Ông Chu Viết Dũng, Chủ tịch UBND xã Quảng Kim nói như khoe với chúng tôi là bà con vùng này, nơi giáp với dãy núi Hoành Sơn luôn được rừng ban lộc cho bốn mùa quả ngọt như dâu, sim, móc, muồng. “Những năm gần đây, các loại quả rừng này bán rất chạy do người dùng mua về để ngâm rượu hay chế biến các loại nước giải khát để bồi bổ sức khỏe nên giá bán khá cao. Nhờ vậy, mỗi mùa quả rừng chín, nhiều người dân, chủ yếu là phụ nữ vào rừng hái quả và có thu nhập tiền triệu mỗi ngày. Từ đó, bà con hết lòng chung tay bảo vệ rừng và đó cũng là cách bảo vệ nguồn thu của mình”, ông Dũng nói thêm.
Bốn mùa hái quả
Dãy núi Trường Sơn chạy dọc các tỉnh miền Trung, nhưng có một nhánh ăn ra biển làm thành ranh giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đó là dãy Hoành Sơn, nơi có di tích Hoành Sơn quan, đền thờ Công chúa Liễu Hạnh.
Dãy Hoành Sơn bốn mùa cây cối tốt tươi và trên dãy núi này lại cho bốn mùa cây đặc sản. Ông Chu Viết Hùng, một người già ở xã Quảng Kim cho hay, từ hồi ông còn nhỏ đã theo mẹ lên núi Hoành Sơn hái quả dâu, sim hay muồng…rồi. “Lúc đó, mẹ tôi thì chặt củi. Tôi đi theo để ăn sim, ăn dâu tùy theo mùa. Ăn đến no thì hái cho vào túi mang về cho mấy anh em trong nhà. Sau này thì những trái đó được xem là đặc sản, cho bà con tiền tươi thóc thật mỗi khi lên rừng”, ông Hùng kể lại.
Ông Hùng cũng cho hay, cứ sau Tết Nguyên đán thì đến khoảng tháng Ba là mùa hái dâu rừng. Qua tháng Sáu là mùa sim, sau đó là đến mùa hạt mốc, hạt muồng. Mùa dâu cũng kéo dài được khoảng hai tháng. Bà con nào siêng lên rừng thì cũng có được tiền trang trải tiêu pha hàng ngày. Nhất là sau tết chi tiêu nhiều thì có được lộc rừng cho như vầy là quý lắm.
Ngay từ sáng sớm, chị Đàm Thị Thanh (xã Quảng Kim) đã í ới gọi mấy chị, mấy bà trong xóm cũng nhau lên rừng để đi “ăn dâu” (đi hái dâu theo cách nói của người dân ở đây). Họ cũng mang theo cơm nắm, nước uống để ăn trong rừng. Mỗi người mang theo ba lô hay bao lác để đựng quả dâu.
Chị Thanh bảo trước đây, cây dâu và các loại cây khác mọc từ chân núi, bìa rừng. Nhưng sau này, người dân khai hoang hay nhận đất để trồng keo tràm nên các loại cây cho quả cũng không có đất phát triển. Rồi cũng có nhiều người đào bứng gốc cây về trồng trong vườn nhà nữa. “Cho nên bữa nay, mấy chị em phải lên tận đỉnh Hoành Sơn rồi đi xa hơn mới có dâu, phải đi cả ngày đó…”, chị Thanh bộc bạch.
Chiều muộn thì các chị mới từ rừng về. Trên vai mỗi người nào là ba lô hay bao lác khá nặng. Gạt mồ hôi lấm tấm trên mặt, chị Thanh đổ túi dâu rừng vào thúng tre. Những quả dâu rừng chín màu đỏ tươi mọng nước. Khi ăn, dâu có vị ngọt thanh pha vị chua nhẹ, quả như giòn tan trong miệng. Trong thúng dâu rừng còn xen lẫn mấy lá dâu còn xanh mướt. Chị Thanh bảo: "Phải có lá mới giữ trái được lâu và người mua biết là dâu mới hái về. Ăn dâu là như bị say đó. Cứ nhón một quả cho vào miệng là tay đã nhón quả thứ hai, thứ ba… cho đến khi hết thì thôi chớ khó có ai dừng việc ăn giữa chừng được mô”.
Với kinh nghiệm lâu năm, chị Thanh cho hay, ngày hôm nay hái được chừng hơn mười ký trái. Dâu rừng khi bán là đong bằng lon sữa Ông Thọ. Cứ 3,5 lon là được 1 ký. Mỗi lon dâu có giá bán từ 40 - 50 ngàn đồng tùy theo ngày. “Mai đi chợ rồi biết, những hôm cũng có thu nhập trên một triệu đồng đó. Mai đi chợ và nghỉ ngơi đến ngày kia mới thu xếp đi hái được. Không ai đủ sức ngày nào cũng đi hái dâu được mô”, chị Thanh nói.
Có tiền trang trải cuộc sống
Đến thời điểm này thì dâu rừng bắt đầu vào kỳ chín rộ. Mỗi ngày, hàng trăm người dân của bốn xã dưới chân dãy Hoành Sơn cùng vào rừng “ăn dâu”. Theo nhiều bà con thì vụ dâu rừng năm nay quả không sai như năm trước, nhưng bù lại là giá bán được hơn nhiều nên bà con cũng rất mừng. Theo ông Chu Viết Dũng, trung bình mỗi ngày cánh chị em phụ nữ vào rừng hái dâu cũng thu hoạch được trên 600 lon, tổng thu nhập cũng được khoảng 30 triệu đồng.
“Cũng tùy theo mỗi người, nếu gặp may trúng nhiều cây quả chín nhiều thì có thể thu tiền triệu, nhưng cũng có khi gặp nhiều cây quả đang còn ươm chưa chín thì cũng được vài trăm ngàn đồng. Nhưng chắc chắn đó là thu nhập khá cao cho mỗi ngày công của bà con vùng này”, ông Dũng chia sẻ.
Không chỉ bà con xã Quảng Kim được vụ dâu rừng mà nhiều chị em các xã lân cận cũng thu xếp công việc thường ngày để dành cho vụ hái lộc rừng này.
Chị Phạm Thị Liễu (xã Quảng Hợp) cho hay, khi vào vụ nông nhàn là đi làm phụ hồ cho một chủ thầu xây dựng nhà cửa trong xã. Công việc nặng nhọc nhưng tiền công cũng chỉ được bốn trăm ngàn đồng mỗi ngày. Đương nhiên là không thể có tiền ngay mà hơn chục ngày mới ứng được vài triệu tiền công vì chủ thầu cũng tùy vào gia chủ xây nhà cho ứng tiền trước.
Cứ đến mùa quả rừng chín, chị Liễu lại “xin phép” chủ thầu nghỉ việc dài ngày để cùng chị em trong thôn lên rừng hái dâu. “Nếu so sánh thì việc đi hái dâu khỏe hơn đi phụ hồ nhiều và thu nhập cũng cao hơn nữa. Tính ra thì mỗi ngày hái dâu tiền thu về nhiều hơn phụ hồ vài trăm ngàn đồng”, chị Liễu nói.
Rừng cây bản địa trên dãy Hoành Sơn như thương người nên “phân bổ” các loại cây cho trái ngọt để người dân thu hoạch quanh năm. Theo chị Liễu, hết mùa dâu rừng là đến mùa sim chín. Sau đó là những tháng cuối năm lại cho mùa hạt dẻ, mùa quả muồng, quả móc… Thu nhập cho mỗi gia đình dù không được cao nhưng cũng đủ cho bà con có tiền tươi chi dùng cho cuộc sống hàng ngày với những bộn bề công việc. Bữa nay thì không còn mấy gia đình thiếu ăn. Nhưng còn bao nhiêu thứ phải cần đến tiền như sách vở, áo quần cho con, rồi việc hiếu, hỷ, thăm ốm đau…
“Nhờ quả rừng trên dãy Hoành Sơn mà cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn. Như mùa dâu và sim năm ngoái, nhà tôi thu được hơn 30 triệu đồng. Bớt chi tiêu dành dụm lại tôi cũng mua được con bò giống để chăn thả đó”, chị Liễu nói trong niềm vui.
Cây rừng trồng ở vườn nhà
Không chỉ đến mùa là lên rừng ăn lộc, nhiều gia đình ở vùng gần dãy Hoành Sơn đã “cơ cấu cây trồng”, đưa những giống sim, dâu, mốc… từ rừng về trồng thành vườn để chăm sóc cho năng suất cao hơn và dễ thu hoạch hơn.
Trong số các cây bản địa cho quả thì cây sim được bà con đánh giá dễ trồng hơn cả. Sim mọc tự nhiên cũng nhiều hơn nên việc đào cây về trồng cũng không khó. Nhiều gia đình đã có vài sào cây sim, mỗi năm thu về hơn chục triệu đồng.
Đối với cây dâu thì khó hơn vì cây này sống ở vùng đất đá cứng. Anh Trần Văn Nam (xã Quảng Hợp), đã kiên trì trồng, và chăm sóc hơn 20 gốc dâu rừng được đưa từ dãy Hoành Sơn về. Sau hơn bốn năm chăm bón, vườn dâu rừng của đã thu hoạch. “Năm ngoái, vườn dâu này cũng đã cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng rồi”, anh Nam cho hay.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đang tuyên truyền vận động người dân làm tốt công tác bảo vệ rừng, không nên đào cây rừng để đưa về vườn trồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Viết Dũng Chủ tịch UBND xã Quảng Kim cho biết, chính quyền xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu được những giá trị của rừng, để cùng chung tay bảo vệ. “Đặc biệt, địa phương khuyến cáo người dân không nên vào rừng đào những giống cây rừng về trồng trong vườn nhà khi không nắm được kỹ thuật dẫn đến cây bị chết, tốn công sức, tiền của, đồng thời vô tình tiếp tay cho việc phá rừng”, ông Dũng cho hay.