ năm 2019, dịch bệnh này đã gây ra rất nhiều thiệt hại, nhất là với các hộ chăn nuôi nhỏ mà nguyên nhân chính là do chưa thực hiện đúng và đủ các biện pháp an toàn sinh học.

Do đó, nhu cầu tăng cường khả năng chống lại dịch tả lợn châu Phi của ngành chăn nuôi lợn Việt Nam đang trở nên vô cùng cấp thiết.

Việc thành lập Liên minh Đổi mới Sáng tạo trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học là kết quả hợp tác giữa chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia và Viện Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Liên minh nhằm tạo nền tảng hỗ trợ đổi mới sáng tạo để giải quyết những thách thức của ngành chăn nuôi lợn, thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học, đồng thời giúp tăng cường khả năng chống đỡ và phục hồi của ngành trước các cú sốc bên ngoài như dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu.

Hợp tác quốc tế và cam kết phát triển bền vững

Liên minh ra đời cùng các kết quả nghiên cứu đã thể hiện cam kết tăng cường an toàn sinh học như một biện pháp phòng vệ tuyến đầu chống lại dịch tả lợn Châu Phi.

Với cách tiếp cận đa chiều, nghiên cứu đã thu thập dữ liệu và đánh giá những lỗ hổng phòng chống cũng như khả năng phục hồi trước dịch tả lợn Châu Phi trong chuỗi giá trị lợn.

Tại sự kiện, ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh về sự cần thiết của quan hệ hợp tác này: “Liên minh Đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học ra mắt chính là bước tiến quan trọng nhằm hướng tới một tương lai an toàn, bền vững cho ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam. Việc áp dụng các thực hành an toàn sinh học mang tính đổi mới sáng tạo không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện sinh kế của nông dân mà còn đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng thực phẩm và giúp quản lý các tác động môi trường.

Bên cạnh đó việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Australia cho Liên minh một lần nữa thể hiện cam kết của Australia trong vai trò là đối tác đáng tin cậy của Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, từ đó tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước chúng ta. Ngài đại sứ nói thêm.

Tiến sĩ Kim Wimbush, Tham tán CSIRO tại Việt Nam kiêm Giám đốc Chương trình Aus4Innovation, chia sẻ về kế hoạch hỗ trợ của Aus4Innovation cho Liên minh: "Thông qua chương trình Aus4Innovation, chúng tôi có chiến lược toàn diện để hỗ trợ Liên minh, bao gồm hỗ trợ tài chính, cung cấp chuyên gia, tư vấn nghiên cứu và các hoạt động triển khai liên quan. Chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy tương tác giữa các thành viên Liên minh và các yếu tố trong hệ sinh thái đổi mới để thương mại hóa thành công các kết quả nghiên cứu giữa Việt Nam và Australia”.

Tiến sĩ Kim Wimbush, Tham tán CSIRO tại Việt Nam kiêm Giám đốc Chương trình Aus4Innovation cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành nông nghiệp bền vững. 

Tiến sĩ Kim Wimbush, Tham tán CSIRO tại Việt Nam kiêm Giám đốc Chương trình Aus4Innovation cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành nông nghiệp bền vững. 

Đồng quan điểm với ngài Đại sứ và ngài Tham tán, Tiến sĩ Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, nhấn mạnh thêm: “Việc ra mắt Liên minh đánh dấu một bước tiến tích cực nhằm nâng cao tiêu chuẩn chăn nuôi lợn của Việt Nam.

Nghiên cứu chúng tôi vừa thực hiện đã cung cấp những dữ liệu quan trọng giúp phát triển các công cụ đánh giá tính dễ bị tổn thương và khả năng phục hồi, góp phần đáng kể vào nỗ lực chung trong việc bảo vệ ngành chăn nuôi lợn”.

Nghiên cứu đã được tiến hành trên 160 hộ chăn nuôi lợn tại ba tỉnh Hà Nam, Hòa Bình và Bắc Giang, trong đó tỉnh Hòa Bình là địa phương có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Kết quả phân tích chỉ ra tỉ lệ thu nhập từ chăn nuôi lợn trong tổng thu nhập của hộ nông dân tỉ lệ nghịch với khả năng dễ nhiễm bệnh, cung cấp nền tảng cho việc xây dựng chính sách và thực hành an toàn sinh học trong tương lai. 

Viện trưởng Viện Chăn nuôi hy vọng sự kiện ra mắt Liên minh sẽ mở ra cơ hội cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và người chăn nuôi cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để xây dựng một liên minh đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học ở Việt Nam.

Đây không chỉ là một bước đột phá trong công nghệ và phương pháp chăn nuôi, mà còn là cam kết mạnh mẽ đối với sự phát triển bền vững của ngành, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và gia tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Chương trình Aus4Innovation:

Liên minh và các nghiên cứu nói trên được triển khai trong khuôn khổ chương trình Aus4Innovation, chương trình thực hiện trong 10 năm (2018-2028) với tổng ngân sách 33,5 triệu AUD nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, hướng đến phát triển kinh tế xã hội bền vững và bao trùm. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, đồng tài trợ và quản lý bởi CSIRO - Cơ quan khoa học quốc gia Australia, với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.