Trên địa bàn Thái Nguyên đang có hàng nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả, chủ yếu nằm tại các khe ruộng lầy thụt, thung lũng núi, bìa rừng bị cớm nắng, hay chân ruộng cao luôn thiếu nước canh tác.
Việc trồng lúa những nơi không thuận lợi này thường gặp khó khăn mùa vụ, năng suất thấp, giá trị kinh tế không đạt ngày công lao động nên nhiều nông dân đành bỏ hoang đất trồng lúa, số ít đã tự chuyển sang trồng các loại cây màu cho giá trị kinh tế cao hơn.
Nhiều diện tích trồng lúa khó khăn về nước tưới, kém hiệu quả, người dân đã tự chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu khác đã sinh trưởng tốt, hiệu quả cao hơn 3 lần so với trồng lúa.
Đặc biệt, nhiều khu ruộng lầy thụt, không thể trồng lúa, bà con đã bỏ tiền san gạt đất đồi vùi lấp, rồi cải tạo thành những ruộng trồng cây chè, cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa hay nuôi cá truyền thống.
Nhờ sự linh hoạt đó, diện tích gieo trồng rau màu, hoa tại Thái Nguyên đã tăng mạnh qua các năm, từ dưới 7.000 ha năm 2000, lên trên 16.000 ha năm 2021 và dự báo cây giá trị kinh tế sẽ tiếp tục gia tăng diện tích trong những năm tới.
Thái Nguyên cũng đang từng bước hình thành một số vùng sản xuất rau quả tập trung quanh Thành phố Thái Nguyên và các huyện như Đại Từ, Phổ Yên, Phú Lương, Phú Bình, Võ Nhai.
Nhiều hộ gia đình đã đầu tư các vườn trồng rau, màu, hoa cảnh theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là các mô hình rau sạch hữu cơ, rau sạch tiêu chuẩn VietGAP, đem lại thu nhập từ 400 đến 450 triệu đồng/ha. Một số diện tích đất lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất rau, quả trái vụ, đạt giá trị trên 700 triệu đồng/ha.
Không chỉ cải tạo đất lúa kém hiệu quả, nhiều diện tích vườn tạp đã được nông dân cải tạo chuyển đổi thành vườn cây ăn trái có chất lượng, thương hiệu tốt như: Nhãn Khe Đù, bưởi Tiên Hội, Tràng Xá, na La Hiên, ổi Linh Sơn...