| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm OCOP Đắk Lắk ngày càng hoàn thiện

Thứ Tư 25/10/2023 , 06:00 (GMT+7)

Các sản phẩm OCOP tại Đắk Lắk khi được công nhận đã ngày càng hoàn thiện để tiếp tục nâng sao cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm OCOP. Tính đến thời điểm hiện tại, Đắk Lắk đã công nhận cho 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (trong đó có 19 sản phẩm đạt 4 sao, 123 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao) trên địa bàn 57 xã, phường. Các sản phẩm OCOP của Đắk Lắk khi được công nhận đã trải qua đánh giá, góp ý của hội đồng. Do đó, các chủ thể ngày càng hoàn thiện sản phẩm của đơn vị theo những yêu cầu khắt khe nhất của thị trường.

Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (TP Buôn Ma Thuột) cho biết, đơn vị có một sản phẩm OCOP cà phê được công nhận 4 sao. Đây là sản phẩm cà phê đầu tiên của Đắk Lắk đạt được mức sao này.

Theo ông Vương sau khi đạt 4 sao thì doanh số bán hàng của công ty tăng lên so với trước khi chưa được cấp chứng nhận. Tiếp đà này công ty đang hoàn thiện hồ sơ để bình xét, thăng hạng lên cà phê OCOP 5 sao.

“Sản phẩm này khi gắn sao đã xuất khẩu qua Nhật Bản, được khách hàng đánh giá cao. Trước khi gắn sao và sau khi gắn sao nó khác nhau hoàn toàn. Sản phẩm sau khi gắn sao sẽ hoàn thiện hơn rất nhiều vì thông qua kiểm duyệt của 7 sở, ban ngành nên các chi tiết và đặc biệt là câu chuyện sản phẩm gắn liền, đưa vào sản phẩm. Do đó thu hút được sự tìm hiểu của người tiêu dùng, lúc này không chỉ bán sản phẩm mà còn bán câu chuyện về sản phẩm”, ông Vương chia sẻ.

Các sản phẩm OCOP tại Đắk Lắk đang ngày hoàn thiện để đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Ảnh: Quang Yên.

Các sản phẩm OCOP tại Đắk Lắk đang ngày hoàn thiện để đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Vương, hiện nay doanh nghiệp đang tiếp tục xây dựng các sản phẩm khác của đơn vị để tham gia OCOP. “Tất cả các tiêu chí từ bao bì, nhãn mác chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao khi được cấp chứng nhận OCOP. Việc hoàn thiện này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước”, ông Vương nói thêm.

Tương tự, tại Đắk Lắk sản phẩm Cà phê chồn Kiên Cường của Công ty TNHH MTV Kiên Cường (TP Buôn Ma Thuột) cũng được công nhận sản phẩm đạt OCOP 4.

Theo ông Cường, sau khi sản phẩm được công nhận doanh nghiệp đã vạch ra lộ trình nâng sao cho sản phẩm OCOP. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì nhãn mác để đạt được OCOP 5 sao là một chặn đường dài. Tuy nhiên với cố gắng không ngừng của doanh nghiệp hy vọng sản phẩm cà phê chồn Kiên Cường sẽ đạt được 5 sao - chứng nhận cao nhất trong hệ thống OCOP trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Cảnh Danh, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin cho biết, các sản phẩm OCOP khi được chứng nhận đã tác động rất nhiều đến hoạt động của các cá thể.

Theo ông Danh, trước đây, các chủ thể không mặn mà tham gia, đưa sản phẩm đi thi OCOP nhưng thời điểm này quan điểm đã thay đổi. Hiện nay, ngày càng nhiều các chủ thể làm hồ sơ xin cấp chứng nhận OCOP.

“Các sản phẩm OCOP được xem là giải pháp quan trọng để các sản phẩm nông sản, sản phẩm lợi thế của địa phương nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất… Việc tham gia này người dân thấy được lợi ích, khi tham gia sẽ được hướng dẫn các thủ tục, góp ý từng nội dung để sản phẩm hoàn thiện.

Người sử dụng hiện nay đã hiểu được sản phẩm OCOP là như thế nào, chất lượng, kiểu dáng ra sao. Do đó, doanh nghiệp, cá thể để sản phẩm được thị trường đón nhận nên đã mạnh dạng thay đổi, không ngừng hoàn thiện”, ông Danh nói thêm.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.