| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lúa hướng hữu cơ, xây nền móng giảm phát thải

Thứ Năm 23/05/2024 , 08:00 (GMT+7)

Những mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ là nền móng quan trọng cho Ninh Bình phát triển sản xuất lúa giảm phát thải.

Lúa khỏe, môi trường sạch

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vân Trà (xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, Ninh Bình) có tổng diện tích canh tác lúa hơn 300ha. Trước đây, thói quen gieo sạ, sản xuất dựa vào sức người, kinh nghiệm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học của hầu hết các thành viên trong thời gian dài khiến đất ngày càng chai cứng, thiếu dinh dưỡng nên năng suất, sản lượng không cao.

Theo ông Đinh Xuân Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vân Trà (ảnh), khi canh tác lúa theo hướng hữu cơ, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt; môi trường được cải thiện; sức khỏe, thu nhập của nông dân tăng lên rõ rệt. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Đinh Xuân Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vân Trà (ảnh), khi canh tác lúa theo hướng hữu cơ, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt; môi trường được cải thiện; sức khỏe, thu nhập của nông dân tăng lên rõ rệt. Ảnh: Trung Quân.

Trước thực tế đó, Ban lãnh đạo HTX đã mạnh dạn tìm hiểu, hướng dẫn các hộ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ để gia tăng hiệu quả kinh tế.  

Ông Đinh Xuân Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vân Trà chia sẻ, HTX hiện có 41ha chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang theo hướng hữu cơ (sử dụng giống mới, phân bón hữu cơ) và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Trong đó, có 5ha tham gia mô hình "cánh đồng không dấu chân" do Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Công ty Cổ phần Đại Thành triển khai.

Ban đầu, khi nói đến canh tác hữu cơ bà con trong HTX không hiểu như thế nào. HTX vận động các hộ sử dụng mạ khay, cấy máy để giảm công lao động, phân bón, thuận lợi kiểm soát cỏ dại, lúa ma thì bị hoài nghi. Những cuộc họp tuyên truyền, phân tích, vận động bà con tham gia sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được HTX triển khai không kể ngày đêm. Thế rồi “mưa dầm thấm lâu”, từ 1 - 2 hộ làm mẫu, nhận thấy hiệu quả, các hộ khác tự bảo nhau chuyển đổi. Diện tích sử dụng giống mới, phân bón hữu cơ cũng theo đó tăng lên theo từng vụ (vụ xuân 2023 là 36ha, vụ mùa hơn 36ha; vụ xuân 2024 là 41ha).

Theo ông Đinh Xuân Nam, kỹ thuật canh tác lúa theo hướng hữu cơ không khác nhiều so với cách mà người dân đang áp dụng. Tuy nhiên, khi tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, sử dụng bẫy bả trong phòng trừ sinh vật gây hại... đã giúp hàm lượng khoáng và vi sinh vật có lợi trong đất được cải thiện nên cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, bộ lá lúa dày, cứng, không có màu xanh đậm như bón phân vô cơ nên hạn chế được sâu bệnh gây hại. Năng suất trung bình đạt được ở vụ mùa 2023 là 53 - 54 tạ/ha, vụ xuân 2024 ước đạt 61 - 62 tạ/ha (cao hơn 15 - 20% so với sản xuất thông thường).

Về hiệu quả kinh tế (chưa tính các khoản được hỗ trợ theo Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 - 2025 và công ty tham gia xây dựng mô hình hỗ trợ giống, công phun thuốc) thì khi canh tác theo hướng hữu cơ kết hợp với áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, các hộ đã giảm được nhiều công lao động, gia tăng lợi nhuận.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình, Công ty Cổ phần Đại Thành và HTX Nông nghiệp Vân Trà đánh giá mô hình sử dụng giống mới, phân bón hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại huyện Yên Mô. Ảnh: Trung Quân.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình, Công ty Cổ phần Đại Thành và HTX Nông nghiệp Vân Trà đánh giá mô hình sử dụng giống mới, phân bón hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại huyện Yên Mô. Ảnh: Trung Quân.

Cụ thể, chi phí cho 1 sào (360m2) khoảng 900.000 đồng (giống và cấy 300.000 đồng, phân bón 300.000 đồng, làm đất 100.000 đồng, gặt 100.000 đồng, thuốc diệt cỏ sinh học 21.000 đồng, thuốc BVTV sinh học 37.000 đồng, thuốc ốc sinh học dạng hạt 18.000 đồng, công phun thuốc 2 lần 40.000 đồng), cao hơn so với sử dụng toàn bộ vật tư đầu vào hóa học 100.000 đồng.

Tuy nhiên, chỉ cần tính năng suất trung bình của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đạt 1,7 tạ/sào, với giá bán lúa khô 13.000 - 14.000 đồng/kg thì nông dân có lãi khoảng 50%. Quan trọng hơn, sức khỏe người dân, "sức khỏe cây trồng" cũng như môi trường được cải thiện rõ rệt. Gia đình nào hạn chế lao động nông nghiệp vừa có thể canh tác, thu lợi nhuận từ lúa, vừa có thể tranh thủ làm thêm những công việc bên ngoài để gia tăng thu nhập.

Ông Đinh Văn Đắc ở thôn Vân Du Thượng (xã Yên Thắng, huyện Yên Mô) trồng 1,7 mẫu lúa phấn khởi chia sẻ, phân bón, thuốc BVTV hóa học có tác dụng rất nhanh trong việc kích thích cây lúa phát triển, diệt trừ cỏ dại, sâu bệnh. Nhưng cũng chính vì ưu điểm đó mà nhiều hộ dân đã lạm dụng chúng trong quá trình canh tác. Hệ lụy là đất ngày càng chai cứng, suy kiệt dinh dưỡng, môi trường nước bị ô nhiễm.

Khi được tận mắt chứng kiến, trực tiếp áp dụng phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, các hộ dân mới thực sự có đối chứng để so sánh, đánh giá và nhận ra rằng, muốn phát triển bền vững nhất định phải chuyển hướng sản xuất an toàn.

“7 sào lúa của gia đình sử dụng mạ khay, cấy máy, canh tác theo hướng hữu cơ cho năng suất chẳng thua kém những diện tích sử dụng vô cơ mà đỡ vất vả hơn hẳn. Vệc quản lý cỏ dại cũng trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Trước đây gieo sạ phun tới lần thứ 3 vẫn không hết cỏ, bây giờ chỉ cần phun 1 lần là có thể an tâm”, ông Bắc vui vẻ.

Theo ông Đinh Văn Đắc (thôn Vân Du Thượng, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô), muốn phát triển sản xuất lúa bền vững nhất định phải chuyển hướng sản xuất an toàn. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Đinh Văn Đắc (thôn Vân Du Thượng, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô), muốn phát triển sản xuất lúa bền vững nhất định phải chuyển hướng sản xuất an toàn. Ảnh: Trung Quân.

Hiệu quả của canh tác theo hướng hữu cơ ai cũng nhìn thấy, nhưng tỷ lệ người áp dụng vẫn khiêm tốn vì lao động nông nghiệp chủ yếu là người trung tuổi trở lên, nguồn thu chủ yếu dựa vào đồng ruộng nên vẫn giữ tâm lý “lấy công làm lãi”. Khi tính chi ly, nhận thấy chi phí sản xuất hữu cơ cao hơn sẽ không mạnh dạn đầu tư. Nếu có giải pháp hạ giá thành và gia tăng hiệu lực cho các loại vật tư đầu vào hữu cơ (phân bón, thuốc BVTV, chế phẩm sinh học…) thì chắc chắn tỷ lệ hộ chuyển đổi sẽ tăng lên.

Đặt nền quản lý sức khỏe cây trồng, giảm phát thải

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, tổng diện tích lúa toàn tỉnh hiện khoảng 71.000ha. Trong đó, diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao được mở rộng lên hơn 54.000ha (chiếm 77% tổng diện tích). Diện tích lúa chất lượng cao sản xuất theo hướng hữu cơ và chương trình giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới theo Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh tiếp tục được mở rộng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có trên 4.000ha lúa chất lượng cao sản xuất theo hướng hữu cơ.

Bên cạnh đó, đã hình thành các tổ hợp liên kết theo chuỗi giá trị (sử dụng phân hữu cơ, áp dụng phương thức mạ khay, máy cấy). Theo thống kê, lúa sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đã mang lại lợi nhuận tăng 15 - 20% cho các bên tham gia (doanh nghiệp, HTX, nông dân…).

Để kiểm soát chất lượng sản phẩm khi sản xuất theo hướng hữu cơ, HTX Vân Trà đứng ra làm đầu mối kết nối với các đơn vị uy tín cung cấp phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học cho nông dân. Ảnh: Trung Quân.

Để kiểm soát chất lượng sản phẩm khi sản xuất theo hướng hữu cơ, HTX Vân Trà đứng ra làm đầu mối kết nối với các đơn vị uy tín cung cấp phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học cho nông dân. Ảnh: Trung Quân.

Ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình đánh giá, những mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh là đầu tàu khích lệ, dẫn dắt, tập dượt cho nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững, đồng thời cụ thể hóa, đặt nền móng quan trọng để địa phương triển khai thực hiện Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030 của Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt.

Hiện nay, Ninh Bình định hướng trở thành trung tâm du lịch của cả nước. Chính vì vậy, việc phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ lại càng trở nên cấp thiết, đóng vai trò là điểm tựa quan trọng cho du lịch phát triển, nhất là du lịch trải nghiệm, sinh thái.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy, sản xuất lúa là loại hình có mức phát thải cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Nguyên nhân chính là do việc thâm canh không bền vững; mức sử dụng phân bón hóa học và nước tưới cao; quản lý không đúng cách các tàn dư như rơm rạ, trấu; sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong nông nghiệp...

Do đó, việc phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn, tiết kiệm sẽ là cơ sở, nền móng quan trọng để ngành nông nghiệp tỉnh hướng tới phát triển sản xuất lúa giảm phát thải, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp cả nước và thực hiện những cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.  

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.