| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lúa vụ thu đông, vụ mùa cơ bản đạt kế hoạch

Thứ Bảy 02/10/2021 , 10:36 (GMT+7)

Đến nay, sản xuất lúa vụ thu đông, vụ mùa 2021 các tỉnh Nam bộ cơ bản đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Thay đổi cơ cấu giống, giảm lượng giống gieo sạ

Theo Cục Trồng trọt, sản xuất vụ thu đông, mùa năm 2021 chịu ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, mực nước lũ ở vùng ĐBSCL thấp. Công tác triển khai sản xuất vụ thu đông, mùa năm 2021 tại các tỉnh Đông Nam Bộ (ĐNB) và ĐBSCL đã được tiến hành sớm và có nhiều giải thích ứng với tình hình dự báo lũ. Đến nay, sản xuất vụ thu đông, vụ mùa 2021 các tỉnh Nam bộ cơ bản đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Đến nay, sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa 2021 các tỉnh Nam bộ cơ bản đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Ảnh: TL.

Đến nay, sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa 2021 các tỉnh Nam bộ cơ bản đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Ảnh: TL.

Đối với vụ thu đông 2021, thời vụ gieo trồng muộn hơn so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc thu hoạch lúa hè thu muộn hơn so với khung thời vụ. Do đó, dẫn tới việc xuống giống vụ thu đông trong tháng 6 muộn hơn cùng kỳ năm trước hơn 77.200 ha.

Để đảm bảo khung thời vụ cho vụ lúa đông xuân 2021-2022, trên cơ sở những dự báo khả năng di trú của rầy nâu và khả năng xâm nhập mặn sớm, để đảm bảo an toàn cho đợt xuống giống lúa tháng 11-12, khung thời vụ chung trong toàn vùng sẽ kết thúc xuống giống lúa thu đông vào ngày 30/8, tối đa là 10/9/2021.

Cũng do ảnh hưởng dịch Covid-19, lúa hè thu phải thu hoạch kéo dài, tỉnh An Giang đã giảm diện tích gieo sạ khoảng 10.000 ha; Sóc Trăng giảm khoảng 15.000 ha do cắt vụ thu đông để chuyển sang gieo sạ đông xuân sớm nhằm tránh hạn hán, xâm nhập mặn vào cuối mùa vụ.

Cơ cấu giống vụ thu đông 2021 cũng có sự thay đổi. Nhìn chung, tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm và lúa chất lượng cao tăng, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu gạo. Tỉ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận và tương đương xấp xỉ 80%.

Trong đó, giống cấp xác nhận do các công ty, trung tâm giống cung cấp xấp xỉ 75%, hệ thống nhân giống nông hộ, trao đổi khoảng 25%. Tỉ lệ sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng khoảng 1%. Tỉ lệ sử dụng giống lúa thương phẩm làm giống khoảng 19%.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ/ha, hầu hết các tỉnh đều triển khai kế hoạch và thực hiện giảm lượng giống gieo sạ.

Theo điều tra sơ bộ từ Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL, nhìn chung có sự chuyển biến về việc giảm lượng giống lúa gieo sạ. Trong đó, giảm mạnh ở mức gieo sạ trên 150 kg/ha (giảm 1,7%); mức gieo sạ dưới 100 kg/ha tăng 0,7%; lượng giống gieo sạ mức từ 100-150 kg/ha tăng 1,0% so với vụ thu đông năm trước. Tuy nhiên vẫn còn biến động rất lớn giữa các tỉnh và các vụ sản xuất trong năm.

Các tỉnh, thành ĐBSCL có sự chuyển biến về việc giảm lượng giống lúa gieo sạ trong vụ thu đông 2021. Trong đó, giảm mạnh cơ cấu diện tích ở mức trên 150 kg/ha; tăng mức gieo sạ dưới 100 kg/ha so với vụ thu đông năm trước. Đồ họa: Trung Quân.

Các tỉnh, thành ĐBSCL có sự chuyển biến về việc giảm lượng giống lúa gieo sạ trong vụ thu đông 2021. Trong đó, giảm mạnh cơ cấu diện tích ở mức trên 150 kg/ha; tăng mức gieo sạ dưới 100 kg/ha so với vụ thu đông năm trước. Đồ họa: Trung Quân.

Trong vụ thu đông, các tỉnh, thành ĐBSCL gieo sạ hơn 714.000 ha, đạt 102% kế hoạch (giảm hơn 9.000 ha so với cùng kỳ năm trước). Năng suất ước đạt 56 tạ/ha (tăng 0,4 tạ/ha), sản lượng ước đạt hơn 4 triệu tấn (giảm 22.000 tấn).

Đối với lúa vụ mùa, toàn vùng ĐNB và ĐBSCL diện tích gieo sạ hơn 258.000 ha, giảm 6.000 ha, năng suất ước đạt hơn 49 tạ/ha (tăng 2,7 tạ/ha), sản lượng hơn 1.2 triệu tấn (tăng 43.000 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Đối với việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, diện tích cây trồng vật nuôi chuyển đổi trên đất lúa năm 2021 ước đạt hơn 77.300 ha, việc chuyển đổi trên đất lúa giúp sử dụng nước tiết kiệm và mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa, hệ số sử dụng đất tăng lên từ 1,5 - 2 lần tùy điều kiện của từng vùng.

Đối với việc thực hiện cánh đồng lớn tại ĐBSCL, vụ thu đông 2021 đạt hơn 93.400 ha, bằng 66,7% so với các vụ trước đây (trước đây ổn định ở 140.000 - 150.000 ha).

Tiêu thụ gặp nhiều khó khăn

Những tháng đầu năm 2021, ngành lúa gạo Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng về sản xuất do thời tiết thuận lợi và một số hiệp định thương mại mở ra lợi thế, triển vọng xuất khẩu đối với mặt hàng gạo.

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn cầu có thể khiến nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực được kỳ vọng vẫn ở mức cao.

Đến tháng 5/2021, trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, tình hình tiêu thụ lúa gạo trong nước và thị trường xuất khẩu ổn định. Lũy kế xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 2,5 triệu tấn, trị giá hơn 1,4 tỷ USD.

So với cùng kỳ năm trước, số lượng giảm 15,39%, giá trị giảm 5,31%. Giá xuất khẩu bình quân đạt hơn 542 USD/tấn, tăng hơn 57 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thu mua lúa tươi giảm so với cùng kỳ năm trước từ 500 - 800 đ/kg. Ảnh: TL.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thu mua lúa tươi giảm so với cùng kỳ năm trước từ 500 - 800 đ/kg. Ảnh: TL.

Từ đầu tháng 6/2021 đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng khắp các tỉnh thành phía Nam, việc đi lại thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ lúa gạo cho vụ hè thu với diện tích gần 1,8 triệu ha với sản lượng ước 10,1 triệu tấn với nhiều khó khăn thách thức.

Trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16 liên tục trong nhiều tháng liền, khả năng di chuyển của người dân cùng thiết bị thu hoạch, vận chuyển nông sản giữa các tỉnh đều bị trở ngại do các quy định phòng chống dịch như xét nghiệm nhanh, xét nghiệp PCR, cách ly… dẫn tới thiếu doanh nghiệp, thương lái thu mua cùng phương tiện và nhân công tham gia thu hoạch, vận chuyển về nơi tiêu thụ.

Mặt khác, giá thu mua lúa tươi giảm so với cùng kỳ năm trước từ 500 - 800 đ/kg. Ngoài ra, đang trong mùa mưa, lúa tươi không được sấy khô, sản phẩm khó bảo quản, tồn trữ nếu không được thu hoạch và tiêu thụ kịp thời sẽ bị giảm chất lượng rất nhanh và hư hỏng.

Hiện nay, hệ thống thương lái, doanh nghiệp đang tăng mua trở lại nên giá bán đang được cải thiện. Tuy nhiên, nguồn tín dụng dành cho đối tượng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo vẫn rất khó để tiếp cận, do nguồn vốn vay không có tài sản bảo đảm.

Bên cạnh đó, do lãi suất vay thu mua lúa gạo hiện đã ở mức thấp nên một số doanh nghiệp không được ngân hàng giảm thêm lãi cũng như cơ cấu nợ theo các chính sách hỗ trợ khác.

Việc thực hiện hỗ trợ tài chính cho ngành lúa gạo vẫn còn một số hạn chế như hạn mức cho vay còn thấp; thời gian cho vay ngắn và hầu hết các thủ tục giải ngân đều yêu cầu doanh nghiệp phải có hợp đồng xuất khẩu gạo, trong khi tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng ở giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội này đang hết sức khó khăn.

Đối với xuất khẩu gạo, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế xuất khẩu gạo đến nửa đầu tháng 9/2021 đạt 4,23 triệu tấn, trị giá 2,26 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 12,09% về lượng và giảm 4,53% về giá trị.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất