| Hotline: 0983.970.780

Săn "kèng on" vùng cao

Thứ Năm 13/06/2013 , 10:48 (GMT+7)

Mới 7 giờ tối, ngoài ruộng rộn vang bản đồng ca ộp ộp, oạp oạp như thúc giục lũ trẻ và ánh đèn pin đã nhấp nháy khắp nơi gọi nhau đi bắt "kèng on" (tiếng dân tộc Dao gọi ếch là kèng on).

Sau cơn mưa rào, những tràn ruộng bậc thang thôn Láo Vàng Chải, xã Tòng Sành (Bát Xát, Lào Cai) đã xâm xấp nước. Mới 7 giờ tối, ngoài ruộng rộn vang bản đồng ca ộp ộp, oạp oạp như thúc giục lũ trẻ và ánh đèn pin đã nhấp nháy khắp nơi gọi nhau đi bắt kèng on (tiếng dân tộc Dao gọi ếch là kèng on).

Kỹ nghệ

Ở Lào Cai bước vào đầu mùa mưa cũng là mùa đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì ở những bản làng vùng cao bắt đầu làm ruộng bậc thang cấy lúa.

Mưa xuống làm khe suối đầy nước chảy róc rách. Những tràn ruộng bậc thang vẫn còn gốc rạ của mùa lúa trước sau thời gian đất đai được nghỉ giờ cỏ đã mọc lấm chấm xanh. Người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tất bật ra ruộng, tháo nước vào đầy ruộng, vạc bờ cho sạch sẽ, đắp bờ mới và cày bừa cho đất nhuyễn ra. Mùa đổ nước làm ruộng bậc thang cũng là mùa lũ trẻ người Dao đỏ ở xã Tòng Sành (Bát Xát) háo hức chờ đợi.

Sau những ngày oi bức, trời chuyển mưa rào làm bầu trời dịu mát hẳn. Loài ếch vào mùa giao phối nên ban đêm chui ra khỏi hang tìm nhau. Tiếng ếch đực gọi bạn tình vang rộn khắp các tràn ruộng bậc thang, cách xa nửa cây số còn nghe thấy. Lũ trẻ chỉ chờ điều đó để rủ nhau soi đèn ra ruộng bắt những cặp kèng on béo mập cho vào giỏ.


Ếch được lũ trẻ bày bán trên đường lên Sa Pa

Đám ruộng bậc thang này cách nhà Lý Láo Tả xa nên cậu phải đi bộ mất gần một tiếng đồng hồ mới tới. Dù chẳng hẹn nhau, nhưng lúc này mấy đứa bạn cùng thôn cũng đã có mặt ra tín hiệu bằng đèn pin nhấp nháy khắp các góc ruộng từ chân suối lên tận đỉnh đồi, bắt đầu dõi theo âm thanh ộp oạp trong đêm ếch hội.

Những năm trước, mùa nước đổ Lý Láo Tả thường lẽo đẽo xách giỏ theo các anh trong thôn đi soi ếch thâu đêm. Còn năm nay, lớn hơn một chút, cũng học được cách bắt ếch rồi nên Láo Tả tự đi một mình.

Soi ếch tưởng đơn giản nhưng chẳng dễ chút nào. Lũ ếch đực nằm một chỗ dưới chân rạ ngập nước hoặc trên bờ ruộng, phồng cổ lên kêu gọi ếch cái về. Chúng rất tinh nên chỉ nghe thấy tiếng động lạ hoặc có ánh sáng là ngụp đầu xuống nước hoặc nhảy tùm xuống ruộng lặn mất tích. Mỗi tràn ruộng bậc thang cách nhau cao đến 1 m, nên không thể nhảy từ ruộng này xuống ruộng kia mà vồ ếch được.

Những lần đi soi ếch, Tả được mấy người thợ săn giỏi dạy cho cách nghe tiếng ếch kêu. Tiếng kêu nhanh mà dài là ếch nhỏ, còn tiếng kêu ngắn, đứt quãng đích thị là ếch kềnh.

Muốn bắt được ếch phải dỏng tai lên lắng nghe xem tiếng kêu phát ra từ đâu, rồi nhẹ nhàng tới gần. Áng chừng khoảng cách đã đủ, thì bật đèn pin rọi thẳng vào mắt chúng. Gặp ánh sáng mạnh, lũ ếch chói mắt nằm im, phải thật nhanh chân chạy đến chộp gọn cho vào giỏ. Da ếch rất trơn, nếu túm không chặt chúng tuột ra ngoài nhảy xuống ruộng là coi như mất công.

Ban đêm, khi soi đèn pin vào, mắt ếch thường có màu đỏ, còn mắt cóc, nhái có màu trắng, mắt rắn thì màu đen. Biết thế, nhưng soi mãi nhiều lúc vẫn bị nhầm. Lớn lên trên vùng ruộng bậc thang Láo Vàng Chải này, năm ngoái, Tả mới tận mắt nhìn thấy một anh trong thôn bắt được con “ếch cụ” to hơn chiếc dép người lớn, nặng tới gần 2 cân. Nhưng bắt được kèng on to như thế thì hiếm lắm!

Sau hơn một tiếng bì bõm lội khắp các tràn ruộng, quần áo, mặt mũi dính đầy bùn đất, Láo Tả đã túm được chục chú ếch béo mập. Đêm nay, Tả may mắn hơn đêm trước vì gặp mấy cặp ếch đang “mải mê ân ái”. Khi bị túm vào giỏ chúng mới cố giãy giụa thì đã muộn…

Nghỉ một chút cho đỡ mệt, xốc lại giỏ ếch, Tả hít căng lồng ngực làn gió mát rượi thổi về râm ran da thịt. Mùi đất ngai ngái, mùi rạ, cả mùi tanh tanh của ếch nhái quyện vào nhau tạo nên một thứ mùi vị quen thuộc từ đồng ruộng quê hương.

Nhìn ra xung quanh, ánh đèn pin của đám trẻ đi soi ếch đêm vẫn loang loáng mặt ruộng. Tiếng ếch nhái ộp oạp, tiếng côn trùng giun dế kêu rỉ rả khắp nơi tạo thành bản hợp xướng nghe thật vui tai.

Buổi săn kèng on kéo dài đến khoảng 10 giờ đêm. Tiếng ộp oạp cũng thưa dần, rừng núi yên tĩnh đi vào giấc ngủ. Khi đó, lũ trẻ cũng í ới gọi nhau về. Chân đứa nào cũng mỏi nhừ, quần áo, đầu tóc ướt sũng vì dầm trong mưa hoặc trượt chân ngã xuống ruộng, nhưng cũng như Tả, chúng rất vui khoe với nhau những giỏ ếch đầy.

Đổi kèng on lấy gạo, quần áo

Sáng hôm sau, Lý Láo Tả đã kịp dậy thật sớm, bắt từng chú ếch trong giỏ ra, buộc vào thành một xâu dài. Em chọn để lại vài con nhỏ hơn cho bữa ăn trưa của cả nhà, rồi xách cả xâu ếch sang chân dốc Trung Chải đường lên thị trấn Sa Pa. Đoạn dốc này là điểm tập kết “chiến lợi phẩm” sau một đêm săn kèng on của lũ trẻ thôn Láo Vàng Chải, xã Tòng Sành.


Thành quả của Lý Láo Tả sau một đêm đi bắt kèng on

Ngồi trên dải hộ lan đường, tay cầm cái que treo lủng lẳng xâu ếch đang giẫy giụa, ánh mắt lũ trẻ không ngừng hướng về từng đoàn khách du lịch ngược xuôi trên Quốc lộ 4D. Sợ lũ ếch lên cạn nhanh khô da sẽ chết nên lũ trẻ đã mang sẵn theo chai nước suối, thi thoảng lại tưới vào xâu ếch một ít nước để giữ ẩm cho chúng.

Ếch bắt ruộng bậc thang là ếch sống trong tự nhiên, thịt rất thơm ngon nên là món ăn đặc sản được nhiều du khách tìm mua. Mỗi cân ếch như vậy, lũ trẻ có thể bán được 70.000 -100.000đ. Xâu ếch có nhiều con to hoặc gặp khách sộp thì còn bán được giá cao hơn nữa.

Thường ếch chỉ mang ra khoảng nửa tiếng đồng hồ là khách đã tranh nhau mua hết veo rồi. Cùng đám bạn trong thôn ngồi bán ếch bên đường, Lý Láo Tả chia sẻ: Dưới vùng ruộng thấp, mấy năm nay người ta phun thuốc diệt coỏ cho lúa nên không chỉ ếch mà nhiều loại cua, cá, lươn, chạch đều chết hết. Ở ruộng bậc thang vùng cao như thôn Láo Vàng Chải, người dân ít dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu nên ếch nhái còn nhiều.

Nhưng giá ếch càng ngày càng đắt, vào mùa nước đổ người ta rủ nhau đi bắt nhiều nên ếch to không còn mấy nữa. Phải leo lên những đám ruộng bậc thang ở thật cao thì mới bắt được đầy giỏ. Soi ếch vất vả lắm, có lúc cháu bị đỉa, bị vắt cắn chảy máu chân, còn gặp cả rắn hổ mang đấy! Đêm nào bắt được nhiều thì hơn 2 cân. Có đêm đi mất công thôi…

- Ếch ngon như vậy sao cháu không để ăn mà lại mang đi bán thế?

- Chỉ để mấy con nhỏ ở nhà ăn thôi. Bán ếch lấy tiền mua gạo, mua quần áo mặc mà…

- Thế các cháu học lớp mấy rồi?

- Học hết lớp 9 rồi ở nhà đi làm thôi… Chảo Láo San, cậu bé có bộ quần áo vẫn dính đầy bùn, người gầy nhẳng, nước da đen nhẻm trả lời.

- Thế các cháu có muốn đi học nữa không?

Lũ trẻ lặng im.

Một đoàn khách từ Sa Pa xuôi về TP Lào Cai dừng xe ở chân dốc. Sau một hồi mặc cả, vị khách rút ví trả tiền. Lý Láo Tả đưa xâu ếch cho người khách rồi nhìn chiếc ô tô bóng loáng nổ máy vụt đi. Mấy đứa trẻ cùng nhìn lên góc trời nơi những đám mây nặng trĩu như đang chực đổ ào nước xuống. Chỉ mấy tuần nữa khi cày cấy xong là hết mùa đi bắt kèng on…

Trò chuyện thêm với lũ trẻ người Dao thôn Láo Vàng Chải bán ếch trên đường lên Sa Pa mới biết hầu hết chúng đều là con nhà nghèo, hoàn cảnh sống rất khó khăn. Mỗi xâu ếch là thành quả của một đêm lặn lội trên khắp các tràn ruộng bậc thang bán được khoản tiền nhỏ trang trải cho cuộc sống gia đình. Bắt ếch từ trò chơi của tuổi thơ giờ trở thành một “nghề” mưu sinh nhọc nhằn của lũ trẻ nơi đây mỗi mùa nước đổ.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm