| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất 'du canh', liên kết yếu cản đường cấp mã số vùng trồng

Thứ Hai 25/12/2023 , 08:16 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Diện tích sản xuất nhỏ lẻ, thiếu doanh nghiệp đủ tiềm lực để liên kết sản xuất với người dân khiến Quảng Ngãi gặp khó trong việc xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu thế tất yếu nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thị trường nội địa và được xem là "tấm vé thông hành" đối với những mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, việc duy trì, thiết lập và cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là điều kiện cần thiết cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ cấp được 1 mã vùng trồng xuất khẩu cho sản phẩm chuối. Ảnh: Lê Khánh.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ cấp được 1 mã vùng trồng xuất khẩu cho sản phẩm chuối. Ảnh: Lê Khánh.

Cấp mã số vùng trồng cũng là điều kiện, cơ hội để các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước, nhất là các thị trường yêu cầu chất lượng cao. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu thông qua việc sản xuất theo quy trình, có kiểm soát sinh vật gây hại, đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.

Trên cơ sở Quyết định số 3156 và của Bộ NN-PTNT, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, tỉnh này đã cấp được 9 mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa gồm: 2 mã vùng trồng rau, 1 mã vùng trồng ớt, 4 mã vùng trồng lúa, 1 dừa xiêm lùn xanh và 1 mã vùng trồng dưa hấu.

Trong khi đó đối với xuất khẩu, tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ cấp được 1 mã vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp 24/3.

Theo ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, về mặt hàng nông sản xuất khẩu, tỉnh xác định ngoài cây chuối thì cây ớt và dưa hấu là 2 loại cây trồng sẽ tiến tới cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, việc này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với cây ớt, diện tích trồng toàn tỉnh khoảng trên 1.550ha, sản lượng đạt gần 24.650 tấn/năm. Cây dưa hấu có tổng diện tích hơn 2.000ha, sản lượng đạt hơn 57.000 tấn. Những năm qua, sản phẩm 2 loại cây này đa phần xuất qua thị trường Trung Quốc nhưng giá cả rất bấp bênh khi phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Do đó, để đảm bảo tính ổn định lâu dài, việc liên kết sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng là vô cùng cấp thiết.

“Mặc dù vậy, trở ngại đối với vùng trồng xuất khẩu của tỉnh là diện tích sản xuất chủ yếu nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết để hình thành các vùng chuyên canh đảm bảo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Như cây dưa hấu, hiện nay tình trạng chung của Quảng Ngãi là người dân thuê đất ở từng khu vực qua từng năm, sau đó lại chuyển đi chỗ khác nên rất khó để kết nối với các chủ ruộng và xây dựng liên kết sản xuất lâu dài”, ông Vĩnh nói.

Các sản phẩm phục vụ xuất khẩu của tỉnh Quảng Ngãi đang gặp khó khăn trong việc liên kết sản xuất với các doanh nghiệp có tiềm lực. Ảnh: Lê Khánh.

Các sản phẩm phục vụ xuất khẩu của tỉnh Quảng Ngãi đang gặp khó khăn trong việc liên kết sản xuất với các doanh nghiệp có tiềm lực. Ảnh: Lê Khánh.

Xã Bình Dương (huyện Bình Sơn) là địa phương có diện tích trồng ớt lớn của tỉnh Quảng Ngãi với hơn 150ha, khoảng 250 hộ sản xuất. Cây ớt của địa phương này cũng đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh nhưng việc tiêu thụ cũng đang gặp khó khăn vì hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên có thời điểm giá ớt xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg, bà con không thèm thu hoạch.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Dương chia sẻ: “Thực trạng của cây ớt ở xã Bình Dương nói riêng và cả huyện Bình Sơn nói chung là khi sản lượng cao thì giá thấp. Do đó, địa phương rất muốn xây dựng mã số vùng trồng nhằm hướng đến xuất khẩu, đảm bảo đầu ra, giá cả ổn định. Về vấn đề liên kết sản xuất thì hợp tác xã có thể làm được nhưng việc tìm thị trường, đối tác xuất khẩu thì rất khó. Đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thực hiện”.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cũng thừa nhận rằng, trên địa bàn đang thiếu những doanh nghiệp lớn về lĩnh vực nông nghiệp có đủ tiềm lực để xây dựng vùng nông sản xuất khẩu. Ngoài ra, hiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho các địa phương để hình thành mã vùng trồng của tỉnh cũng chưa đủ mạnh. Cùng với đó, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng mã số vùng trồng cả nội địa lẫn xuất khẩu.

Từ thực tế này, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 38 lớp tập huấn nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, cơ sở thực hiện xây dựng vùng trồng đảm bảo cho việc cấp mã. Trong đó gồm 1 lớp cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và phòng NN-PTNT các huyện; 12 lớp cho 12 huyện, thành phố, thị xã và 25 lớp cho nông dân, cơ sở sản xuất với khoảng 1.300 người tham gia.

“Trước mắt, chúng tôi tập trung xây dựng mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa. Khi đảm bảo hình thành được các chuỗi liên kết, tìm được thị trường thì mở rộng ra xuất khẩu. Đồng thời các cơ quan chuyên môn sẽ tham mưu cho các cấp chính quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các địa phương hình thành mã vùng trồng.

Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp tham gia, tạo mối liên kết để tổ chức xuất khẩu”, ông Nguyễn Thế Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi nói.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.