Ngày 17/6, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức hội thảo "Thúc đẩy thực hành thương mại lâm sản bền vững và ra mắt Nền tảng chứng minh và truy xuất nguồn gốc gỗ HAWA DDS".
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước nói chung và của ngành nông nghiệp nói riêng, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Theo ông Nghĩa, tăng trưởng bình quân hàng năm của xuất khẩu lâm sản đạt trên 16%. Đặc biệt, trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn tăng trưởng cao, trên 20% so với năm 2020, đạt 15,96 tỷ USD, vượt kế hoạch trên 10%.
Dù ngành gỗ đã đạt nhiều thành tích, Phó Tổng cục trưởng Bùi Chính Nghĩa lưu ý một số thách thức cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Cụ thể: Mỹ tiếp tục thực hiện điều tra các vụ kiện thương mại; chủ nghĩa bảo hộ của các quốc gia nhập khẩu gỗ có xu hướng tăng; chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy do ảnh hưởng của chiến tranh Nga- Ukraine, dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp; đặc biệt các thị trường chính xuất khẩu gỗ của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp.
"Nhằm bảo đảm loại trừ gỗ bất hợp pháp khỏi chuỗi cung ứng sản xuất, hoạt động truy xuất, chứng minh nguồn gốc gỗ hiện tiêu tốn nhiều nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp, nhà nước và rất khó có thể thực hiện thành công bằng phương pháp thủ công", ông Nghĩa nói.
Nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD vào năm 2022 và 20 tỷ USD vào năm 2025, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, sẽ ủng hộ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển những nền tảng truy xuất và chứng minh nguồn gốc gỗ, triển khai ứng dụng trên thực tế.
Năm 2022, ngành lâm nghiệp phấn đấu diện tích rừng được cấp chứng chỉ 90.000 ha. Do đó, Phó Tổng cục trưởng Bùi Chính Nghĩa cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, giải quyết những vướng mắc của chuỗi cung ứng, đưa nguồn gỗ rừng trồng hợp pháp đến được với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.
"Hội thảo này nhằm cập nhật tiến trình thực hiện Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; xem xét sáng kiến phát triển nền tảng truy xuất và chứng minh nguồn gốc gỗ do HAWA xây dựng, từ đó thảo luận, tìm ra các giải pháp để ứng dụng các nền tảng truy xuất và chứng minh nguồn gốc gỗ trong quá trình triển khai thực hiện hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam", ông Nghĩa bày tỏ.
Đồng tình với Phó Tổng cục trưởng Nghĩa, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho rằng, việc thực thi các quy định phát triển lâm sản bền vững là yêu cầu sống còn, không chỉ riêng ngành chế biến gỗ Việt Nam mà của cả thế giới.
"Trong tinh thần và mục tiêu chuyển đổi số ngành chế biến gỗ, HAWA đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp, đẩy mạnh số hoá tiến trình thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, VNTLAS. Đó là cơ sở để xây dựng nền tảng HAWA DDS", ông Phương nói.
Theo ông Phương, HAWA DDS là sự chuẩn bị cần thiết để đưa sản phẩm gỗ trong nước sang thị trường quốc tế, đặc biệt là EU. Chỉ cần truy cập nền tảng HAWA DDS, người sử dụng, từ chủ rừng đến nhà khai thác, doanh nghiệp thương mại, nhà sản xuất, nhà mua hàng đều có thể tìm kiếm thông tin, quản lý lẫn chứng minh, nguồn gốc nguyên liệu một cách rõ ràng mà không phụ thuộc vào hệ thống giấy tờ, thủ tục lưu trữ, tra xét thủ công như trước đây.
Với dữ liệu của nền tảng HAWA DDS, hệ thống sẽ xuất ra Giấy chứng minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước, với đầy đủ thông tin chi tiết về lịch sử, số lượng, địa điểm khai thác… dưới hình thức QR Code. Người mua chỉ cần quét mã để kiểm tra, rồi đối chứng nguồn gốc gỗ trong nguyên liệu và sản phẩm.
HAWA DDS là hệ thống giải trình và truy xuất nguồn gốc gỗ được xây dựng từ nguồn tài trợ từ chương trình FAO – EU FLEGT. 6 ưu điểm chính của hệ thống, là truy xuất thông tin, đánh giá mức độ rủi ro, tiết kiệm chi phí, xác minh nhanh chóng, cộng điểm ưu tiên, và tạo hệ sinh thái ngành gỗ.
Hệ thống HAWA DDS được xây dựng nhằm đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn thế giới. Trong đó, 7 nguyên tắc bao gồm: bảo mật thông tin; minh bạch; chân thực và chính xác; khách quan và công bằng; hiệu quả; giám sát độc lập; tự nguyện.
Dự án HAWA DDS được triển khai thành 2 giai đoạn, bắt đầu từ năm 2017 và kết thúc vào tháng 6/2021, với mục tiêu cung cấp một giải pháp giải trình gỗ hợp pháp hiệu quả và phù hợp cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ của Việt Nam để xuất khẩu sang EU và các thị trường phát triển khác, trong bối cảnh chuyển đổi khi quá trình đàm phán VPA đã kết thúc và hệ thống cấp phép FLEGT của Việt Nam sẽ được áp dụng trong tương lai gần.