Thôn Phú Hùng, xã Thống Nhất, khu vực sau xưởng bê tông của nhà máy gạch Thành Công có 11 hộ dân với 41 nhân khẩu đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Có nhiều hộ đã sinh sống dưới chân quả đồi này từ hàng chục năm nay. Cách đây vài ngày, các vết nứt bất ngờ xuất hiện chằng chịt, kéo dài từ chân lên đỉnh đồi. Có những vết nứt rộng tới mức đến con trâu cũng chui tọt, hết sức nguy hiểm.
Sạt trượt từ trên đồi đã làm nứt nhà một số hộ dân, xô đổ công trình phụ, cây cối ngả nghiêng... Chính vì vậy, những hộ dân này phải di dời khẩn cấp tài sản và người trước khi màn đêm buông xuống.
"Gia đình tôi phải chuyển ngay đêm nay vì nhà không còn an toàn để ở", ông Phạm Văn Bình ở thôn Phú Hùng cho hay.
Theo những người dân sinh sống tại đây, chưa bao giờ xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng như vậy. Vườn rau của người dân trước đây ở trên cao, nay bị đẩy xuống sát gần sau nhà.
Chỉ trong vài ngày, đất từ trên đồi sạt trượt, dịch chuyển khoảng chục mét, đẩy sập cả giếng nước của họ.
Chỉ vào vết nứt từ sàn lên nóc nhà, bà Cao Thị Lái chia sẻ: "Thật thà mà nói, từ năm tôi về đây khoảng 6 tuổi mà năm nay 80 tuổi làm được cái nhà thì coi như mất hết. Xã cứ bảo di chuyển nhưng chưa biết đi chỗ nào, chưa thấy nói cấp đất ở đâu. Bây giờ chỉ còn cách sang nhà con ở tạm thôi".
Một số hộ dân khác cũng gấp rút di chuyển đồ đạc sinh hoạt của gia đình. Cái gì mang được thì gỡ mang đi còn không đành bỏ lại vì nguy cơ sạt trượt đất rất cao.
Anh em họ hàng gia đình ông Nguyễn Văn Dương mỗi người "một chân, một tay" mang vác đồ đạc, huy động xe máy đến chở đồ đi gửi.
"Móng nhà tôi đang bị nứt. Tôi chuyển ra nhà anh trai ở tạm, cũng di chuyển gần xong rồi. Tối nay không dám ngủ ở nhà đâu", ông Nguyễn Văn Dương cho hay.
Chia sẻ với khó khăn của bà con thôn Phú Hùng, bà Hoàng Thị Cải có căn nhà cách đó khoảng nửa cây số sẵn sàng cho hàng xóm mượn ở tạm.
Trước sự việc nêu trên, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai) cho biết, sau đợt bão số 3, mưa lớn kéo dài, đất khu vực sau nhà máy gạch Thành Công bị sụt sạt. Có khoảng 200m đất bị sụt sạt từ 1,5 đến 2m, mở rộng 30-50cm, kéo dài từ chân lên đỉnh đồi.
Hiện có 11 hộ dân sinh sống dưới chân đồi, trong khi đất đã no nước và đang bị sạt xuống. Xã đã tiến hành di chuyển toàn bộ tài sản và người dân đến nơi an toàn.
Lý giải việc người dân cho rằng nguyên nhân dẫn tới sụt sạt do trước đây tại thôn Phú Hùng từng khai thác quặng, ông Nguyễn Thanh Hải thông tin, việc khai thác quặng đã dừng lại từ rất lâu, từ khi thôn còn thuộc xã Gia Phú và không tiến hành khai thác nữa.
"Nguyên nhân chính xảy ra sạt sụt là do địa chất yếu dẫn đến đất trên đồi trượt xuống", Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất nhấn mạnh.
Trong thời điểm này, xã Thống Nhất đã di chuyển được 30 hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hơn 100 hộ dân khác cũng được chính quyền địa phương di chuyển ra khỏi vùng ngập lụt do ảnh hưởng bão số 3.
Mặc dù không thiệt hại về người nhưng bão số 3 khiến xã Thống Nhất thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng, trong đó gồm 161ha rau màu, đường giao thông, công trình thủy lợi...
"Hiện nay, UBND xã Thống Nhất huy động lực lượng tại chỗ và nhân dân trong khu vực động viên, giúp đỡ các hộ dân dọn dẹp và sửa chữa lại nhà cửa. Tiếp tục nắm tình hình mưa dông trên đia bàn, kịp thời cảnh báo và hướng dẫn, chỉ đạo công tác ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra", ông Nguyễn Thanh Hải cho hay.