| Hotline: 0983.970.780

'Săn lộc rừng' mùa ươi bay

Thứ Năm 05/08/2021 , 06:55 (GMT+7)

Mỗi mùa ươi đến, người Quảng Nam lại nô nức kéo nhau lên những cánh rừng già để thu lượm quả. Với bán cao, mỗi ngày họ có thể thu nhập đến vài triệu đồng.

Mùa này, những cây ươi ở miền núi Quảng Nam quả đã chín đỏ rực. Ảnh: L.K.

Mùa này, những cây ươi ở miền núi Quảng Nam quả đã chín đỏ rực. Ảnh: L.K.

Nhộn nhịp mùa ươi bay

Đã qua 7 năm, các huyện miền núi Nam Giang, Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) lại được chứng kiến cây ươi được mùa như năm nay. Chẳng thế mà, ngay từ đầu vụ, khắp các cánh rừng nguyên sinh lại nhộn nhịp hẳn khi người dân các nơi đổ xô về để thu lượm quả được xem là “lộc rừng” này để bán kiếm tiền.

Thông thường, quả ươi khi chín sẽ nhờ những cơn gió để lìa cành. Trên mỗi hạt rơi xuống đều dính chặt với một chiếc lá tỏa bay khắp nơi để duy trì nòi giống. Chính điểm đặc biệt đó nên loại quả này còn được gọi là quả ươi bay. Nhiều năm trước đây, mỗi độ hè về, không khó để bắt gặp những cây ươi cao vút, quả chín đỏ cả một khoảnh rừng.

Khi đó, người dân chưa biết đến giá trị của quả ươi nên mỗi khi bắt gặp, họ chỉ lấy một ít quả bỏ vào bầu nước uống giải khát. Cũng có vài người đưa về gác bếp dùng dần. Thế nhưng, khi thấy những người dưới xuôi lên mua để làm thuốc, nước thanh nhiệt với giá rất cao thì những cánh rừng ươi bắt đầu bị “chảy máu”.

Người dân đổ xô lên rừng, luồn lách qua các bụi rậm để thu lượm quả ươi. Ảnh: L.K.

Người dân đổ xô lên rừng, luồn lách qua các bụi rậm để thu lượm quả ươi. Ảnh: L.K.

Để lấy được nhiều, một số người dân không còn kiên nhẫn ngồi dưới gốc cây để chờ ươi rơi xuống thu lượm như trước. Thay vào đó, họ mang cả các loại máy móc cơ khí để cưa hạ cả cây rồi chỉ lấy quả tươi đem phơi khô. Đỉnh điểm vào năm 2014, vấn nạn chặt hạ để tận thu ươi tươi xảy ra tràn lan ở các huyện miền núi của tỉnh này. Để bây giờ, những cánh rừng ươi cứ thế mất dần, chỉ còn lác đác ở vài nơi.

Cũng chính nguyên nhân này mà từ thời điểm đó đến nay, cây ươi mới cho hạt thay vì chu kỳ 4 năm như trước. Dù được mùa, nhưng để tìm được những cây ươi đã không còn dễ dàng. Người dân muốn thu lượm phải đi bộ hàng giờ đồng hồ, vượt qua những con dốc cao, dây rừng chằng chịt mới đến được những gốc cây ươi. Đến đây, họ lại tiếp tục ngồi chờ những cơn gió lay hạt ươi rơi xuống và chia nhau đi lượm.

Trời trưa đứng bóng, cách 1 gốc cây ươi không xa, hai vợ chồng anh Nguyễn Tình (trú thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn), tranh thủ ngồi nghỉ rồi dở đùm cơm nắm được chuẩn bị từ sáng sớm ra ăn tạm. Người đàn ông trạc tuổi 30 này cho biết, những ngày này, thấy người dân đổ xô đi lượm ươi nên 2 vợ chồng anh cũng tranh thủ vào cánh rừng ở xã Phước Xuân (huyện Phước Sơn) này xem thử thế nào.

Quả ươi sau khi chín sẽ bám chặt vào một ngọn lá, mỗi khi gió thổi lại tỏa bay đi khắp nơi. Ảnh: L.K.

Quả ươi sau khi chín sẽ bám chặt vào một ngọn lá, mỗi khi gió thổi lại tỏa bay đi khắp nơi. Ảnh: L.K.

Chuẩn bị đầy đủ cơm nước, bắt đầu từ 6h sáng, vợ chồng Tình chạy xe máy ngược lên xã Phước Xuân gửi xe rồi đi bộ hơn 1 giờ mới đến được khu vực có cây ươi. Sau gần 2 tiếng gian nan luồn qua những bụi rậm, có những nơi chi chít những gai mây, đôi vợ chồng cũng thu được thành quả là gần 1kg quả ươi khô. Giờ đây, họ tranh thủ ăn cơm nghỉ trưa để tiếp tục công việc.

“Đi lượm quả ươi này cũng vất vả chứ không phải dễ dàng, có những cơn gió lớn đưa quả ươi bay xa nên phải đi một quãng dài mới lấy được. Trong khi đó, ươi lại rơi xuống đất ở mỗi nơi một ít chứ không tập trung. Dù vậy, thành quả thu lại cũng xứng đáng với công sức bỏ ra. 1 ngày đi lượm ươi cũng gấp mấy lần ngày công lao động”, anh Tình chia sẻ.

Hiện nay, giá bán ươi rừng khô được thương lái thu mua sau khi ra khỏi rừng xấp xỉ 210.000 đồng/kg. Nếu tích cực và gặp may mắn thì mỗi ngày 1 người cũng lượm được vài kg. Thế nên, rất nhiều gia đình tất cả các thành viên đều bỏ hết công việc để đi làm công việc này. Bởi với họ, “lộc rừng” không phải khi nào cũng có được.

Chung sức giữ rừng ươi

Theo chân anh Hồ Văn Hạ, cán bộ xã Phước Xuân vào sâu trong cánh rừng già, chốc chốc chúng tôi lại thấy một vài cuống lá ươi nằm dọc đường. Đó là dấu vết của những người dân đi trước đã lấy hạt rồi bỏ lại. Anh Hạ cho biết, đã hơn 1 tháng qua, cánh rừng này hầu như ngày nào cũng có hàng chục người tìm đến để lấy hạt ươi. Có những người đi từ sáng sớm cho đến tối mịt mới trở về nhà.

Đi được một đoạn, chúng tôi bắt gặp anh A Lăng Trường (trú thôn Lao Đu, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn) đang ngồi nghỉ chân dưới một gốc cây lớn vừa một người ôm, trên mặt nhễ nhại mồ hôi. Đưa vạt áo ướt sũng lên lau qua, anh Trường tâm sự, hơn nửa tháng qua, ngày nào 5 người trong gia đình anh cũng lên rừng để lượm quả ươi.

Người dân thường đi thu lượm quả ươi từ sáng sớm đến chiều tối. Mỗi ngày 1 người cũng có thể nhặt được vài kg. Ảnh: L.K.

Người dân thường đi thu lượm quả ươi từ sáng sớm đến chiều tối. Mỗi ngày 1 người cũng có thể nhặt được vài kg. Ảnh: L.K.

“Ngày nào gặp nhiều thì cả nhà cũng thu được gần 10kg, bán được tầm hơn 2 triệu, ngày ít thì khoảng 3kg. Mùa này cũng không có việc gì làm, chỉ biết đi nhặt loại quả này thôi. Chịu khó đi thì cũng có khoản thu nhập đáng kể, một mùa cũng kiếm được vài chục triệu, bằng cả mùa rẫy rồi”, anh Trường chia sẻ.

Bất chợt một cơn gió vừa ngang qua, khu rừng đang yên ắng lại vang lên những tiếng í ới của những người đi hái ươi. Anh Trường cũng nhanh chóng đứng dậy, ngước mặt lên nhìn theo hướng gió để chạy theo những hạt ươi bay đang hạ dần về phía xa. Công việc lại tiếp tục.

Đến mùa ươi bay, trong những cánh rừng ở miền núi Quảng Nam ngoài những người dân đi thu lượm thì không thể thiếu những cán bộ địa phương, nhân viên hạt kiểm lâm. Họ đến để giữ lại những cây ươi còn sót lại, ngăn chặn nạn chặt phá, tận diệt loại cây này.

Tại những cửa rừng, lực lượng chức năng lập các chốt chặn không cho bà con đem các dụng cụ như cưa máy, rìu vào rừng. Đồng thời, tuyên truyền người dân lấy ươi bằng hình thức thu lượm, không tác động đến cây. Các hộ, cá nhân muốn lượm ươi đều đăng ký với chính quyền địa phương, khi đi qua chốt để vào rừng thì trình “giấy thông hành”.

Quả ươi được thu mua với giá cao, xấp xỉ 210.000 đồng/kg khi ra khỏi rừng nên mỗi ngày một gia đình có thể kiếm tiền triệu. Ảnh: L.K.

Quả ươi được thu mua với giá cao, xấp xỉ 210.000 đồng/kg khi ra khỏi rừng nên mỗi ngày một gia đình có thể kiếm tiền triệu. Ảnh: L.K.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, từ đầu tháng 6, khi cây ươi bắt đầu chín, chính quyền địa đã tăng cường gặp gỡ, phổ biến cách thức khai thác bền vững, bảo vệ cây ươi. Huyện cũng thành lập 3 tổ công tác, có sự tham gia của Ban quản lý rừng, kiểm lâm, Công an huyện và chính quyền các xã nhằm tăng cường quản lý, giám sát việc khai thác cây ươi ở các địa bàn.

“Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho người dân thu lượm ươi, nhưng tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không trèo lên cây cao để rung lắc cho ươi rụng rất nguy hiểm đến sinh mạng, không chặt nhánh, cành ươi để lấy hạt”, ông Lê Quang Trung nói.

Mặc dù đã được khuyến cáo liên tục, nhưng vừa qua, trên địa bàn huyện Phước Sơn xảy ra 2 vụ tai nạn làm chết 2 người trong lúc đi thu hái ươi. Những nạn xấu số này đều gặp chung trường hợp là treo lên cây cao để rung lắc cho hạt ươi rơi xuống nhưng không may trượt chân ngã. Dù được phát hiện và đưa đi cấp cứu nhưng không thể qua khỏi.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2015

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…