| Hotline: 0983.970.780

Rực rỡ hoa hồng Langbiang

Thứ Năm 18/11/2021 , 16:16 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), người dân đang trồng khoảng 50 loại giống hoa hồng có tên gọi, màu sắc khác nhau. Hoa hồng Lạc Dương đẹp, bông cứng khỏe, thời gian tươi lâu...

Lạc Dương là huyện miền núi phía bắc của tỉnh Lâm Đồng có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, đất đai phì nhiêu, phù hợp với các loại cây trồng như cà phê Arabica, hoa hồng, hoa cúc, dâu tây và các loại rau...

Trong số các loại cây trồng của địa phương này, hoa hồng được coi là cây mang lại lợi nhuận cao, tạo nguồn thu ổn định cho nông dân.

Huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) có khí hậu mát mẻ, đất đai phì nhiêu, phù hợp với hoa hồng và nhiều loại cây trồng khác. Ảnh: Minh Hậu.

Huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) có khí hậu mát mẻ, đất đai phì nhiêu, phù hợp với hoa hồng và nhiều loại cây trồng khác. Ảnh: Minh Hậu.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Lạc Dương, địa phương hiện có 335 ha hoa hồng. Trong đó, tập trung nhiều nhất là Thị trấn Lạc Dương với khoảng 313 ha, còn lại các xã như Đạ Nhim 7 ha, Đạ Sar 4,8 ha, xã Lát 4,6 ha, Đạ Chais 0,4 ha, Đưng K’nớ 5,2 ha. Mật độ trồng trung bình hiện nay khoảng 100 nghìn cây/ha và sản lượng ước tính đạt 1 triệu cành/ha/năm.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lạc Dương cho biết, tại địa phương, người dân đang trồng khoảng 50 loại giống hoa hồng có tên gọi, màu sắc khác nhau. Trong đó giống hoa to bao gồm đỏ ớt, đỏ trường kỳ, đỏ pháp, ohara đỏ, trắng ù…; giống hoa trung bình gồm vàng ánh trăng, vàng mai, kem dâu, kem hà lan; giống hoa nhỏ như đỏ sa, sen nhí, son môi…

Hiện nay, hoa hồng từ các nhà vườn ở Lạc Dương đã được tiêu thụ rộng khắp thị trường cả nước. Trong đó, nhiều thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ… Về chất lượng, hoa hồng Lạc Dương có mẫu mã đẹp, màu sắc đa dạng, bông cứng khỏe, thời gian tươi lâu, nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng. Sản lượng hàng năm cung cấp ra thị trường ước tính khoảng 330 triệu cành. 

Diện tích hoa hồng Lạc Dương hiện khoảng 335 ha, với tổng sản lượng 330 triệu cành/năm. Ảnh: Minh Hậu. 

Diện tích hoa hồng Lạc Dương hiện khoảng 335 ha, với tổng sản lượng 330 triệu cành/năm. Ảnh: Minh Hậu. 

“Người dân sản xuất hoa chủ yếu bán trực tiếp cho các cơ sở thu mua. Mức giá trung bình giao động từ 1.000 - 2.000 đồng/cành, vào các dịp như lễ như Quốc tế Phụ nữ 8/3, Lễ tình nhân 14/2, Nhà giáo Việt Nam 20/11 giá có thể tăng lên 4.000 - 7.000 đồng/cành”, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lạc Dương cho biết.

Cũng theo ông Hưng, do chưa có chính sách về giá, sản phẩm chưa có thương hiệu nên giá hoa hồng của huyện vẫn còn lên xuống thất thường. Hơn nữa, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, thu hút chế biến hoa hồng mà điển hình là nước hoa chưa được chú trọng.

Để nâng cao giá trị cho hoa hồng, huyện Lạc Dương đã có kế hoạch xây dựng, phát triển vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, lập hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Hoa hồng Langbiang.

Ngành nông nghiệp huyện Lạc Dương cho rằng, trước những yêu cầu đòi hỏi của thị trường về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, việc xây dựng thương hiệu Hoa hồng Langbiang là vấn đề hết sức cần thiết. Đây cũng là cách để hoa hồng Langbiang khẳng định vị trí, thương hiệu độc quyền, mang nét đặc trưng của vùng Langbiang.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, việc bảo hộ cho sản phẩm cũng góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Đồng thời tuyên truyền, quảng bá để nâng cao uy tín, mở rộng thị trường tiêu thụ hoa hồng.

Hoa hồng Langbiang được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: Minh Hậu.

Hoa hồng Langbiang được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: Minh Hậu.

Cùng với việc xây dựng thương hiệu Hoa hồng Langbiang, ngành nông nghiệp huyện Lạc Dương cũng tập trung vào công tác cải tạo giống, thâm canh và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong giai đoạn 2021 - 2025, địa phương này tập trung lựa chọn các loại giống hoa hồng chất lượng cao, năng suất tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng để sản xuất.

Lạc Dương cũng hướng đến mở rộng diện tích, chuyển đổi và cải thiện các diện tích hoa già cỗi sang các giống hoa mới có màu sắc, chất lượng cao. Hoàn thiện quy trình thâm canh để phù hợp với điều kiện cụ thể, xây dựng mô hình và tập huấn chuyển giao cho người sản xuất.

“Chúng tôi hướng đến thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh hoa hồng trên địa bàn các xã, thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”, ông Nguyễn Duy Hưng cho hay.

Ngành nông nghiệp huyện cũng tạo các điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tổ chức sản xuất, kinh doanh hoa hồng, xây dựng chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào đến tổ chức sản xuất theo quy trình có ứng dụng công nghệ cao, tiêu thụ sản phẩm hoạt động trên địa bàn.  

Ngành nông nghiệp huyện Lạc Dương sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, hội thảo về sản phẩm Hoa hồng Langbiang để các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu có thể bán hàng trực tiếp với khách hàng quốc tế.

Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin về môi trường kinh doanh, phân phối, giá cả, chủ động áp dụng thương mại điện tử trong giao dịch mua, bán, ký gửi trong nước và quốc tế.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.