Ngày 16/8 tại Hà Nội, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp tổ chức Hội thảo “thúc đẩy đầu tư công tư trong sản xuất cà phê phát thải thấp: Cơ hội và thách thức”.
Hội thảo nhằm chia sẻ những cơ chế, chính sách, sáng kiến trong ngành cà phê hướng tới sản xuất phát thải thấp và thu hút đầu tư công trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tham vấn các bên liên quan về cách thức phối hợp, lồng ghép nguồn lực để thúc đẩy đầu tư công - tư trong sản xuất cà phê phát thải thấp.
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia cung cấp nguyên liệu cho ngành hàng cà phê lớn trên thế giới. Nhiều vùng sản xuất cà phê tập trung đã được hình thành tại Tây Nguyên (94%), một phần ở Đông Nam Bộ, Tây Bắc.
Hiện nay, ngành hàng cà phê đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân... Nhiều quy hoạch, đề án thúc đẩy phát triển, tái canh, cà phê cảnh cảnh quan, cà phê đặc sản... đã được ban hành. Nhờ đó, cà phê Việt Nam đã chọn tạo được những bộ giống có chất lượng, năng suất vượt trội, khả năng cạnh tranh cao với cà phê các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, một yêu cầu mới đặt ra cho sản xuất cà phê hiện nay là giảm phát thải khí nhà kính, do đó hoạt động sản xuất, tiêu thụ phải được tổ chức lại theo chuỗi với sự tham gia của nhiều thành tố (cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp...). Chuỗi liên kết này phải được tổ chức hài hòa, phối hợp chặt chẽ, cùng hướng tới mục tiêu vừa không làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người dân, hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp, vừa nâng cao được giá trị sản phẩm, thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính.
Bà Trần Thị Quỳnh Chi, Giám đốc chương trình Cảnh quan vùng châu Á (Tổ chức IDH) chia sẻ: Phát thải thấp là yêu cầu tất yếu hiện nay. Trên thế giới, hơn 80% công ty ở các ngành hàng đã cam kết giảm phát thải và nỗ lực đến năm 2050 không còn phát thải. Nhiều quốc gia, doanh nghiệp đang tích cực đầu tư vào các chuỗi sản xuất nông nghiệp phát thải thấp với tham vọng tiến tới không còn phát thải. Do đó, với vai trò là tổ chức toàn cầu thúc đẩy hợp tác công - tư trong các lĩnh vực phát triển bền vững, IDH sẽ không đứng ngoài xu thế chung đó.
Theo bà Chi, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc nỗ lực cùng IDH triển khai có hiệu quả cà phê cảnh quan, xây dựng chương trình phát triển cà phê bền vững... Qua các mô hình, kết quả thu được cho thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc giảm phát thải ở khu vực sản xuất cà phê, cây ăn trái, hồ tiêu tại Tây Nguyên.
Mục tiêu của IDH trong thời gian tới là đến năm 2025, dự án tác động được 40 - 50% diện tích cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái tại khu vực Tây Nguyên (hơn 300.000ha). Đây là mục tiêu rất lớn, nếu IDH thực hiện một mình sẽ rất khó thành công. Do đó, thúc đẩy hợp tác công - tư là yêu cầu tất yếu để triển khai thực hiện.
“Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua đã có những cam kết, lộ trình cụ thể trong việc theo đuổi giảm phát thải trong sản xuất các ngành hàng. Do đó, nếu chúng ta không triển khai dự án phát thải thấp trên cơ sở hợp tác công - tư thì trong tương lai, xu thế phát triển, nhu cầu của thị trường vẫn thúc ép chúng ta phải làm. Thay vì ngồi đợi, chúng ta hãy chủ động, có chuẩn bị trước”, bà Chi nhấn mạnh.
Ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thông tin: Việc giảm phát thải khí nhà kính giúp tiết kiệm 30% phân bón, 40% nước tưới, 80% lao động và điện, ổn định năng suất, kiểm soát đầu vào, điều khiển theo nhu cầu của cây và giai đoạn sinh trưởng...
Hiện nay, ngành hàng cà phê liên quan rất lớn tới thu nhập của người dân cũng như các doanh nghiệp. Do đó, muốn phát triển ngành hàng này cần có sự đồng bộ giữa chính sách của nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp (đầu tư công nghệ vào sản xuất, chế biến...) và người dân.
Tuy nhiên, để triển khai được đồng bộ, cần có chính sách rõ ràng, minh bạch từ các cơ quan quan lý nhà nước, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ, quyền lợi, trách nhiệm của từng thành tố, đối tượng tham gia. Bên cạnh đó, phải có kết nối với thị trường carbon, tạo động lực kích thích người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh việc sản xuất phát thải thấp để tăng giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập từ việc trao đổi các chứng chỉ carbon.
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng: Cần triển khai thêm các công trình nghiên cứu về giảm phát thải trong canh tác cà phê như đã triển khai trên cây lúa. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ số phát thải, lộ trình để cấp chứng nhận, chứng chỉ carbon. Bên cạnh đó, cần tính toán carbon theo chuỗi ngành hàng, sớm thống nhất phương pháp, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phát thải thấp...
Tại hội thảo, Cục Trồng trọt, IDH và GCP đã ký bản ghi nhớ hợp tác về sản xuất cà phê phát thải thấp. Theo đó, từ năm 2022 - 2025, ba bên sẽ phối hợp thực hiện các mục tiêu: Xây dựng cơ chế giám sát và báo cáo phát thải khí nhà kính bàn giao cho các đơn vị trong ngành cà phê tham khảo sử dụng; xây dựng tài liệu về các nhóm can thiệp phát thải thấp trong tài liệu hướng dẫn sản xuất cà phê bền vững và các tài liệu liên quan khác; tham vấn chặt chẽ với khu vực nhà nước và tư nhân để xây dựng, thống nhất các mục tiêu sản xuất phát thải thấp, lập kế hoạch thực hiện với vai trò và trách nhiệm rõ ràng hơn cho mỗi bên.
Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động sản xuất phát thải thấp tại thực địa bao gồm truyền thông, nâng cao năng lực, xây dựng mô hình sản xuất phát thải thấp, hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho nông dân...