| Hotline: 0983.970.780

Săn thú rừng U Minh

Thứ Hai 31/01/2011 , 10:45 (GMT+7)

U Minh bốn bề là tràm. Những đám tràm nguyên sinh bạt ngàn đã tạo nên chốn rừng thiêng nước độc, “xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha”.

Huyền thoại Út Ẩn

U Minh bốn bề là tràm. Những đám tràm nguyên sinh bạt ngàn đã tạo nên chốn rừng thiêng nước độc, “xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha”.

Ngày nay, rừng U Minh đã teo tóp rất nhiều dưới tác động của con người, thú rừng cũng không còn nhiều nữa. Những thợ săn thú rừng xưa kia đa phần đã ra đi, người còn lại cũng thuộc hàng cao niên và đã rửa tay gác kiếm. Nhưng huyền thoại về những tay thợ săn “vang bóng một thời” thì vẫn còn tươi rói và sống mãi với thời gian.

Từ huyền thoại Út Ẩn…

Trong cái không khí se se lạnh còn sót lại của những ngày cuối đông, tôi khoác lên mình chiếc áo gió cho đỡ lạnh rồi lên xe rong ruổi tìm về vùng đất rừng U Minh. Từ thành phố Rạch Giá, chạy xe chừng hơn 60km là tới Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Thượng. Theo những người giữ rừng ở đây thì ngày xưa rừng U Minh là cả một vùng đất rộng lớn. Chính giữa có dòng sông Trẹm chạy cắt ngang chia thành thành hai phần, nửa trên được người dân gọi là U Minh thượng, nửa dưới là U Minh hạ.

Dưới tác động của con người, hai vùng thượng (nay thuộc tỉnh Kiên Giang) và hạ (thuộc tỉnh Cà Mau) ngày càng xa nhau chứ không chỉ còn cách con sông như trước. Tìm hỏi về những tay thợ thăn thú rừng, hầu hết những người trẻ tuổi đầu lắc đầu không biết. Bởi khi họ sinh ra rừng U Minh đã cạn kiệt lắm rồi. Hơn nữa, giờ rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, nhiều loại thú rừng thuộc diện nằm trong sách đỏ nên chẳng ai dám đi săn nữa. May thay, tôi được một vị cao niên chỉ cho địa chỉ nhà ông Út Ẩn (Trần Long Ẩn), một thợ săn thú rừng có tiếng ngày xưa.

Nhà ông Út Ẩn nằm cặp theo kênh xáng Xẻo Rô, ở xã Đông Hòa, An Minh, Kiên Giang. Đó là căn nhà được làm bằng gỗ tròn khá vững chắc, lợp mái ngói. Tôi tìm đến nơi thì đã là lúc chiều tà, ông Út Ẩn đang chăm sóc vườn cây kiểng bonsai quanh nhà. Ở cái tuổi thất thập nhưng ông Út Ẩn vẫn còn rất nhanh nhẹn với thân hình rắn chắc, đôi tay cơ bắp thoăn thoắt cắt sửa từng cây kiểng. Ngày ngày, ông vẫn đi ruộng, nuôi tôm cùng con cháu. Nghe tôi hỏi về chuyện săn thú rừng, ông cười khà khà: “Chuyện đó xa xưa lắm rồi, đồ nghề giờ cũng vứt hết cả rồi”. Nói xong, ông Út ngừng tay, mời vô nhà uống nước trà.

Câu hỏi của tôi như xới vào mảnh vườn ký ức, nhấp ly trà nóng, ông Út chỉ tay về phía bên kia sông: “Cả vùng này ngày xưa toàn là rừng, chỗ thì tràm bạt ngàn, chỗ thì sậy ống, ô du, cỏ dại, dây choại… cao vút đầu người. Giờ người ta phá làm lúa, nuôi tôm hết cả”. Chẳng biết gia đình đã gắn bó với vùng đất này từ bao giờ, ông Ẩn chỉ biết từ nhỏ mình đã lớn lên tại đây. Ngày ngày theo tía và các anh vào rừng khai hoang làm lúa, lúc rảnh thì đi săn thú cho vui.

Sống ở chốn rừng thiêng, phải biết chút ngón nghề chiến đấu với thú dữ phòng thân. Cũng như cây tràm học cách thích ứng với thiên nhiên khắc nghiệt. Dần dà, ông cũng thành thạo cách sử dụng mác rừng (tương tự như cây giáo, dài khoảng 1,5-1,7m, cán bằng cây gỗ mọc lâu năm trên núi, đầu bịt nhiều khoen thép) và các đường roi hiểm, cách đặt bẫy để săn thú. Ngồi một lúc, như chợt nhớ ra điều gì, ông đứng phắt dậy đi vào phía sau nhà cầm ra một vật như cây giáo cũ. “Mác rừng đấy, bỏ nghề tôi chỉ giữ nó lại để làm kỷ niệm, lâu lâu lấy ra xem cho đỡ nhớ rừng”.

Thuở Út Ẩn còn trai trẻ, rừng U Minh còn bạt ngàn với rất nhiều loài thú lớn như heo rừng, cọp, mèo rừng (tiếng địa phương gọi là cáo hoặc chồn). Cũng như nhiều thợ săn khác ở vùng này, ông Út coi công việc đi săn như là thú vui giải trí, bắt được thú lớn thì chia cho cả xóm thưởng thức chứ không bán. Mỗi chuyến vào rừng, ông Út thường dẫn theo đàn chó săn 4- 5 con, đây là những con chó lai, mỗi con nặng 30- 40kg, được huấn luyện để săn thú rừng. Thú săn được nhiều nhất là heo, mèo rừng…

 “Khi phát hiện con thú rừng, chó sẽ bao vây tấn công, người thợ săn phải nhanh chóng chọn hướng tấn công, dùng mác dâm thẳng vào cổ hoặc kẹt nách để hạ gục con mồi” – ông Út Ẩn hào hứng kể. Tuy đã hạ rất nhiều heo rừng nhưng ông Út vẫn tiếc nuối con heo đầu đàn ông từng nhiều lần giáp mặt mà không hạ được. Theo ông Út, con heo này màu trắng (heo rừng thường đen hoặc khoang), nặng khoảng trên 300kg, khi đi thường có hai “đệ tử” đi kèm theo hai bên. Ông đã nhiều lần lên kế hoạch săn nó nhưng chỉ hạ được một đệ tử của nó, nặng gần 200kg. Sau đó, ông có vài lần đụng độ nữa nhưng con heo đã khôn ngoan tìm cách thoát thân.

 “Không biết sau này có ai săn được hay con heo này đi đâu mất” – ông Út nói với giọng tiếc nuối. Ông có bao giờ đụng hổ? – tôi hỏi. Có nhưng mình phải tránh, “chúa sơn lâm” mà. Thợ săn ai cũng tin rằng rừng thiêng có chủ nhân của nó và tốt nhất là nên tránh mặt “ông” mỗi khi lỡ gặp. Theo ông Út Ẩn, khi đang đi rừng mà thấy đàn chó săn cụp đuôi, sợ sệt co cụm lại là biết “ông hổ" đang ở gần đây. Tốt nhất là nên lùa bọn chó xuống xuồng, rút êm để khỏi phải đối đầu.

Tuy tránh hổ nhưng mèo rừng (cáo) lại là thứ mà ông Út săn nhiều nhất. Đã có nhiều loài cáo bị Út Ẩn hạ gục như: cáo cọc, cáo ngựa (có mao giống ngựa), cáo sao, cáo mèo… Loại lớn có thể đạt vài chục ký/con, loại nhỏ thì chỉ vài ba ký. Trong đó, ông Út nhớ nhất là lần hạ gục con cáo cọc nặng tới 42 kg. Thuộc họ mèo nên con cáo này rất nhanh nhẹn và hung dữ. Bị chó bao vây nó tìm cách tấn công mở đường thoát thân, thậm chí còn cắn trọng thương cả con chó đầu đàn. Ông kể: “Tôi và đàn chó phải vật lộn một lúc lâu mới đâm được nó. Khi bị trúng đòn hiểm (đâm mác vào cổ), con cáo lồng lộn, gầm rú, đẩy tôi lùi xa cả tầm đất mới chịu nằm giãy chết”.

Sau giải phóng, ông Út Ẩn quyết định từ giã nghiệp đi săn, sống với công việc đồng áng của một nông dân thực thụ. Để đỡ nhớ rừng, những đêm trăng sáng, ông lại trải chiếu giữa sân, kể cho con cháu nghe về những buổi đi săn thủa nào.

Đến thợ săn miệt vườn

U Minh ngày nay không còn là chốn rừng thiêng nước độc nữa mà đã trở thành những cánh đồng lúa – tôm trù phú. Vì vậy, cũng chẳng còn ai mặn mà với nghiệp đi săn. Có chăng cũng chỉ còn qua những câu chuyện kể những lúc nông nhàn hay trong những lúc trà dư tửu hậu.

Chia tay ông Út Ẩn, tôi quyết định ngủ lại nhà người quen ở ven rừng một đêm. Đêm ở bìa rừng có nhiều cái lạ. Màn đêm vừa buông xuống là rừng trở nên sinh động hẳn. Năn nỉ mãi, tôi mới thuyết phục được ông Trần Văn Sử, một thợ săn miệt vườn dẫn ra sau nhà chỉ cho cách giăng bẫy. Vừa đội cây đèn pha lên đầu, ông Sử vừa nói để tôi khỏi thất vọng: “Giăng bẫy bây giờ cho vui là chính chứ rất ít bắt được mèo rừng (chồn)”.

Bẫy mèo rừng là loại bẫy cò ke, được làm bằng cọng dây cáp thắng (phanh) xe đạp. Muốn bẫy được mèo rừng thì phải biết tìm dấu chân, đoán đường mòn mà chúng thường lui tới. Và phải biết chọn địa thế đặt bẫy mới lừa được chúng. Ban đêm phải ra thăm không chúng sẽ cắn bẫy đi mất. Ông Sử kể, cách đây không lâu ông giăng bẫy ở vườn tràm sau nhà. Đêm đó trời đổ mưa nên làm biếng đi thăm. Sáng ra, cả vùng cỏ rộng mấy mét vuông bị phá nát, cần bẫy bị bẻ dập và cắn đứt ngang gốc. Vậy là đã xổng mất con mèo rừng.

Trong những chuyến đi đêm, có lần ông Sử đã tay không vồ được mèo rừng. Đó là lần ông đội đèn đi thăm vuông tôm sau nhà, từ xa chiếu đèn thấy con mèo rừng đang đi kiếm ăn. Bất chợt bị ánh đèn sáng chiếu vào mặt, thay vì bỏ chạy vào đám tràm gần đó thì con mèo nằm thụp xuống mô đất ẩn nấp. Từ từ tiến lại gần, ông Sử cởi chiếc áo thun đang mặc quấn vào tay rồi chụp đè con mèo xuống đất. Đây là con mèo rừng mới lớn, nặng gần 3 kg. “Cũng may có áo chứ không thì nói cắn hoặc cào vào tay là phải bỏ ra ngay. Nanh vuốt mèo rừng sắc lắm. Bị nó cắn là nhức buốt, phát sốt cả tháng”- ông Sử nói.

Diện tích rừng tràm ngày càng ít, những thợ săn miệt vườn như ông Sử cũng dần bỏ nghề. Ngoại trừ vùng lõi VQG U Minh Thượng, rừng tràm được bảo vệ, còn lại cây tràm đang bị người dân phá bỏ vì giá trị kinh tế thấp. Câu hát “U Minh bốn bề là tràm” giờ đã trở thành quá khứ, cây tràm đang phải nhường chỗ cho cây lúa và con tôm.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm