Rạng sáng 10/1/2019, chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, nơi được cho là chợ đầu mối trái cây, rau củ lớn nhất tại TP.HCM.
Đập vào mắt người đi mua sắm là khung cảnh phiên chợ rôm rả, nhộn nhịp với vài chục xe tải lớn nhỏ xếp đều ngay ngắn, các thùng xe được mở sẵn. Bên trong các xe là những trái cây đựng trong các loại thùng xốp, các-tông hay bịch ni lông chi chít chữ Trung Quốc đang được công nhân bốc xếp hối hả đưa ra khỏi xe để đưa đi khắp nơi.
Nho xanh, nho đỏ, nho tím Trung Quốc được trưng bán trong các thùng, khay. Sau khi đưa ra thị trường bán lẻ thì sẽ “đội lốt” thành nho Phan Rang, nho Mỹ |
Tại khu vực phía trước chợ là nơi tập kết hàng từ miền Bắc vận chuyển vào (hầu hết là trái cây Trung Quốc), không khí hối hả, ồn ào vang cả một góc.
Lướt một vòng quanh các vựa, dễ thấy là táo, lê, cam, nho, lựu... chủ yếu vẫn là xuất xứ Trung Quốc. Những mặt hàng này được trưng trên một chiếc thùng xốp lớn chủ yếu để chào hàng cho người mua sỉ. Bên trong mỗi vựa xuất hiện đơn giá cụ thể cho một số mặt hàng trái cây Trung Quốc (TQ) như: Hồng 1 thùng (6kg) là 100 ngàn đồng; táo 1 thùng 230 ngàn; lê 1 thùng 220 ngàn; lựu 1 thùng 220 ngàn; táo 1 rổ 135 ngàn; quýt 1 rổ 110 ngàn; nho 1 rổ 200 ngàn; nho không hạt 1 rổ 230 ngàn; nho sữa 1 rổ 310 ngàn đồng. Theo qui ước, cứ 1 rổ là 6,5 - 7kg, còn 1 thùng là 6 - 10kg.
Như vậy, quýt Trung Quốc 18 ngàn đồng/kg, nho 33 ngàn đồng/kg, lựu 30 ngàn đồng, lê 36 ngàn đồng/kg... Đáng nói nhất là quả nho. Các loại nho xanh, nho đỏ, nho tím Trung Quốc được bày bán trong các khay, rổ với giá khá rẻ chỉ ở mức 25 - 40 ngàn đồng/kg tùy loại. Thế nhưng ở các chợ, trên các tuyến phố, người bán hàng vẫn khẳng định đó là “nho Phan Rang” bán giá trên 50 ngàn đồng loại 1 hoặc “nho Mỹ” giá 150 - 180 ngàn đồng/kg. Nho tím Trung Quốc có đặc điểm to mềm, màu tím sậm, vị chua hơn, còn nho Mỹ ngọt đậm.
Bảng giá trái cây Trung Quốc treo bên trong các vựa lớn ở Chợ nông sản Thủ Đức |
Ngoài ra, theo tiết lộ của một số chủ vựa, táo “5 góc” của Trung Quốc tuy mới xuất hiện gần đây, nhưng bán khá chạy do đặc điểm vỏ trơn láng, đẹp, giòn. Loại này được đựng trong thùng 10kg bán sỉ giá 230 ngàn đồng (tức 23 ngàn đồng/kg), khi đưa ra ngoài thị trường bán lẻ được gắn mác “táo Mỹ” bán giá gấp đôi mà người tiêu dùng không tài nào phân biệt được.
Táo “5 góc” Trung Quốc không chỉ về các vùng ven mà còn được chở thẳng về một số chợ trong và ngoài TP.HCM. Sau khi chở từ chợ đầu mối về, táo được xé lẻ ra rồi bán với mức giá 50.000 đồng/kg. Khi chúng tôi hỏi thử nguồn gốc, một tiểu thương ở đây nói ngay: “Phải nói táo Mỹ chứ nói táo Trung Quốc thì ai mà thèm mua”. Quả “lê gấu” Trung Quốc cũng vậy, tuy giá bình quân có 36 ngàn đồng nhưng sau khi “đội lốt” lê Hàn Quốc thì bán lên giá 60 - 70 ngàn đồng.
Bà Lý, một chủ vựa cho biết, mỗi xe container có khoảng 4.000 thùng trái cây các loại (14 kg/thùng), tương đương gần 40 tấn. “Hàng này được đưa vào sạp, cho sạp nào cần lấy thêm hàng, hoặc đưa thẳng ra các xe phân phối cho các chợ đầu mối khác như Hóc Môn, Bình Điền và đi tỉnh đang nằm đậu ở phía bên kia đấy. Gần đây, sản lượng trái cây Trung Quốc có giảm nhưng chủng loại thì còn phong phú đa dạng hơn”, bà Lý chỉ tay về phía chục chiếc xe tải cỡ nhỏ đang đua nhau chất hàng, nói.
Táo ‘5 góc” củaTrung Quốc, tuy mới xuất hiện gần đây nhưng bán khá chạy, ra ngoài thị trường “kêu” là táo Mỹ do đặc điểm vỏ trơn láng, đẹp, giòn |
Đặc biệt, quan sát chỉ hơn một giờ có thể thấy hầu như tất cả các thùng hàng trái cây được đưa từ các vựa vào chợ hoặc ra xe chuyển đến chợ đầu mối khác có nhãn in chữ Trung Quốc đều bị xé bỏ. Đây là lý do khiến cho các mặt hàng trái cây Trung Quốc khi ra đến chợ lẻ đã được “hô biến” thành hàng trong nước, kể cả các nước châu Âu một cách dễ dàng.
Ngoài ra, tại đây còn có hàng loạt thùng hàng trái cây không rõ nguồn gốc (không bao bì, không nhãn hiệu) được đặt ở nhiều sạp hàng, nhưng khi được hỏi về nguồn gốc, gần như người bán nào cũng đều khẳng định đó là hàng ngoại nhập như New Zealand, Mỹ, Australia... Tuy vậy, giá bán sỉ khá rẻ, có loại chỉ 30 - 50 ngàn đồng/kg.
Ông Nguyễn Bình Phương (Phó phòng Kinh doanh tiếp thị Cty CP QLKD Chợ Nông sản Thủ Đức - AgroMarket) cho hay, năm 2017 sản lượng rau Trung Quốc nhập về chợ lên đến hơn 127 ngàn tấn, nhưng năm 2018 chỉ còn hơn 95 ngàn tấn, giảm gần 32 ngàn tấn; còn trái cây ngoại nhập trong 2 năm 2017 - 2018 đều đạt trên con số 181 ngàn tấn, trong đó trái cây của Trung Quốc chiếm gần 130 ngàn tấn, còn lại là các nước khác.
“Trong năm 2018, sản lượng rau trái cây Trung Quốc nhập về chợ đầu mối đều giảm, riêng trái cây giảm gần 7.000 tấn, nguyên nhân chính là do người tiêu dùng trong nước một phần còn dị ứng với hàng Trung Quốc, một phần do nông dân vùng Đông Nam Bộ như tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương... chuyển mạnh sang trồng cây ăn trái, trong đó không ít là vùng chuyên canh cây ăn quả có diện tích lớn 20 - 30ha, nhất là xoài, cam, quýt, bưởi… Tuy nhiên, có trường hợp một số mặt hàng, chủng loại trái cây Trung Quốc khi đưa ra thị trường bán lẻ thì “đội lốt” xuất xứ nước khác. Chẳng hạn, táo Trung Quốc kêu táo Mỹ, lê gắn mác Hàn Quốc, cam kêu là cam Vinh; hồng “đội lốt” Đà Lạt...”, ông Phương chia sẻ.
Ngoài ra, ít ai biết, sau trái cây thì mặt hàng rau của Trung Quốc dù trong năm 2018 giảm mạnh gần 32 ngàn tấn nhưng lại liên tục thao túng mặt hàng rau Việt do nguồn cung trong nước có thời điểm không đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đó là, các mặt hàng bắp cải, gừng, bông cải xanh, tỏi cô đơn và khoai tây vàng.
Theo AgroMarket, bắp cải trong nước năm 2018 do sản xuất ít nên bắp cải Trung Quốc đã thao túng giá, từ chỗ chỉ có 8.300 đồng/kg nay tăng lên 10.200 đồng/kg (tỉ lệ tăng đến 23%). Gừng cũng vậy, do lượng tiêu thụ tăng nên giá đầu năm 2018 bình quân chỉ có trên 22 ngàn đồng, sau đó tăng mạnh cho đến nay đang đứng mức 33,5 ngàn đồng/kg...
|
Trái cây Trung Quốc vẫn còn phong phú chủng loại mặc dù sản lượng nhập về đã giảm |