| Hotline: 0983.970.780

Giống và canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu

'Hái tiền' nhờ thâm canh xoài trên đất cát

Thứ Năm 04/04/2024 , 10:21 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Nắng hạn ngày càng khắc nghiệt, tuy nhiên nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh, nhất là tưới nhỏ giọt nên cây xoài tại Bình Định vẫn giúp nông dân hái ra tiền.

Xoài, cây “đẻ” ra tiền

Mặc dù điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Bình Định khá khắc nghiệt, thế nhưng những năm gần đây, cây xoài cho thu nhập rất ổn định nhờ nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật trồng và thâm canh cây xoài do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) nghiên cứu và được Sở NN-PTNT Bình Định công nhận vào năm 2018.

TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV (trái) thăm mô hÌnh thâm canh xoài cát tại xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV (trái) thăm mô hÌnh thâm canh xoài cát tại xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Thực hiện đề án của Bộ NN-PTNT về phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định tổ chức triển khai đề án phù hợp, phát huy lợi thế địa phương trong việc đầu tư phát triển cây ăn quả chủ lực. Theo đó, ngành chức năng Bình Định xác định cây ăn quả chủ lực phù hợp với thực tế địa phương là bưởi, xoài, dừa xiêm. Riêng cây xoài, đến năm 2023 trên địa bàn Bình Định đã có hơn 1.200ha, tập trung tại các huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng xoài ở Bình Định sẽ tăng đến 1.500ha.

Xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) là địa phương được mệnh danh là “thủ phủ xoài cát” của tỉnh Bình Định với diện tích trồng xoài tập trung 130ha, đều đã đến thời kỳ kinh doanh.

Bài liên quan

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh cho biết, địa phương phát triển cây xoài cát đầu tiên ở xã Cát Hanh là thôn Tân Hóa Nam. Cây xoài cát Hòa Lộc phù hợp với đất cát nên mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con thấy vậy đã phá hết những diện tích trồng dừa kém hiệu quả trước đây để mở rộng diện tích trồng xoài. Cây xoài nhanh chóng phủ kín những diện tích đất vườn trên địa bàn toàn xã. Trong số 130ha xoài của xã, có 80ha đã được gắn nhãn hiệu “Xoài Cát Phù Cát”.

Ông Nguyễn Ngọc (sinh năm 1955) ở thôn Tân Hóa Nam (xã Cát Hanh) đang sở hữu 800 gốc xoài cát trồng trên diện tích 4ha, trong đó có hơn 300 gốc đã được gần 25 năm tuổi và gần 500 gốc được hơn 15 năm tuổi. Với 800 gốc xoài cát cao niên, mỗi năm ước tính ông Ngọc thu hoạch trên 40 tấn quả. Năm được giá, mỗi năm ông có thu nhập khoảng 500 - 600 triệu đồng. Trừ các loại chi phí từ thuê công tỉa cành, phân bón, bơm thuốc BVTV mất khoảng 100 triệu đồng, ông Ngọc còn lãi ròng được 400 - 500 triệu đồng/năm.

Áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo mini-pan và bón phân qua hệ thống tưới, cây xoài cho năng suất tăng từ 21 - 28% và giảm từ 53 - 55% lượng nước tưới. Ảnh: V.Đ.T.

Áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo mini-pan và bón phân qua hệ thống tưới, cây xoài cho năng suất tăng từ 21 - 28% và giảm từ 53 - 55% lượng nước tưới. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Ông Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1958) cũng ở thôn Tân Hóa Nam đang sở hữu 170 cây xoài đã hơn 20 năm tuổi và 180 cây hơn 10 năm tuổi, hàng năm ông cũng rủng rỉnh trong túi hàng trăm triệu đồng nhờ vườn xoài.

Theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, địa phương này xác định xoài là một trong 2 cây ăn quả chủ lực để đầu tư phát triển theo hướng hàng hóa. Do vậy, những năm qua, ngành nông nghiệp Phù Cát phối hợp với các địa phương đã rà soát diện tích sản xuất cây xoài, lập quy hoạch và định hướng người dân đầu tư thâm canh, phát triển đồng bộ theo quy trình canh tác để đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng.

Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Phù Cát đăng ký sản xuất thêm 110ha xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung ở các xã Cát Hanh, Cát Hiệp và Cát Lâm, riêng trong năm 2023 đã trồng khoảng 60ha, đồng thời đề xuất hướng dẫn cấp mã số vùng trồng cho 25ha.

Nước quan trọng hàng đầu với cây xoài

Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV, xoài là loài cây có thể trồng được trên nhiều chân đất khác nhau, thích hợp nhất là đất phù sa ven sông giàu dinh dưỡng, có tầng canh tác dày, thoát nước tốt. Tại Bình Định, xoài cát Hòa Lộc phát triển tốt trên đất cát, đất cát pha thoát nước tốt, có độ pH từ 5,5 - 7. Xoài tại Bình Định cũng như vùng Nam Trung bộ có thể trồng quanh năm trong điều kiện chủ động nước tưới.

“Cây xoài sống rất “thọ”, ưa sáng và ra hoa ở đầu cành nên không nên trồng quá dày, mật độ 278 cây/ha là vừa, nếu thâm canh cao có thể trồng 333 cây/ha. Tuy nhiên, phải có biện pháp cắt tỉa ngay từ giai đoạn kiến thiết cơ bản để cây nhận được ánh sáng tốt nhất mới cho năng suất cao”, TS Cường chia sẻ.

Nông dân Nguyễn Ngọc, người đang sở hữu 800 gốc xoài cổ thụ ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) chia sẻ: Theo quy trình trồng và thâm canh xoài của ASISOV mà Sở NN-PTNT Bình Định đã ban hành, cây xoài trong thời kỳ kiến thiết cơ bản chưa cho trái nên cần phải tưới nuớc đủ ẩm thường xuyên, đặc biệt là trong mùa khô để giúp cây phát triển nhanh, nhanh cho trái.

“Đến thời kỳ kinh doanh phải tưới nước đầy đủ sau khi thu hoạch để kích thích cây ra đọt non tập trung. Giai đoạn kích thích ra hoa cần phải giảm nước tưới để giúp cây ra hoa tốt. Sau khi đậu trái nên tưới nước đủ ẩm để giúp trái phát triển nhanh. Chung quy là phải chủ động được nước tưới, đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong việc thâm canh cây xoài”, ông Ngọc cho hay.

Ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) mỗi năm kiếm cả trăm triệu đồng từ 350 cây xoài cổ thụ. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) mỗi năm kiếm cả trăm triệu đồng từ 350 cây xoài cổ thụ. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Văn Dũng, lão nông gắn đời với cây xoài hàng chục năm nay, người cũng rất tuân thủ quy trình thâm canh xoài của ASISOV thì cho rằng tạo tán, tỉa cành là 2 biện pháp cơ bản giúp cho cây xoài đạt năng suất cao. Việc tạo tán cho cây cần được thực hiện ngay từ những năm đầu sau khi trồng để giúp cây có tán cân đối, dễ chăm sóc và thu hoạch sau này.

Cũng theo ông Dũng, tỉa cành cần thực hiện vào mùa khô để thuận lợi cho sự sinh trưởng và ra đọt non, nếu tỉa vào mùa mưa cành dễ bị nấm bệnh tấn công qua vết cắt và đọt non. Đối với những cây xoài quá già, có thể làm trẻ hoá bằng cách cưa bớt, bỏ hết những nhánh con, chỉ chừa lại bộ khung chính. Cây được trẻ hoá sẽ phát triển cành, lá rất mạnh.

“Muốn quả xoài có chất lượng, không bị khuyết tật, chủ nhà vườn cần có biện pháp ngăn chặn sự tấn công của côn trùng và sâu bệnh hại bằng cách bao quả sau khi đậu quả khoảng 40 - 45 ngày. Giai đoạn này quả đã hết rụng sinh lý lần thứ 3, bước vào thời kỳ tăng trưởng tích cực. Lợi ích của việc bao quả là nhà vườn giảm được từ 5 - 7 lần phun thuốc BVTV/vụ, giúp vỏ xoài bóng đẹp hơn, ắt bán được giá cao hơn nên gia tăng lợi nhuận. Đồng thời giảm ô nhiễm môi trường và không tồn dư thuốc BVTV trên sản phẩm”, nông dân Nguyễn Văn Dũng phân tích.

Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV, để quản lý tốt nước tưới, thời gian qua, nhiều nhà vườn trồng xoài ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) đã sử dụng mini-pan để xác định lịch trình tưới, lượng nước tưới thích hợp cho cây xoài trong từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Kết quả cho thấy phương pháp tưới nhỏ giọt theo mini-pan có lượng nước tưới sử dụng thấp nhất nhưng cây xoài cho năng suất cao nhất.

Cũng theo TS Cường, xoài cần phải được tưới đủ nước mới cho năng suất cao, chất lượng tốt. Vì trong giai đoạn nuôi quả, nếu bị khô nước, khi gặp mưa sẽ xảy ra hiện tượng rụng và nứt quả. Thông thường, nông dân tưới xoài nhiều lần hơn mức cần thiết, lượng nước tưới cũng nhiều hơn yêu cầu, gây lãng phí công lao động cũng như tài nguyên nước.

“Khi áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo mini-pan và bón phân qua hệ thống tưới, cây xoài cho năng suất tăng từ 21 - 28%, lại giảm từ 53 - 55% lượng nước tưới, giảm được 25 - 30 công lao động/ha, nâng cao hiệu quả kinh tế từ 29 - 37% so với phương pháp truyền thống. Cách làm này vừa mang lại lợi ích cho nông dân, vừa là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như giảm thiểu phát thải khí nhà kính”, TS Hồ Huy Cường chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.