| Hotline: 0983.970.780

Sắc hương gió núi M’Nông

Chủ Nhật 09/10/2016 , 07:30 (GMT+7)

Gió thổi thốc vào mặt tôi. Thứ gió lộng mang dòng dõi hoang hoải. Nơi nào mà chả có gió, song rõ ràng gió ở đây nó rất khác, có gì đó quá riêng, đặc trưng. Tôi đang đi trong một thành phố mà, chứ nào phải một nơi chốn trống không.

Ừ, thì Gia Nghĩa đang ở cuộc sống của một Tỉnh lỵ, là dĩ nhiên “thị”, “phố” rồi. Đi một mình giữa nó mà không thấy cô đơn. Đơn chiếc trong nó vẫn không thấy lạc loài. Tôi không có bóng hồng nào ở xứ đây, kể cả người thân, họ hàng.

09-16-12_15
 

Nó tinh khôi với tôi như tôi tinh khôi với nó. Phố xá đầy dốc, đường cong, thẳng, méo, muôn hình vạn dạng, theo địa hình núi đồi, suối khe, thung lũng, vườn rẫy tự nhiên liên tiếp. Cái thứ gió kia nó đánh bạt suy nghĩ về hình hài đô thị phải là những tổ chức cấu trúc bàn cờ, dãy phố, hàng quán sắp lớp hai bên, và phải có những tổ người lố nhố, dài lê thê, xe cộ ken dày, và còi kèn vang động, rộn rã.

Một cảm giác trống không về một thành phố đang “sống”, đang hiện hữu bằng da thịt của nó. Lúc này tôi không nghĩ điều gì có thể chia rẽ tôi với nó. Và tôi cũng chẳng cần có bóng hồng nào ở đây nữa để làm gì. Có khi dính vào một bóng hồng, nó sẽ phá tung sự tinh khôi ở tôi về một thành phố.

Gió qua đô thị tráng khí như thế thì phố thị này làm sao “biết” buồn, “biết” vui, động phàm. Nó hồn nhiên, như thiếu nữ chưa bị bọn đàn ông ghé môi, đè ra. Nó là đô thị “còn trinh”.

Nó “còn trinh”, vì cơn cuồng nộ phản thiên mang tên địa ốc chưa “ra tay” với nó. Nó đang trắng trong vì nó là thành phố nằm trong rẫy, toàn rẫy bao quanh, màu xanh len lỏi mọi con đường, ngõ lối. Nó thanh lành vì nó rơi xuống những dải núi đồi bát úp cổ xưa... Dòng suối Đắk Nông vẫn chảy qua giữa lòng phố ngày nay, và cái tên tỉnh Đắk Nông bây giờ càng định danh biểu thị cho điều đắc vị đó. Từ cao nguyên sơn nguyên đến cao nguyên rẫy vườn, sang cao nguyên phố thị. Cái hồn cốt ấy vẫn quanh đây.

Phẩm chất cao nguyên, thứ cao nguyên lộng gió trong thảo mộc, văn hóa người sơn cước, văn hóa người lưu lạc(di cư). Thứ văn hóa thuần hậu với thứ văn hóa vong phận nghĩa khí. Nghĩa là đô thị Gia Nghĩa được trồng trên không gian đó, cho dù có áp đặt thứ kiến trúc gì xuống trên đất đi nữa.

Bất cứ vị trí nào trong số sáu điểm cao nhất ở đây, là đồi Đức Mẹ, đỉnh Num Rạ, đồi Pháo, đồi Mỏ Đá, đồi Sân bay dã chiến, hay đồi tỉnh Đội tôi đều nhận ra vẹn nguyên hết dáng hình Gia Nghĩa: Đô thị mang dòng máu của thảo nguyên.

Trước năm 2004 trái tim của Gia Nghĩa là chỗ ngã ba có con hồ nho nhỏ mà người dân thường thả vịt nuôi, và cái tên “hồ Vịt” được định danh. Bây giờ trái tim của Gia Nghĩa đã là hồ Đắk Nông, vì mới ngăn được dòng suối lớn giữa xứ sở lại mà hình thành nên hồ. Thị trấn lèo tèo, luôn đi ngủ sớm, chỉ khu “hồ Vịt” là thức - quán nhậu, và bá tánh đón xe đò đi các tỉnh. Hồ Vịt vẫn còn đó, nhưng nay người dân xung quanh quyết liệt không cho tôi gọi nó là “hồ Vịt” nữa. Họ bảo tôi phải gọi là “hồ Thiên Nga”.

09-16-12_8
 

Ừa, thì Thiên Nga! Khi đã thành hoa hậu và có tiền để mua váy, đeo mỹ kim nơi tay thì cái tên của một cô gái hay anh chàng cũng tự nhiên muốn thoát khỏi quê mùa. Cái nhà thờ chính của giáo xứ nay cũng được bố trí qua phía bên kia hồ. Tháp chuông từ đồi cao thoáng rộng soi bóng xuống con hồ vừa mới hình thành làm công trình tôn giáo cao sang hơn. Đối diện qua phía kia, là ngôi chùa Phật giáo xưa nhất. Tín hiệu kiến trúc đó làm cho Kinh thánh (Chúa) và kinh Kim cang (Phật) giao hòa, thân thương.

Chỉ có âm thanh phát ra từ Đài phát thanh truyền hình tỉnh là đã không còn lấy nhạc hiệu là bài “Hoàng hôn màu lá” nổi tiếng của ông Thanh Tùng nữa, bởi cô bác cho rằng Đắk Nông không còn “bát ngát rừng”, “bát ngát lâm trường” như trong bài hát -“Nghe ngượng lắm”. Xứ sở biết ngượng đã là xứ sở có tư cách.

Một kịch bản, qui hoạch rõ ràng cho Gia Nghĩa kịp ra đời ngay sau khi tách tỉnh Đắk Nông ra khỏi Dak Lak, và có vẻ chính quyền quyết tâm hiện thực cho được một đô thị tử tế. Người ta muốn một Gia Nghĩa sang cả, hiện đại, và “Tây” như Đà Lạt thời vàng son hôm nào, thậm chí đặc sắc hơn thế nữa.

Trước hết, như cái hồ Đắk Nông giữa lòng đô thị này là phiên bản thông minh của hồ Xuân Hương ở Đà Lạt: một, ngăn dòng suối Lat (Da_con nước, Lat - người Lat); và một, ngăn dòng suối Đắk M’nông (Đắk - con nước - Nông - người M’nông). Nhưng hồ này thì rộng gấp bốn lần hồ Xuân Hương, và vừa hình thành đã ấn tượng, tráng lệ hơn nhiều.

Rồi, nhà cửa chỉ mong toàn kiến trúc biệt thự Âu, Mỹ, Nhật. Và, những đường phố, được qui định trồng hết loài cây hoa phượng vàng đẹp tinh khiết của cao nguyên M’nông - để tạo ra một bản sắc nên thơ riêng. Đường phố thì có thể rồi đây đầy loài hoa đặc sắc đó, nhưng dân tình cày rẫy lấy tiền đâu cất biệt thự. Chắc nông dân rồi chẻ đất vườn ra bán để đổi đời, hoặc chính quyền qui hoạch phân lô thật nhiều khu dân cư mới để mời dân có tiền lên mua ở thì mục tiêu kia khả dĩ chạm đến.

Tất nhiên, dù đôi nét thơ mộng gần nhau, nhưng cao nguyên M’Nông là cao nguyên M’nông, cao nguyên Lạch (Langbian) là cao nguyên Lạch, và người Pháp khi làm đô thị khác người Việt tôi làm.

Tôi ném mình vào trong Gia Nghĩa. Thị xã nhấn nhá những khóm bê tông, nhà cửa trong sự bát ngát xanh của rẫy nương. Cũng có đôi ba con đường mở ra như đại lộ. Nhưng đại lộ đẹp ngây ngất giữa một phố thị chỉ có vài vạn dân đã khiến thành phố lưa thưa, hắt hiu, cô quạnh ngay giữa ban ngày. Nhiều con đường toàn công sở mà vẫn buồn, cho dù công sở nào cũng sang trọng, bề thế. Nhiều lúc thấy chỉ toàn công chức qua lại. Bá tánh nhiều khi cảm giác họ ở đâu không rõ. Hệ thống đèn điều tiết giao thông cũng đã dựng đặt ở nhiều ngã đường.

Chỉ có điều, đường sá thênh thang, phố thưa vắng người, mà đèn giao thông hiện hữu thì tín hiệu kia thành vật cản ngại giao thông. Sự “đi trước”, đón đầu thái quá. Đà Lạt kia ra đời 123 năm rồi, dân số mấy trăm ngàn, nhưng đến giờ vẫn không cần đến đèn giao thông, vì ý thức và văn hóa cộng đồng thị dân mới là sức sống, bền, đảm bảo nhất.

Chiếc áo khoác lên cho việc “lên đời” của Gia Nghĩa đang to hơn thân thể thực của nó.

Từ nền văn minh nương rẫy sang nền văn minh đô thị.

Gia Nghĩa là đô thị còn (là) của thiên nhiên, và những khát khao thanh lành, dễ thương của con người. Mọi đô thị đều ở dưới vòm trời. Nhưng không phải đô thị nào cũng còn nhớ về trời xanh, gợn về thiên nhiên như nơi này.

Và ở Gia Nghĩa là dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, và Thừa Thiên. Vì thế mà chiều tà thế này tôi vẫn còn ăn được những tô mì Quảng còn đậm chất “Quảng” ở Gia Nghĩa này. Cùng những tô bún bò Huế còn rặt xứ Mệ. Cũng như giải mã thế giới chợ của một nơi chốn, cho tôi nhận ra phần nào mức sống, đặc thù sản vật, lời ăn tiếng nói, văn hóa bán mua nơi chốn đó.

Chiều đã về rồi, trên phố, và chợ Gia Nghĩa. Kìa, những người M’nông vẫn gùi những gùi măng, đọt mây, lá bép ra Thị xã và an nhiên bày bán cùng những người Kinh nói thứ giọng Quảng lưu vong từ lâu. Sau kỳ thuộc Pháp, thời Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam, khi ông Ngô Đình Diệm đặt tên cho đơn vị hành chính trên cao nguyên M’ Nông này là tỉnh Quảng Đức không biết có ý tứ gì về nghĩa ấy không thì chẳng biết, hay chỉ là đất đạo đức rộng.

Chợ thị xã tỉnh lỵ mà nó mộc mạc, đơn sơ còn hơn bao chợ huyện trên cái đất nước này - chẳng có gì là Trung tâm thương mại hàng tỉnh. Dĩ nhiên cá biển là đưa từ Bình Thuận lên theo đường 28. Cá nước ngọt đánh bắt từ sông suối, các lòng hồ thủy điện, và nuôi trong các nương rẫy. Rau muống, rau xà lách xoong, rau mùi hãy còn được đưa từ Buôn Ma Thuột xuống. Và cà cà rốt, khoai tây, sú lơ, hoa cúc, hoa hồng vẫn đưa từ Đà Lạt sang.

09-16-12_6
 

Đô thị Gia Nghĩa chưa có nền trồng rau cơ bản - yếu tố căn bản của một đô thị và ngoại ô của nó thường đảm nhận việc này. Ngay nguồn nhân viên cán bộ cho bộ máy chính quyền hoạt động vẫn hơn một phần ba là người từ Buôn Ma Thuột chi viện mà được đưa đi đưa về hằng tuần.

Vì Gia Nghĩa được đặc nhiệm để làm một tỉnh lỵ chứ nó không có nền về đời sống xã hội phường nghề, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực. Ơn trời, nhờ thế, nó là một kiểu đô thị thanh lành riêng. Như người Gia Nghĩa vậy, cứ mộc mạc, như cây cỏ thảo nguyên M’nông. Họ không có chút gì “thị dân” cả, “chưa tới”, nếu đưa phẩm chất gọi là “thị dân” thông thường ra quán chiếu. Hoặc phải nghĩ rằng như họ mới là hay, trên cả thị dân, là thuận khiết căn tính đơn sơ, không cầu kỳ vốn có của con người.

(Kiến thức gia đình số 39)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm