| Hotline: 0983.970.780

'Rừng sưa' gần 1.000 gốc mọc quanh chuồng lợn hàng ngàn con

Thứ Sáu 14/05/2021 , 12:10 (GMT+7)

Trong rừng sưa ấy, gốc nhỏ cũng cỡ bắp đùi, gốc to thì gần bằng cả thân người lớn, chen nhau tỏa bóng rợp cả cánh đồng, tạo nên cảnh độc nhất vô nhị.

Cứ chọn cây sưa to là mua

Tôi mê mải ngắm khu “rừng” lạ kỳ ấy ở xã Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) rồi lại vào trại của anh Nguyễn Văn Hiển để xem bức tượng nhỏ mới tạc bằng sưa đỏ, trọng lượng chỉ 2,5 kg nhưng cả tiền gỗ lẫn tiền công đâu đó chừng 5-6 triệu. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra trong tiếng ụt ịt của cả ngàn con lợn.

Anh kể, năm 2.000 có Nguyễn Văn Hiển là anh, Nguyễn Văn Lộc là em cùng một người hàng xóm nữa rủ nhau từ xã Bình Minh vào xã Dạ Trạch đấu thầu 11 mẫu đất ruộng trũng vốn không cấy được lúa. Họ lập nên những trang trại tổng hợp, vừa nuôi lợn vừa trồng bưởi, trồng nhãn nhưng thu hoạch chẳng được bao lăm bởi thế đất trũng, cây khó phát triển. 

Thế rồi cơn sốt sưa (hay còn gọi là trắc thối vì quả đốt lên có mùi giống hệt như phân người) tràn đến, với giá bán gỗ theo một đơn vị chưa từng thấy từ trước đến nay, không theo m3 mà lại theo kg. Ở đền Đa Hòa, xã Bình Minh quê các anh có 11 cây sưa khổng lồ, cả trăm năm tuổi, được định giá hàng chục tỉ/cây mà dân làng quyết không bán.

Một góc của rừng sưa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc của rừng sưa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhận thấy một đối tượng kinh doanh tiềm năng, từ năm 2013 hai anh em mới đi săn sưa về trồng nhưng chỉ mua cây to, không mua cây nhỏ bởi không muốn phải chờ đợi lâu.

Lúc đầu họ đi khắp các tỉnh như Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, mấy tháng trời mới gom được 100-200 cây, về sau chấp nhận cả mua lại của một số dân buôn của tỉnh Vĩnh Phúc mới được số lượng nhiều.

Lúc này cơn sốt sưa đã qua thời đỉnh điểm nhưng vẫn chưa hạ hẳn nhiệt nên giá bán khá cao. Những cây có chu vi vòng gốc (vanh) cỡ 30-40 cm, lõi chưa có hoặc mới hình thành 1-2cm có giá 3-4 triệu đồng/cây. Tổng vốn hai anh em đầu tư mỗi người chừng 1 tỉ đồng.

Họ trồng sưa vào tháng giêng, hai, lúc đầu còn cẩn thận đánh bầu nhưng về sau khi biết giống cây này khỏe nên cứ thoải mái đào tung gốc, rũ hết đất cho đỡ nặng rồi thuê xe chở về. Cách trồng cũng khá kỳ lạ, cứ đặt cây trên bề mặt rồi đổ thêm đất vào, đánh thành mô chứ không đào hố bởi vì địa thế trũng.

Bức tượng nhỏ tạc bằng gỗ sưa có giá khoảng 5-6 triệu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bức tượng nhỏ tạc bằng gỗ sưa có giá khoảng 5-6 triệu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn bưởi, nhãn, sum suê được nhanh chóng thay thế bằng vườn sưa cỡ 1.000 gốc. Tỷ lệ cây chết sau khi trồng vào khoảng 10%, tập trung ở năm đầu tiên do những cái rễ to bị xén đứt trong quá trình đào gây thối từ dưới đi lên trên.

Khi sưa lớn hơn, họ phải chằng dây thép như một cái gông ở trên thân để chống gió bão. Vừa rồi anh Hiển thu tỉa, bán bớt đi một số cây nhỏ do trồng mau quá nên khó phát triển, lõi ít chỉ được 8-9 cm, 15 gốc được 150 triệu.

Để biết được lõi của cây mà ngã giá người mua phải khoan thử, khi ra hết mạt trắng, chạm lõi màu đỏ là rút mũi ra, cắm que vào đo, tính xem được mấy cm, quy ra bao nhiêu kg. Vài cây to nhất trong vườn được định giá 100 triệu, khoảng 30 cây được định giá trên 50 triệu, còn lại tính đổ đồng cỡ giá 15-20 triệu/cây.

“Có điều kiện thì không gì kinh tế bằng trồng sưa bởi lẽ giờ giá giống rẻ, chỉ bằng 1/3-1/4 so với thời chúng tôi mua trước đây. Tuy nhiên, ngược lại, gỗ bán thời sốt cũng được cao gấp 3-4 lần so với hiện nay, giờ chỉ còn khoảng trên dưới 1 triệu/kg”, anh Hiển đúc kết.

Cây to phải chằng dây thép để chống gió. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cây to phải chằng dây thép để chống gió. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sưa rất thích “ăn” phân lợn

Tôi lại theo chân ra vườn nhà anh Nguyễn Văn Lộc để xem một cây sưa với đoạn thân to cao chừng hơn 5m vừa rồi thương lái mới khoan thăm dò, tính lõi khoảng 13-14 cm, trả 80 triệu nhưng chưa bán: “Tôi dự tính dăm ba năm nữa mới thu hoạch. Với những người đất rộng, công việc nhiều, bận rộn do chăn lợn như tôi, không còn thời gian để chăm sóc các loại cây ăn quả thì trồng sưa là nhàn nhất, một lần rồi cứ để đấy.

Giống này phàm ăn, phân lợn thải ra tôi cứ đóng bao rồi để trực tiếp vào gốc, một thời gian cảm thấy ngấu thì lấy liềm rạch vỏ bao ra cho phân rơi xuống. Cứ cây nào nổi rễ nhiều thì nhanh lớn, càng trồng thưa cây lại càng chóng phát triển…  

Anh Lộc đang thăm lõi sưa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lộc đang thăm lõi sưa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bây giờ sưa đã trở lại giá trị thật do trước đây thương lái Trung Quốc nhập cao, giờ chỉ nhập thấp thành ra giá hạ. Người bảo sưa để trùng tu cung điện, người bảo làm dược liệu, người bảo ướp xác, người bảo làm áo quan… nhưng theo tôi chỉ để làm đồ mỹ nghệ mà thôi. Không có điều kiện thì thôi chứ nếu dùng gỗ sưa để đóng đồ thì trông rất sáng, rất sang nội thất”.

"Đợt chưa có Covid 19, khách Trung Quốc còn về tận đây để hỏi mua gỗ sưa, hiện nay chỉ còn khách trong nước mà nhiều nhất là ở Vĩnh Phúc đến. Vừa rồi tôi bán cho họ một cái ghế làm việc của Ủy ban xã ngày xưa, nặng đúng 7 kg với giá hơn 30 triệu trong khi mua vào là hơn 20 triệu. Gỗ sưa già vẫn bán được giá lắm chứ không như sưa non, loại lâu năm thậm chí cả 10 triệu/kg", anh Lộc cho biết.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm