Mơ hồ nguồn dược liệu nhập khẩu
Theo Bác sĩ Chuyên khoa 1 Y học cổ truyền Nguyễn Thanh Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Y học cổ truyền tỉnh Bình Định, người có 30 năm hoạt động trong ngành Đông y, những năm gần đây, người bệnh có xu hướng quay lại với Đông y.
Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Long, hiện các cơ sở khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền của Nhà nước đã đơn giản hóa phương pháp điều trị cho bệnh nhân nên hạn chế sử dụng thuốc phiến (thuốc thang bốc từng vị), mà bào chế ra thành phẩm cao đơn hoàn tán để điều trị, chỉ những cơ sở tư nhân mới còn dùng nhiều thuốc thang.
Nhu cầu về thuốc Đông y tăng cao, nhưng do nguồn dược liệu trong nước không đủ đáp ứng, nên hầu hết các cơ sở cế biến thuốc và khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền đều lệ thuộc vào nguồn dược liệu nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc. Trong khi công tác quản lý chất lượng nguồn dược liệu đầu vào chưa được chặt chẽ, nảy sinh nhiều bất cập.
Theo tâm tư của Bác sĩ Nguyễn Thanh Long, hiện nay, nguồn dược liệu sử dụng trong nước hầu hết được nhập từ Trung Quốc do tư thương mua về phân phối, chất lượng không biết tốt xấu thế nào, đặc biệt thuốc nhập lậu thì chất lượng càng mơ hồ.
Đáng quan ngại hơn dược liệu cũng là cây cỏ thực vật, không biết chúng được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ hay hóa học, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chúng cao thấp. Nếu sử dụng dược liệu kém chất lượng bào chế thuốc điều trị cho bệnh nhân, khó lường được điều gì sẽ xảy ra.
Hơn nữa, thuốc Tây y dễ bảo quản, còn dược liệu Đông y rất khó bảo quản, bởi chúng là cây cỏ thực vật, trong khi khí hậu Việt Nam nóng ẩm, dược liệu nhập về để trần trụi nên khả năng nhiễm bẩn rất cao, đó là chưa nói đến chúng dễ bị mối mọt côn trùng xâm hại.
“Trước bối cảnh này, để việc điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp y học cổ truyền mang lại hiệu quả, lương y phải thể hiện cái tâm của người thầy thuốc. Bởi chỉ thầy thuốc mới biết rõ chất lượng của những loại dược liệu mình đang sử dụng. Nếu dược liệu mất phẩm chất phải được hủy bỏ, đừng đưa vào điều trị mà gây hại đến sức khỏe của bệnh nhân. Thêm vào đó, biết là công tác quản lý nguồn gốc, chất lượng của nguồn dược liệu là rất khó, nhưng khó cũng phải làm, đó là tiền đề để ngành y học cổ truyền thu phục được niềm tin của bệnh nhân”, Bác sĩ Nguyễn Thanh Long bộc bạch.
Cũng vấn đề trên, bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Dược-Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) cho rằng, nguồn dược liệu nhập ngoại còn làm lũng đoạn thị trường dược liệu trong nước.
“Hiện nay, nguồn dược liệu sử dụng trong nước đang lâm cảnh “vàng thau lẫn lộn”. Dược liệu nhập khẩu có giá rất rẻ, nhưng chất lượng như thế nào không thể kiểm soát được đã khiến thị trường dược liệu trong nước rối tinh rối mù.
Do không quản lý được nguồn gốc, chất lượng nguồn dược liệu nhập khẩu dẫn tới sự cạnh tranh không sòng phẳng giữa nguồn dược liệu trong nước đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dược liệu nhập khẩu có xuất xứ, chất lượng mơ hồ. Chính điều này đã “cầm chân” hoạt động của các đơn vị chuyên sản xuất thuốc Đông y trong nước”, bà Hương chia sẻ.
Cấp bách phát triển vùng trồng
Để giải vấn nạn trên, không gì khác hơn phải cấp bách phát triển trồng cây dược liệu để chủ động nguyên liệu trong bào chế thuốc Đông y và sử dụng điều trị bệnh theo phương pháp y học cổ truyền.
Theo TS Nguyễn Đình Thành, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Định, người có nhiều năm làm việc trong ngành lâm nghiệp, trong những năm qua Bình Định có bước phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại 1 số địa phương. Ví như tại các xã vùng cao Canh Liên (huyện Vân Canh), xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), xã An Toàn (huyện An Lão).
Anh Nguyễn Thanh Quang, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh) cho biết: “Từ năm 2014 công ty đã triển khai mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng tại xã Vĩnh Sơn với diện tích 1ha. Cây sa nhân thích nghi nên cho thấy rất phù hợp, phát triển tốt, trồng khoảng 3 năm là cho quả. Hiện bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng lấy giống nhân rộng khá nhiều, quả sa nhân hiện cũng đang tiêu thụ rất mạnh”.
Nổi bật nhất tại Bình Định hiện nay trong công tác phát triển cây dược liệu vẫn là mô hình của BIDIPHAR trồng tại xã An Toàn (huyện An Lão) với diện tích 11ha thực hiện từ năm 2016. “Hiện chúng tôi đang đi theo hướng phát triển mạnh cây bản địa, 1 số cây di thực sau khi trồng khảo nghiệm nếu thành công sẽ được nhân rộng. Chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương tuy bà con tiếp thu chậm, nhưng chắc chắn sẽ được, chỉ cần thời gian”, Tổng Giám đốc Phạm Thị Thanh Hương khẳng định.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đình Thành, những bước phát triển cây dược liệu kể trên tại Bình Định là chưa xứng với tiềm năng, nhất là trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Bởi, Bình Định có nhiều diện tích rừng, cây dược liệu sống dưới tán rừng tránh được sương muối, trong rừng có độ ẩm cao nên phát triển rất tốt, nhất là trong rừng đặc dụng An Toàn (huyện An Lão).
Ngoài sự tham gia của doanh nghiệp và các địa phương trong công tác phát triển trồng cây dược liệu, Theo Bác sĩ Chuyên khoa 1 Y học cổ truyền Nguyễn Thanh Long, trong những tới, ngành y học cổ truyền tỉnh này cũng cần tăng tốc triển khai thực hiện Quyết định 1976/2013/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, Trung ương Hội Đông y Việt Nam chỉ đạo Hội Đông y các địa phương chú trọng công tác bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu hiện có, nhất là những loài cây quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Hướng dẫn các cơ sở trồng cây dược liệu cách thu hái, chế biến dược liệu theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Xây dựng kế hoạch đảm bảo đủ dược liệu làm thuốc, phát triển kinh tế từ dược liệu, từng bước hiện đại hóa nền Đông dược Việt Nam.
“Đặc biệt, Hội Đông y Việt Nam còn yêu cầu Hội Đông y các địa phương trong thời gian tới phải củng cố hệ thống thu mua, quản lý, phân phối dược liệu. Hướng dẫn sơ chế, bào chế, chế biến và sử dụng dược liệu sạch, an toàn. Ngành Đông y Việt Nam trong 5 năm tới sẽ phấn đấu bảo tồn và phát triển 180 cây thuốc, 90% cơ sở khám chữa bệnh sử dụng các vị thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế”, BS Nguyễn Thanh Long cho biết.
“Để chủ động nguồn dược liệu, trên địa bàn tỉnh Bình Định phải có vùng nguyên liệu quy mô lớn, tập trung phát triển vùng nguyên liệu dược liệu chuẩn đầu vào, đảm bảo chuỗi sản phẩm khép kín nhằm nâng cao chất lượng thuốc thành phẩm. Tôi thấy nhiều tỉnh có khu trồng dược liệu của tư nhân rất phong phú, xây dựng được thương hiệu. Đặc biệt, ngành chức năng cần có chế tài để kiểm soát nguồn dược liệu ngoại nhập, nhất là về chất lượng để nâng cao uy tín của ngành y học cổ truyền Việt Nam”, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Y học cổ truyền Nguyễn Thanh Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Y học cổ truyền tỉnh Bình Định.