| Hotline: 0983.970.780

Sâm Bố Chính ở Bình Định chết như ngả rạ

Thứ Hai 21/08/2023 , 15:52 (GMT+7)

Cây sâm Bố Chính đang phát triển tươi tốt, lá bỗng bị héo, chỉ 5 ngày sau đã cháy khô cả đám, nhổ lên thấy củ cũng khô quắt lại, mềm oặt…

Thời gian qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh tại nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế liên tục xảy ra tình trạng cây sâm Bố Chính của doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân bị chết hàng loạt. Không chỉ có Thừa Thiên - Huế, tại Bình Định gần đây cũng ghi nhận tình trạng sâm Bố Chính đang phát triển tươi tốt, bỗng bị chết đột ngột trên diện rộng. 

Bất lực nhìn sâm chết hàng loạt

Sau thành công của mô hình trồng sâm Bố Chính của anh Trần Minh Tâm (50 tuổi) ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định), nông dân địa phương rất háo hức với cây trồng mới này.

Anh Nguyễn Ngọc Giai ngậm ngùi trên ruộng sâm Bố Chính 4 sào của mình đã bị chết rụi. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Ngọc Giai ngậm ngùi trên ruộng sâm Bố Chính 4 sào của mình đã bị chết rụi. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Để tiến tới chế biến nhiều sản phẩm từ sâm Bố Chính như trà sâm, bột ngũ cốc sâm, mứt sâm và sâm Bố Chính ngâm rượu, anh Tâm đánh tiếng cần liên kết sản xuất với nông dân muốn trồng sâm Bố Chính trên địa bàn theo phương thức: Anh Tâm cung cấp cây giống, nông dân đối ứng đất trồng, công chăm sóc và đầu tư phân bón, thuốc BVTV sinh học suốt chu kỳ sinh trưởng của cây sâm khoảng hơn 1 năm. Đến khi thu hoạch, anh Tâm bao tiêu sản phẩm theo giá thời điểm, sau khi trừ tất cả chi phí, hai bên chia đôi lãi ròng.

Hiện nay, ngoài 20.000 chậu sâm Bố Chính trồng trên diện tích 5.000m2 tại tổ 4 khu vực Kim Châu, anh Tâm còn thuê thêm gần 2ha đất soi bãi tại tổ 3 khu vực Kim Châu (phường Bình Định, thị xã An Nhơn) để trồng sâm Bố Chính.

Bài liên quan

Khoảng 1 tuần nay, diện tích gần 2ha sâm Bố Chính tại tổ 3 khu vực Kim Châu của anh Tâm đã cắt phân, cắt nước để cuối tháng 8/2023 sẽ thu hoạch. Ngoài ra, anh Tâm còn liên kết với nông dân các xã Cát Trinh, Cát Hưng (huyện Phù Cát, Bình Định) trồng hơn 3ha sâm Bố Chính, diện tích này vừa thu hoạch với trọng lượng gần 7 củ/kg và liên kết với 3 nông dân ở khu vực Hòa Cư, phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) trồng khoảng hơn 1ha nữa.

Anh Nguyễn Ngọc Giai là 1 trong 3 nông dân ở khu vực Hòa Cư, phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) vừa liên kết với anh Trần Minh Tâm trồng 4 sào sâm Bố Chính (500m2/sào) với 4.000 cây giống. Ăn tết xong, tháng 2 âm lịch anh Giai xuống giống, đến nay ruộng sâm của anh đã được hơn 5 tháng tuổi.

Lá cây sâm Bố Chính héo rũ, nhổ bụi sâm lên thấy củ sâm cũng bị khô. Ảnh: V.Đ.T.

Lá cây sâm Bố Chính héo rũ, nhổ bụi sâm lên thấy củ sâm cũng bị khô. Ảnh: V.Đ.T.

Ruộng sâm của anh Giai đang phát triển sởn sơ, ra hoa rực rỡ thì cách đây khoảng gần 1 tháng, ruộng sâm bỗng xuất hiện hiện tượng lá bị héo rải rác, chỉ 5 ngày sau là cả đám bị rũ lá. Nhổ lên, anh Giai thấy củ sâm đã tượng hình nhưng khô quắt, mềm rệu. Nản quá, 1 tháng nay anh chả buồn tưới, không làm cỏ, giờ ruộng sâm của anh chỉ thấy toàn cỏ chứ không còn thấy bóng dáng cây sâm nào.

Đưa chúng tôi đi thực tế ruộng sâm đã chết khô, anh Giai nhổ mấy cây để chúng tôi “mục sở thị” và buông lời than thở: “Kể như gần 5 tháng nay công cốc với ruộng sâm 4 sào này. Bao nhiêu công sức, tiền bạc đi tong”.

Bên cạnh ruộng sâm của anh Giai là ruộng sâm của anh Tạ Văn Chung cũng ở khu vực Hòa Cư, phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) với diện tích 2 sào. Ruộng sâm của anh Chung trồng sau ruộng sâm của anh Giai 1 tháng, trồng thẳng hạt xuống đất chứ không trồng cây giống. Hiện ruộng sâm của anh Chung đang ra hoa lác đác, lá vẫn còn xanh, nhưng xen kẽ trong những luống sâm đã có nhiều cây bị héo lá, chết khô, cây sâm chết từng cụm trong luống. Hiện tượng này cho thấy ruộng sâm của anh Chung cũng đang đi theo “vết xe đổ” của ruộng sâm anh Giai.

Nông dân tiếc đứt ruột vì sâm đang phát triển tốt, sắp tới giai đoạn thu hoạch bỗng lăn ra chết cả loạt. Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân tiếc đứt ruột vì sâm đang phát triển tốt, sắp tới giai đoạn thu hoạch bỗng lăn ra chết cả loạt. Ảnh: V.Đ.T.

“Cây sâm Bố Chính 12 tháng tuổi là đã đủ dinh dưỡng, có thể thu hoạch. Nhưng nếu để đến 16 tháng tuổi mới thu hoạch thì cây sâm có thêm thời gian tích tụ dinh dưỡng, lúc này củ sâm có chất lượng cao hơn.

Trồng sâm Bố Chính chăm sóc đúng quy trình, củ to củ nhỏ gì cũng có dược tính như nhau, nhưng nếu để qua 1 năm mới thu hoạch thì dược tính trong củ sẽ đạt hơn là củ thu hoạch non. Lúc ruộng sâm của tôi được 4 tháng tuổi, cây phát triển rất mạnh, bụi to, hoa ra dày, lòng tôi tràn trề hi vọng, nào ngờ bây giờ cả ruộng sâm đã chết rũ”, anh Nguyễn Ngọc Giai thở dài.

Đoán già đoán non nguyên nhân sâm chết

Theo anh Trần Minh Tâm, gần 2ha sâm Bố Chính của anh hiện còn khoảng 7 ngày nữa sẽ cho thu hoạch nhưng cũng có hiện tượng chết lá lác đác. Theo nhận định của anh Tâm, thời gian vừa qua trên địa bàn Bình Định nắng nóng cao độ, thỉnh thoảng lại có mưa rào nên cây sâm bị sốc nhiệt?

Ruộng sâm 2 sào của anh Tạ Văn Chung nằm cạnh ruộng sâm của anh Giai dù lá còn xanh, còn ra hoa những đã xuất hiện hiện tượng chết lá, nhiều khả năng sẽ bị 'xóa sổ' trong thời gian tới. Ảnh: V.Đ.T.

Ruộng sâm 2 sào của anh Tạ Văn Chung nằm cạnh ruộng sâm của anh Giai dù lá còn xanh, còn ra hoa những đã xuất hiện hiện tượng chết lá, nhiều khả năng sẽ bị "xóa sổ" trong thời gian tới. Ảnh: V.Đ.T.

“Ngoài nắng nóng, thời gian vừa qua lúa vụ hè thu ở Bình Định vào mùa thu hoạch, rầy xanh trên cây lúa không còn chỗ trú ngụ nên chuyển sang bám vào lá sâm Bố Chính, mặt dưới của lá sâm nhám nên rất thuận lợi để rầy xanh bám và gây hại.

Bên cạnh đó, cây sâm Bố Chính còn bị rệp sáp trắng tấn công. Nếu khi bước vào mùa nắng nóng cao độ mà người trồng không phun thuốc sinh học phòng trừ sớm, đến lúc vừa nắng nóng vừa bị rệp, vừa rầy gây hại thì khó cứu vãn. Bắt đầu vào mùa hanh khô, cần bơm thuốc ngừa là vừa, nếu cây sâm đã có hiện tượng chết lá thì phải bơm thuốc điều trị liên tục, cách 5 ngày phải bơm 1 lần mới mong cứu vãn?”, anh Trần Minh Tâm nhận định.

Anh Nguyễn Ngọc Giai, người có hơn 5 năm kinh nghiệm trồng rau VietGAP, là thành viên của nhóm Cùng sở thích trồng rau VietGAP ở phường Nhơn Hưng thì cho rằng, nguyên nhân khiến cây sâm Bố Chính khô lá, chết củ chủ yếu là do loài sâm này không chịu được nắng nóng cao độ, chứ nếu bị rầy hoặc rệp gây hại thì khi phát hiện phun thuốc trừ sẽ không đến nỗi cây sâm bị chết cả ruộng.

Cây sâm trong ruộng sâm của anh Tạ Văn Chung đang chết từng cụm. Ảnh: V.Đ.T.

Cây sâm trong ruộng sâm của anh Tạ Văn Chung đang chết từng cụm. Ảnh: V.Đ.T.

Theo anh Giai, cách đây khoảng 1 tháng, khi phát hiện ruộng sâm của mình mới bắt đầu có hiện tượng chết lá, anh đã tích cực phun thuốc sinh học trừ rầy, trừ rệp nhưng vẫn không khắc phục được. Sau khi lá khô, rụng hết thì củ sâm bên dưới cũng bị quắt lại, củ thối mềm ộp.

“Trong thời điểm nắng nóng cao độ, tôi không tưới buổi sáng nữa mà để đến chiều tối mới tưới nước đẫy ruộng. Thế nhưng sáng hôm sau nhìn ruộng sâm không thấy nước đâu, mà trên đất hơi nóng bốc lên hừng hực, nóng đến không thể đi chân trần vào ruộng sâm.

Thổ nhưỡng ở địa phương rất phù hợp với cây sâm Bố Chính, nếu thời tiết bình thường cây phát triển rất tốt. Nắng nóng cao độ, sâm trồng trong lưới râm không bị hiện tượng gì, nhưng diện tích trồng lớn quá thì không thể đầu tư lưới râm nên mới có hiện tượng sâm bị chết. Rút kinh nghiệm, nếu sâm Bố Chính trồng vào tháng 8 âm lịch hàng năm, để năm sau thu hoạch trước mùa nắng nóng là sẽ an toàn. Nếu muốn dưỡng củ sâm dài ngày để tích lũy dinh dưỡng, cây sâm đã lớn cũng sẽ hạn chế được ảnh hưởng của nắng nóng?”, anh Giai đoán.

Bộ rễ của cây sâm Bố Chính trong ruộng sâm anh Tạ Văn Chung đã có hiện tượng chết khô. Ảnh: V.Đ.T.

Bộ rễ của cây sâm Bố Chính trong ruộng sâm anh Tạ Văn Chung đã có hiện tượng chết khô. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi trồng 4 sào sâm Bố Chính, khoản đầu tư chăm sóc của anh Giai vào ruộng sâm không nhỏ. Theo tính toán của anh, mỗi tháng 1 sào sâm phải tốn từ 10-12 công nhổ cỏ, công lao động nông thôn bây giờ là 250.000đ/công. Cách 5 ngày phải tưới nước 1 lần, 1 tháng phải bơm nước tới 6 lần, rồi chi phí thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh cũng rất tốn kém do sâm Bố Chính là sản phẩm dược liệu nên không được phép đụng đến phân bón và thuốc BVTV hóa học, chỉ dùng sản phẩm sinh học.

Về hiện tượng cây sâm Bố Chính bị chết lá, thối củ xảy ra ở thị xã An Nhơn, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định cho biết, Chi cục sẽ sớm cử cán bộ đi thực địa, nắm bắt tình hình thực tế để xác định nguyên nhân nhằm hướng dẫn cho nông dân cách khắc phục.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.