| Hotline: 0983.970.780

Rừng trồng gãy đổ nhưng không thể khai thác do vướng quy định

Thứ Ba 01/10/2024 , 10:14 (GMT+7)

Quảng Trị Gần 1 nghìn ha rừng trồng hỗn giao đạt kích thước tối đa nhưng không thể khai thác, vừa lãng phí vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, ảnh hưởng đa dạng sinh học…

Thực hiện chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc thuộc các dự án Jbic, 661, chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2004 - 2015, tại các tiểu khu 820, 830, 851, 859, 847A, 833A, 845, thuộc địa phận  hành chính huyện Đakrông, (tỉnh Quảng Trị), Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BQL KBTTN) Đakrông đã trồng 979ha rừng. Đối tượng rừng trồng bao gồm các loài cây bản địa như lát hoa, thông nhựa, sao đen kết hợp với cây phù trợ là cây keo tai tượng (với mật độ cây keo tối đa 50 - 60%).

Rừng trồng hỗn giao thuộc các chương trình dự án hiện chỉ còn chủ yếu là keo tai tượng. Ảnh: Võ Dũng.

Rừng trồng hỗn giao thuộc các chương trình dự án hiện chỉ còn chủ yếu là keo tai tượng. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

Toàn bộ diện tích rừng hỗn giao được trồng và chăm sóc nhưng hiện chỉ còn chủ yếu là cây keo tai tượng với mật độ 432 cây/ha, đường kính trung bình 24cm, cao trung bình 14m, chất lượng gỗ được đánh giá tốt. Số còn lại là sao đen 170 cây/ha, sinh trưởng, phát triển kém do bị cây keo tai tượng lấn át về không gian, dinh dưỡng, ánh sáng, đường kính 2 - 5cm, cao 1 - 2m.  Cây thông nhựa có mật độ rất thấp, riêng cây lát hoa gần như không còn.

Theo thống kê, hiện trạng có khoảng 90 cây keo/ha bị ngã đổ do đã đạt tuổi thành thục tự nhiên. Số cây keo này đã có hiện tượng chết cành, chết rễ, rỗng ruột, một số cây đã bật gốc. Thực tế này khiến rừng keo rất dễ tự gãy đổ khi có mưa to, gió lớn, mất khả năng phòng hộ, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng vào mùa khô hạn, ảnh hưởng đến khả năng tái sinh phục hồi rừng tự nhiên và gây lãng phí hiệu quả đầu tư.

Đặc biệt, dưới tán rừng keo tai tượng, hệ động, thực vật rừng tự nhiên rất khó tái sinh, sinh trưởng, phát triển, ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học.

Nhiều cây gãy đổ. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều cây gãy đổ. Ảnh: Võ Dũng.

Đại diện BQL KBTTN Đakrông cho biết, gần 1.000 ha có giá trị rất lớn nhưng không thể khai thác vì thuộc rừng đặc dụng. Theo Luật Lâm nghiệp 2017 thì diện tích này không thể khai thác, tận thu. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến rừng và hệ sinh thái.

Ông Trương Quang Trung, Giám đốc BQL KBTTN  Đakrông cho hay, việc khai thác tận thu số gỗ rừng trồng là điều cần thiết, có thể giúp tái đầu tư cho công tác phục hồi rừng, mua sắm trang thiết bị, tăng khả năng phòng hộ, hạn chế được cháy rừng xảy ra trong thời kỳ biến đổi khí hậu khó lường.

Sau khi khai thác gỗ thông thường, đơn vị sẽ trồng lại rừng bằng các cây trồng bản địa, từ đó tăng nguồn thu cho đơn vị sau khi thành rừng từ nguồn bán tín chỉ carbon, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương trong quá trình trồng và bảo vệ rừng... Việc khai thác nguồn gỗ rừng trồng này vừa tránh lãng phí, về lâu dài góp phần đưa khu bảo tồn này nâng hạng lên vườn quốc gia.

Hoặc bật gốc nhưng không thể khai thác do vướng Luật Lâm nghiệp 2017. Ảnh: Võ Dũng.

Hoặc bật gốc nhưng không thể khai thác do vướng Luật Lâm nghiệp 2017. Ảnh: Võ Dũng.

Cũng theo ông Trung, sau khi BQL KBTTN  Đakrông có văn bản đề xuất chủ trương thực hiện biện pháp lâm sinh phù hợp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì các sở ngành và UBND tỉnh Quảng Trị đang nghiên cứu, trình bộ ngành, Trung ương để giải quyết vướng mắc này.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.