| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ kết tinh giá trị văn hóa Việt Nam

Thứ Bảy 19/10/2024 , 07:59 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để ngành hàng thủ công mỹ nghệ có thể phát triển, mở rộng thị trường, cần kết nối 'vùng nguyên liệu - nghệ nhân - doanh nghiệp'.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, dẫn dắt buổi tọa đàm 'Phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ'. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, dẫn dắt buổi tọa đàm "Phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ". Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chiều 18/10, trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế hàng trang trí và quà tặng LifeStyle năm 2024 tại TP.HCM, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) phối hợp Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương; Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp; Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tổ chức diễn đàn "Kết nối thương mại sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP với hệ thống khách hàng chiến lược tại Việt Nam". Tham dự và chỉ đạo diễn đàn có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. 

Tại diễn đàn, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn chia sẻ về các giải pháp và định hướng để phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ gắn với thương mại điện tử trên nền tảng số.

Ngoài ra, các diễn giả trong và ngoài nước cùng nhau thảo luận để phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ và kết nối sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP ra thị trường quốc tế. 

Diễn đàn nhằm tạo ra cầu nối giữa các doanh nghiệp, HTX sản xuất với hệ thống khách hàng chiến lược trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, tổ chức liên quan và các ngành hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP được giao lưu, học hỏi, tìm kiếm đối tác phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được giới thiệu tại Hội chợ LifeStyle 2024. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được giới thiệu tại Hội chợ LifeStyle 2024. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, đại dịch Covid-19 và đặc biệt là cơn bão số 3 đã ảnh hưởng rất lớn đến các vùng nguyên liệu của làng nghề thủ công mỹ nghệ. Nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ bị phá sản, nhiều nghệ nhân gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa.

Tuy nhiên, sức sáng tạo của nghệ nhân, của doanh nghiệp rất dồi dào; nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất đa dạng và có thể tiếp tục mở rộng thị trường ra các nước. 

Để đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới, đòi hỏi yêu cầu về thẩm mỹ, về tính sáng tạo trong từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ là rất lớn. Sản phẩm làm ra phải phục vụ cuộc sống. 

"Bản chất cuối cùng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là kết tinh giá trị văn hóa của Việt Nam trong mỗi sản phẩm và được tạo ra bởi tay nghề và tư duy của các nghệ nhân", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói và khẳng định, vấn đề chính của sản phẩm thủ công mỹ nghệ là kết nối thị trường và thổi hồn sức sống cuộc sống vào từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mới đem lại giá trị cao và tồn tại lâu dài. 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu chỉ đạo Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu chỉ đạo Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ba vấn đề trong chuỗi giá trị ngành hàng thủ công mỹ nghệ phải kết nối, hỗ trợ nhau, đó là “vùng nguyên liệu - nghệ nhân - doanh nghiệp”. Cùng với đó là sự hỗ trợ của Nhà nước với những cơ chế, chính sách sẽ mang lại hiệu quả trong phát triển ngành hàng này trong thời gian tới.

Do đó, rất cần sự tư vấn, gợi ý của các chuyên gia nước ngoài về thị trường, các kỹ thuật mới, công nghệ mới để các nghệ nhân nâng cao tay nghề, nắm bắt được nhu cầu thị trường quốc tế để thổi hồn vào sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp có nhu cầu có thể đặt hàng các trường đào tạo nghề thuộc Bộ NN-PTNT để đào tạo công nhân có tay nghề. 

"Chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp hợp sức lại với nhau thông qua các hiệp hội ngành hàng để có tiếng nói chung. Khi đó, mới có thể đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP giới thiệu với quốc tế", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói và đề nghị, các Hiệp hội cần tập hợp các doanh nghiệp, xây dựng các catalogue giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để có thể gửi cho các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để giúp quảng bá, giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

"Tôi sẵn sàng có văn bản gửi đến các Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam ở tất cả các nước để mình gửi catalogue qua đó. Có thể là ba tháng 1 quyển. Ngoài thương mại điện tử, đây là con đường ngoại giao thuận lợi", Thứ trưởng nói.

Dịp này, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp và Tổng Công ty Bưu chính Viettel ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Dịp này, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp và Tổng Công ty Bưu chính Viettel ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đối với thị trường trong nước, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các Chi cục Phát triển nông thôn các tỉnh thành, các doanh nghiệp, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức các chuyên đề quảng bá, trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP hằng tháng, hằng quý theo từng chủ đề. 

"Bộ mong muốn khôi phục lại ngành nghề nông thôn, đó là kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc. Nếu chúng ta đồng lòng, cùng nhau hành động thì ngành hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới", lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói và cho biết, với tình hình khó khăn hiện nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD.

"Nếu chúng ta cố gắng, năm sau vẫn có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ 4 tỷ USD như mục tiêu đề ra", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hiện cả nước có 774.392 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tập trung nhiều ở nhóm đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thêu ren, cơ khí nhỏ; với 2.107 nghệ nhân, thợ giỏi; 571 nghệ nhân cấp tỉnh và 1.322 thợ giỏi thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Số lao động trong các làng nghề là hơn 1,4 triệu lao động.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.