Bước vào sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022, để kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp diệt chuột có hiệu quả, hạn chế thiệt hại do chuột gây ra, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định đã xây dựng kế hoạch diệt chuột năm 2022.
Theo đó, Chi cục đã tổ chức tuyên truyền, phát động nông dân 10 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh hưởng ứng phong trào ra quân diệt chuột đồng loạt với 20 lớp tập huấn, 500 nông dân tham gia. Nội dung tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu về tác hại và nguy cơ gây hại của chuột đối với sản xuất và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đồng thời hướng dẫn các biện pháp diệt chuột.
Nhiều biện pháp diệt chuột hiệu quả đã được ngành chức năng chuyển tải đến với cho nông dân. Ví như vào ban đêm thì dùng đèn soi rồi dùng nơm chụp bắt chuột ở những ruộng bị cắn phá nhiều trong giai đoạn lúa đẻ nhánh. Hoặc dùng các loại bẫy để diệt chuột như: Bẫy sập, bẫy đập, bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy bán nguyệt để diệt chuột...
Bên cạnh đó, nông dân còn dùng các loại thuốc Racumin, Klerat 0,005%, Storm 0,005%, Rat K 2%… trộn với mồi được làm bằng lúa mầm, cám thực phẩm, tôm, cua, cá... để làm bả diệt chuột. Bả được đặt ở bờ ruộng, nơi gần hang hoặc gần đường đi của chuột và bờ mương, bờ ruộng để dẫn dụ chuột đến ăn.
Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định tham mưu cho Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh Bình Định ban hành chủ trương hỗ trợ kinh phí thu mua đuôi chuột năm 2022. UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trưởng hỗ trợ kinh phí thu mua đuôi chuột năm 2022 trên địa bàn tỉnh với giá thu mua đuôi chuột là 2.000 đ/đuôi.
Đối với 3 huyện miền núi là Vĩnh Thạnh, Vân Canh và An Lão, được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thu mua đuôi chuột. Các huyện trung du và đồng bằng như: Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí, ngân sách huyện hỗ trợ 50% kinh phí còn lại. Đối với Thị xã An Nhơn và Thị xã Hoài Nhơn được ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí, ngân sách thị xã hỗ trợ 70% kinh phí còn lại. Riêng Thành phố Quy Nhơn ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% kinh phí thu mua đuôi chuột.
Hoài Ân là huyện trung du có nhiều diện tích canh tác lúa nằm gần những vùng đất gò đồi, nên được xem là địa phương “điểm nóng” về nạn chuột gây hại hàng năm, nhất là trong vụ đông xuân. Do đó, hàng năm trước khi bước vào sản xuất vụ đông xuân, địa phương này rầm rộ ra quân diệt chuột để bảo vệ lúa.
Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, trước vụ đông xuân 2021, địa phương này đã đồng loạt phát động phong trào diệt chuột, từ hội đoàn thể đến chính quyền các xã đều có những cuộc phát động riêng. Trong giai đoạn làm đất chuẩn bị gieo sạ, nông dân Hoài Ân đã ráo riết ra quân diệt chuột và phong trào diệt chuột vẫn liên tục tiếp diễn từ đó cho đến nay.
Trong vụ đông xuân 2021 - 2022, huyện Hoài Ân sản xuất 4.200 ha lúa. Những năm vắng lũ, đến vụ đông xuân là lũ chuột gây hại rất nghiêm trọng. Cuối năm 2021 vừa qua có mấy đợt lũ, nhưng đến vụ đông xuân năm nay chuột vẫn xuất hiện nhiều. Do đó, ngay từ đầu vụ Phòng NN-PTNT đã hướng dẫn nông dân diệt chuột bằng nhiều hình thức như đào bắt, đặt bẫy, đặt bả.
Giai đoạn làm đất chuẩn bị gieo sạ, nông dân các xã đồng loạt ra quân đào bắt chuột. Hiện nay lúa đã lớn, nông dân không còn đào bắt chuột nhưng tích cực đặt bả. Tính từ đầu vụ đến nay, ngành chức năng huyện Hoài Ân đã thu mua được 52.000 đuôi chuột với giá 2.000 đ/đuôi; trong đó, kinh phí tỉnh hỗ trợ 1.000 đ/đuôi, kinh phí huyện hỗ trợ 1.000 đ/đuôi. Vụ đông xuân năm nay, nhờ cuối năm 2021 có lũ nên chuột đã giảm (vụ đông xuân 2020 - 2021 huyện Hoài Ân thu mua đến 79.000 đuôi chuột).
“Ngoài tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân những cách diệt chuột vào đầu vụ sản xuất, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định còn thông qua các phương tiện truyền thông như báo, đài, bản tin nông lâm thủy sản của Sở NN-PTNT và các đài truyền thanh huyện, thị cùng hệ thống truyền thanh cơ sở để tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp diệt chuột.
Trong thời gian qua, đã có nhiều địa phương triển khai thu mua đuôi chuột như các huyện Hoài Ân, Tuy Phước, Vĩnh Thạnh và Thị xã Hoài Nhơn. Tính đến nay, các địa phương nói trên đã thu mua hàng trăm ngàn đuôi chuột và đã sử dụng 671,16 kg thuốc hoá học gồm các loại: Racumin, Rat-K, Rat-kill để diệt chuột”, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định cho hay.