| Hotline: 0983.970.780

Rừng phòng hộ Thác Mơ nhiều tiềm năng phát triển du lịch và dược liệu

Chủ Nhật 01/05/2022 , 09:54 (GMT+7)

Rừng phòng hộ Thác Mơ có diện tích rừng tự nhiên lớn, nhiều suối, thác khí hậu thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái kết hợp trồng cây dược liệu.

UBND tỉnh Đắk Nông vừa có quyết định phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022-2031 của Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ.

Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ có diện tích hơn 6.567,69 ha, thuộc địa phận xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Mục tiêu của phương án là duy trì giá trị sinh thái và chức năng phòng hộ đầu nguồn của các con sông, suối lớn của khu vực sông Đồng Nai và chức năng phòng hộ biên giới giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia.

Theo dõi, đánh giá rừng và tài nguyên rừng trong lâm phần Ban quản lý để xây dựng chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, sử dụng rừng lâu dài, bền vững trong khu vực. Triển khai các chương trình hỗ trợ, hợp tác chặc chẽ trong việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương gắn với quản lý, bảo vệ rừng bền vững. Thu hút người dân cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, tạo sinh kế cho người dân trong khu vực nhằm giảm dần sức ép của người dân sống trong rừng và gần rừng đối với tài nguyên ban quản lý. Tiến hành chương trình giáo dục, tuyên truyền vận động cộng đồng người dân địa phương về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ có nhiều điều kiện thuận lợi để trồng cây dược liệu và du lịch sinh thái. Ảnh: Quang Yên.

Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ có nhiều điều kiện thuận lợi để trồng cây dược liệu và du lịch sinh thái. Ảnh: Quang Yên.

Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ có diện tích rừng tự nhiên là 6.324,77 ha; rừng trồng là 117,67 ha. Cũng theo phương án được duyệt, Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ được thực hiện mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng với tổng diện tích dự kiến là 262,67 ha, theo hình thức liên kết với các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện.

Ngoài ra, Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ được tổ chức, xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên diện tích 113,2 ha. Theo đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ được xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên diện tích đất trống, trảng cỏ và tận dụng hệ thống đường lâm nghiệp sẵn có trên lâm phần đơn vị quản lý.

Tổng vốn nhu cầu đầu tư xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022-2031 là hơn 237 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong công tác trồng rừng và quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng là 11,5 tỷ đồng; Nguồn vốn tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng là hơn 54,2 tỷ đồng; Nguồn vốn kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, các nhân liên kết trong đầu tư phát triển du lịch sinh thái, kinh doanh dược liệu, trồng rừng và từ các hộ dân liên kết trồng rừng và trồng rừng nông lâm kết hợp là hơn 171 tỷ đồng.

Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ có nhiều suối, thác phù hợp với việc phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Quang Yên.

Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ có nhiều suối, thác phù hợp với việc phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Quang Yên.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ cho biết, đơn vị có diện tích rừng tự nhiên lớn và nhiều thác nước đẹp phù hợp với phát triển du lịch sinh thái và trồng cây dược liệu.

Theo ông Khương đơn vị có lợi thế lớn trong việc phát triển du lịch nhân văn vì lâm phần nằm ở xã Quảng Trực, gắng liền với văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (người Mnông). Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ nằm giáp ranh với Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên và có tuyến quốc lộ 14C đi qua nên sẽ cùng phối hợp xây dựng tuyến du lịch giữa 3 đơn vị. Các tài nguyên đặc trưng trên lâm phần để phát triển du lịch như rừng nguyên sinh, các con suối, thác lớn như thác nước thuộc Suối Girh; Suối Đắk Ka; Suối Đắk Bô và thác nước, suối thuộc tiểu khu 1444.

“Khi đơn vị phát triển du lịch sẽ góp phần giữ gìn và tôn tạo tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Đơn vị sẽ tích cực tham gia thực hiện xóa đói giảm nghèo góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển du lịch lấy hiệu quả kinh tế - văn hóa - xã hội và môi trường làm mục tiêu phát triển”, ông Khương nhấn mạnh.

Đối với việc liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, ông Khương cho rằng đơn vị rất thuận lợi vì đường đi lại thuận tiện, trạng thái rừng là thường xanh trung bình, đảm bảo cho việc phát triển, dọn thực bì tránh tác động vào rừng nguyên sinh. Trên diện tích đăng ký trồng cây dược liệu đã có cây dược liệu mọc từ trước như giao cổ lan, nhân trần, sâm câu...

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.