| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm khoa học gây dựng niềm tin trong lòng nông dân

Thứ Hai 08/04/2024 , 06:28 (GMT+7)

Các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đánh giá các sản phẩm khoa học công nghệ của ASISOV nghiên cứu đã tạo được niềm tin trong nông dân.

Nghe ngóng phản hồi của nông dân

Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) vừa tổ chức hội nghị tham quan, đánh giá các tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất. Hội nghị là dịp để các nhà khoa học nghe ngóng những phản hồi của nông dân, nhà quản lý ngành nông nghiệp các cấp về những nghiên cứu của Viện trong những năm qua có phù hợp với yêu cầu của thực tiễn sản xuất hay không.

Theo Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng làm khó cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với nông dân trong khu vực Nam Trung bộ - vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của nắng mưa thất thường, thường xuyên bị hạn hán uy hiếp. Do đó thời gian qua, ASISOV đã nghiên cứu, chọn tạo ra những giống lúa có tiềm năng năng suất và chất lượng cao, đặc biệt là chống chịu tốt trước sự khắc nghiệt của khí hậu.

Đại biểu tham dự hội nghị tham quan mô hình dưa lưới của ASISOV. Ảnh: V.Đ.T.

Đại biểu tham dự hội nghị tham quan mô hình dưa lưới của ASISOV. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu chuyển đối cơ cấu cây trồng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu của các địa phương trong khu vực, ASISOV còn nghiên cứu, chọn tạo ra những giống đậu phộng (lạc), ớt, các giống rau, quả vừa để thay thế những giống cũ đã thoái hóa, thường bị nhiễm sâu bệnh, cho năng suất thấp, vừa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và giảm lệ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu, nhất là các giống rau, quả.

Tại hội nghị, các đại biểu là nhà quản lý ngành nông nghiệp các cấp ở Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai; lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã thẳng thắn nhận xét về những giống cây trồng mà ASISOV đã nghiên cứu, chọn tạo và đã đưa vào sản xuất trong những năm qua. Hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao những sản phẩm mà các nhà khoa học của ASISOV đã nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế.

Về lúa có các giống BĐR57, BĐR36, BĐR79, BĐR97, ANS1 và BĐR999; về đậu phộng có giống LDH.09, LDH.01, LDH.07; về mè (vừng) có giống HLVĐ.78, BĐ.01; dưa lưới có giống F1 Hoàng Ngân; mướp đắng có giống F1 Hà Thanh 1 và Hà Thanh 2; bí đỏ có giống F1 có Phương Mai 77 và Dương Long 77; dưa chuột thơm F1 có giống Thiên Hương 1... Đặc biệt, ASISOV còn nghiên cứu được quy trình nhân giống hành tím, vừa giúp nông dân giảm gần 50% chi phí về giống, vừa cho năng suất tăng từ 25 - 50% so với phương thức trồng giống hành củ trước đây.

Theo ông Phạm Bá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Ngãi, để ứng phó với biến đổi khí hậu, Quảng Ngãi đã chuyển đổi nhiều diện tích lúa bấp bênh sang sản xuất đậu phộng hoặc mè (vừng). Trong thời gian qua, ASISOV đã xây dựng tại Quảng Ngãi nhiều mô hình đậu phộng với giống do Viện chọn tạo cho năng suất rất cao, hàm lượng dầu nhiều.

“Về giống mè do Viện chọn tạo, đề nghị Viện phối hợp với địa phương xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi những chân ruộng 1 vụ lúa/năm sang sản xuất 1 vụ lúa đông xuân và sản xuất cây mè vụ hè thu. Có như vậy, tôi tin chắc sản phẩm khoa học của Viện sẽ đi vào thực tế sản xuất thật sự hiệu quả”, ông Phạm Bá chia sẻ.

Mô hình sản xuất đậu phộng LDH.09 tại xã Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Mô hình sản xuất đậu phộng LDH.09 tại xã Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (Bình Định) thì đánh giá cao giống dưa Hoàng Ngân của ASISOV sản xuất trên địa bàn huyện cho sản phẩm vừa giòn vừa ngọt, vỏ màu vàng rất bắt mắt. Bà Phượng kỳ vọng ASISOV giúp cho Hoài Ân kỹ thuật trồng dưa lưới ngoài trời cho hiệu quả cao, bởi trồng dưa lưới trong nhà màng có mức đầu tư lớn, vượt quá khả năng của nông dân khi đưa ra sản xuất đại trà.

Đặt niềm tin vào các nhà khoa học

Theo ông Lê Sĩ Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê (Gia Lai), trên địa bàn huyện này mỗi năm có khoảng gần 500ha đất canh tác thường xuyên bị hạn do chưa có hệ thống thủy lợi nên phải chuyển đổi. Những năm qua, ASISOV đưa về Chư Sê 2 giống lúa ANS1 và BĐR57 đã khẳng định hiệu quả. Về tham dự hội nghị, ông Quý đi thăm mô hình sản xuất các giống đậu phộng và đậu xanh do ASISOV chọn tạo, hiệu quả của các giống này đã thuyết phục ông. Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê sẽ tham mưu cho huyện đưa vào sử dụng những giống này trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Còn ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Cơ (Gia Lai) chia sẻ: Thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của Đức Cơ là cây công nghiệp dài ngày, trong đó có cây điều với diện tích hơn 26.000ha. Cây điều ở Đức Cơ do người dân tự nhân giống nên năng suất cho rất thấp, bình quân chưa đến 1 tấn/ha.

Tham quan mô hình mướp đắng F1 Hà Thanh 1 của ASISOV. Ảnh: V.Đ.T.

Tham quan mô hình mướp đắng F1 Hà Thanh 1 của ASISOV. Ảnh: V.Đ.T.

“Được biết ASISOV có chọn tạo giống điều ĐDH 102-293, ngành chức năng địa phương đã mời ASISOV lên giúp cho Đức Cơ cơ cấu lại ngành điều. Hiện nay huyện Đức Cơ đã có đề án cải tạo, nâng cao năng suất cây điều. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thay thế giống mới cho các vườn điều và áp dụng quy trình chăm sóc của ASISOV để cây điều hướng đến mức năng suất đạt 1,5 - 2 tấn/ha”, Nguyễn Quốc Tư kỳ vọng.

Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa (Gia Lai) thì thao thiết mong ASISOV nghiên cứu giống mì (sắn) kháng bệnh khảm lá để hơn 26.000ha mì ở đây thoát nỗi ám ảnh bởi bệnh này. “Toàn bộ diện tích mì ở Krông Pa đều bị bệnh khảm lá, chúng tôi mong ASISOV nghiên cứu, chọn tạo được giống mì kháng khảm để Krông Pa khôi phục năng suất cho cây mì. Hiện giống mì kháng khảm ở Việt Nam rất hiếm, giá lại cao, nông dân rất cần nhưng không có nguồn để mua”, ông Võ Ngọc Châu chia sẻ.

Ông Lê Hoài Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định cho rằng, tỉnh này may mắn có ASISOV đứng chân trên địa bàn, nhờ đó nông dân được tiếp cận sớm các giống cây trồng mới. Hiện nay, nông dân Bình Định rất chuộng giống lúa chế biến BĐR999 do Viện chọn tạo, đặc biệt giống này có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Bên cạnh đó, giống lúa chất lượng do ASISOV chọn tạo cũng được nông dân Bình Định đánh giá rất cao là ANS1.

“Bình Định là tỉnh có diện tích trồng đậu phộng khá lớn, khoảng 11.000ha/năm, quy hoạch tăng đến 15.000ha vào năm 2025. Hiện ASISOV đang có giống đậu phộng ăn tươi LDH.09, mở ra xu hướng mới trong sản xuất đậu phộng tại địa phương. Sở NN-PTNT Bình Định cũng thường xuyên đặt hàng ASISOV thực hiện một số đề tài khoa học, trong đó có đề tài nhân nhanh giống mì kháng khảm để thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất trồng mía kém hiệu quả.

Tỉnh Bình Định có chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, từ nguồn kinh phí này, ngành nông nghiệp đặt hàng ASISOV nghiên cứu đề tài xác định cơ cấu mùa vụ, cây trồng phù hợp để thực hiện chuyển đổi”, ông Lê Hoài Lam cho hay.

Giống đậu phộng ăn tươi LDH.09 mở ra xu hướng mới trong sản xuất đậu phộng tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Giống đậu phộng ăn tươi LDH.09 mở ra xu hướng mới trong sản xuất đậu phộng tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Tham dự hội nghị, GS.TS Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đánh giá cao và chúc mừng kết quả hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, kết quả nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm tiến bộ kỹ thuật của ASISOV trong thời gian qua.

“ASISOV đứng chân trên địa bàn tỉnh Bình Định là 1 trong 19 đơn vị thành viên của VAAS, tất cả công trình nghiên cứu khoa học của VAAS sẽ được chuyển giao cho Bình Định thông qua ASISOV. Những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp không chỉ có ASISOV giải quyết, mà cả VAAS cũng đồng hành để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của vùng Duyên hải Nam Trung bộ”, GS.TS Phạm Văn Toản khẳng định.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.