| Hotline: 0983.970.780

Run rẩy rừng ma người Khơ Mú

Thứ Ba 05/11/2013 , 10:43 (GMT+7)

Những người Thái, người Mông “to gan lớn mật”, không sợ ông ma bà mãnh đều bị cấm rừng. Còn đã là người Khơ Mú thì tất thảy đều lắc đầu nguầy nguậy.

Sông Mã xẻ qua bao núi rừng mà tìm đường ra biển, vẫn còn cất giấu vô vàn câu chuyện lạ lùng chờ con người “khai quật”. Tôi may mắn tìm thấy một vài “trang truyện” ở đôi bờ Mã giang. Xin được kể lại với độc giả trong loạt phóng sự này.

Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được người dẫn đường vào rừng ma của người Khơ Mú ở bản Huổi Nhở (xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, Sơn La). Những người Thái, người Mông “to gan lớn mật”, không sợ ông ma bà mãnh đều bị cấm rừng. Còn đã là người Khơ Mú thì tất thảy đều lắc đầu nguầy nguậy.

Truyền thống sợ ma

Tôi có điều kiện mục sở thị nhiều rừng ma. Từ rừng ma của người Hà Nhì ở Ka Lăng, Thu Lũm (huyện Mường Tè, Lai Châu) đến rừng ma (rừng cấm) của người Thái nằm rải rác tại các bản làng Hòa Bình, Tuyên Quang... Nhưng, chỉ khi đặt chân lên đất Huổi Nhở, tôi mới có cảm giác lạnh sống lưng.

Vốn đã quen độc hành trên những cung đường lởm chởm sỏi đá, những con dốc với khúc cua tử thần của núi rừng Tây Bắc, nhưng đoạn đường 15 km từ bản Púng, xã Chiềng Khoong (huyện Sông Mã) lên Phiêng Cằm vẫn khiến tôi mệt bã bượi.


Con đường độc đạo dẫn vào rừng ma


Đi vào rừng ma

Có lẽ, vì hiểu được những gian nguy, nhọc nhằn của người miền xuôi để lên được “đặc khu” ở độ cao trên 1.000 m, nên người Thái, người Mông và người Khơ Mú ở xã Phiêng Cằm quý khách như quý vàng. Ông Chủ tịch xã Giàng A Da khẳng định chắc nịch: “Anh muốn đi đâu cứ nói, tôi gọi cán bộ bản tiếp đón và dẫn đường”. Tôi mừng quýnh nói: “Anh cho em đến rừng ma của người Khơ Mú”.

Ông Da rút điện thoại, gọi cho Bí thư chi bộ bản Huổi Nhở Quàng Văn Ón bàn giao nhiệm vụ. Vòng vèo suốt 30 phút đi qua những con đường… trâu chạy, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy ông Ón đang rít thuốc lào bên hiên nhà sàn. Nói đến rừng ma, ông bảo: “Sợ lắm anh ơi! Không chỉ tôi mà cả bản đều sợ vào đấy một mình. Từ thời xa xưa đã thế”.

Để lý giải về điều này, ông Ón kể cho tôi nghe về lịch sử của người Khơ Mú ngày xửa ngày xưa: Trước cách mạng tháng Tám, dân tộc chúng tôi bị gọi miệt thị là “Xá cẩu” - tức là Xá chó. Suốt đời chỉ làm phu phen, nô dịch cho bọn phìa, tạo, thống lý của các dân tộc Mông, Thái.

Những người không cam phận hèn mọn sống kiếp trâu ngựa thì phải chui lủi trong các khe suối và dọc sông Mã (nay là huyện Sông Mã). Mỗi khi nhà phìa, tạo hay thống lý có đám ma, người Khơ Mú phải ngồi ở phía dưới quan tài để canh trong vòng 6 - 7 ngày trời.

Có lẽ, do phải sống trong tâm lý sợ hãi khi ngồi cạnh xác chết dưới quan tài, nên người Khơ Mú mới sợ ma đến vậy. Mỗi khi có người qua đời, các thành viên trong gia đình lặng lẽ tổ chức tang ma trong 3 ngày. Thời gian ấy, dân bản được lệnh cấm đi nương, tất cả phải nghỉ ở nhà. Nhưng, không ai đến đám ma; không ai dám tiếp xúc với người thân của người chết.

“Có gia đình nghèo không đủ dao, bát đũa, nồi niêu xoong chảo, muốn mượn hàng xóm nhưng ai cũng đóng kín cửa, gọi khản cổ không mở, đành ngậm ngùi đi về. Chỉ riêng ngày có tang ma mới vậy, chứ bình người trong bản thân nhau đến mức bát cơm cũng chia sẻ cho nhau được”, ông Ón nói.

Ngày đưa tang, gia chủ cử 4 người khiêng 4 góc quan tài, sau đó bắn một phát súng kíp lên trời làm hiệu lệnh (bây giờ nhà nước đã thu súng nên thủ tục này bị bỏ). Nghe tiếng nổ, đoàn đưa tang ba chân bốn cẳng chạy thục mạng (như ma đuổi) vào rừng ma cách bản 1 km, đặt quan tài xuống huyệt rồi lấp đất cao hơn miệng huyệt khoảng 20 cm, sau đó thắp hương, khấn vái và ra về.

Một bản 2 rừng ma

Thuyết phục mãi, cuối cùng ông Ón cũng chấp nhận cùng tôi vào rừng ma. Nhưng trước khi lên đường, ông phải huy động thêm đứa cháu Quàng Văn Lan (18 tuổi) mới yên dạ. Bao quanh khu rừng thiêng là một hệ thống ao sâu, chỉ có một con đường độc đạo nhỏ dẫn vào. Cái thâm u, chợn rợn của đại ngàn chôn thây người hiện hữu ngay trước cửa rừng (lối đi dẫn vào rừng).

Tán lá um tùm, ken đặc vào nhau như cái ô khổng lồ che mộ người chết, chỉ những tia sáng yếu ớt, mỏng tang mới có thể rơi rớt xuống. Tiếng chim cu gù gù trong bụi rậm, quạ rừng réo rắt như tiếng gọi réo vong hồn, càng làm cho khung cảnh thêm u tịch, lạnh lẽo, và nặng… âm khí.


Ông Quàng Văn Ón kể về phong tục của người Khơ Mú

Ông Ón tâm sự: Người bản Huổi Nhở luôn tin rằng, mỗi một cành cây, ngọn cỏ ở đây là nơi trú ngụ của linh hồn người chết. Vì thế, không ai được phép chặt cây cối, dù chỉ là phát cành lá nhỏ. Những lần đưa ma, vướng víu đến đâu cũng chỉ được phép vén lối, rồi luồn qua mà đi. Người nào cố tình vi phạm luật lệ này sẽ phải nộp phạt cho bản một con lợn béo, 20 can rượu, rồi trả công cho thầy mo cúng chuộc tội.

Nhờ có chân nhang cắm trên những mô đất, tôi mới biết đó là một ngôi mộ của người Khơ Mú. “Dân bản không ghi bia mộ của người chết để kẻ ác không tìm ra và đào xới. Và, khi người sống về với cõi âm thì đã hết duyên trần, người ở lại dương gian đã tận tình, tận nghĩa”, ông Ón nói.

Theo ông Ón, khu rừng này cũng là nơi chứng kiến những cái chết đau đớn, tức tưởi và ghê rợn nhất. Ví như trường hợp gia đình ông Khoa Văn Xương. Trong một đêm đông mưa lạnh đến buốt gan nhói tim, bà Quàng Thị Pành (vợ ông Xương) chuyển dạ, quằn quại vì đau đẻ.

Ông Xương chạy khắp xóm bản nhưng không kiếm được bà đỡ. Khi về đến nhà thì người vợ đã tắt thở. Bà Pành nằm ngửa. Đôi mắt trắng dã mở to. Hai bàn tay vẫn ôm cái bụng khum tròn như cái rổ úp ngược. Phía dưới, huyết đỏ chảy lênh láng, lan khắp giường. Ông Khoa xót vợ thương con mà quẫn trí ăn lá ngón tự tử theo.

Có những người bị voi dày, hổ cắn không toàn thây; lại có những người mắc phong hủi, những ngón tay bị mục xương, thối thịt rụng dần rụng mòn như quỷ dữ hiện hình… Tất cả sau khi chết đều được chôn ở đó. Thế nên, không sợ sao được? Quàng Văn Lan, chàng thanh niên sức bẻ gãy sừng trâu đi cùng tôi thú nhận: “18 năm trời đây là lần thứ 2 em đặt chân đến đây vì có người đi cùng, chứ một mình em thì các cả bạc triệu cũng không dám vào”.


Người Khơ Mú ở bản Huổi Nhở còn nghèo khó

Người Khơ Mú ở bản Huổi Nhở phân chia làm hai loại ma: Ma nhà và ma bản. Vì thế, phải có hai khu rừng riêng biệt. Trước khi bước vào vụ lúa mới, dân làng phải góp gạo, góp tiền mua lợn, mua rượu để làm lễ cúng bản trong 3 ngày.

Trưởng bản lập hẳn một đội quân cắm chốt ở đầu bản thay nhau canh gác, không cho bất cứ ai ra, vào. Mọi vật dụng từ lớn đến bé không được phép khuân, vác hoặc gánh. Bởi đó là những tư thế đưa ma. Trong những ngày ấy, già trẻ trai gái hát hò, nhảy múa uống rượu say sưa.

“Cộng đồng người Khơ Mú có một lối sinh hoạt lạ lùng, đó là cứ 10 ngày mới có một ngày nghỉ. Họ không có khái niệm “ngày cuối tuần” như dưới xuôi đâu. Thế nên, nếu cán bộ xã có đến làm việc với dân bản Huổi Nhở, thì cũng chừa ngày nghỉ riêng của họ ra.

Bởi, cả bản đã quy ước, đó là ngày để ăn chơi, nhảy múa. Ai lên nương, làm việc đều bị phạt nặng. Bản có 80 nóc nhà thì gần như toàn bộ là người dân tộc Khơ Mú, cái đói ăn, thiếu mặc, khát chữ và lạc hậu vẫn còn đeo đẳng họ không biết đến bao giờ”, ông Giàng A Da.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm