| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khép kín từ nguồn nguyên liệu sẵn có

Thứ Ba 21/06/2022 , 11:15 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Tái sử dụng nguồn nguyên liệu tạo ra chuỗi sản phẩm nấm, rau mầm và phân hữu cơ góp phần tăng hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường.

Đây là mô hình kinh tế tuần hoàn do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ tỉnh Bình Thuận (Sở Khoa học-Công nghệ) thực hiện.

Quy trình khép kín

Theo TS. Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Bình Thuận có nhiều tiềm năng và lợi thế trong sản xuất nông nghiệp bởi được đầu tư hệ thống thủy lợi cơ bản hoàn chỉnh. Thế nhưng ngành nông nghiệp hiện còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ và giá cả không ổn định.

Với những tồn tại này, việc giới thiệu các mô hình sản xuất có hiệu quả góp phần đa dạng đối tượng giống cây trồng vật nuôi cho người sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh xem xét, ứng dụng là cần thiết. Trong số đó có mô hình kinh tế tuần hoàn “Tái sử dụng nguồn nguyên liệu tạo ra chuỗi sản phẩm nấm, rau mầm và phân hữu cơ góp phần tăng hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường”.

Thu hoạch nấm linh chi. Ảnh: KH.

Thu hoạch nấm linh chi. Ảnh: KH.

Về quy trình sản xuất mô hình trên, ông Lê Việt Kỳ, chuyên viên Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa công nghệ thuật tỉnh Bình Thuận chia sẻ: Đầu tiên là trồng nấm linh chi hoặc bào ngư… Sau khi kết thúc đợt trồng này, tiếp tục tận dụng nguồn mùn cưa để trồng nấm rơm. Bởi nguồn mùn cưa sau trồng các loại nấm khác được sử dụng để trồng nấm rơm thì năng suất cao hơn 5-7% so với trồng nấm rơm trên rơm.

"Điều này có ý nghĩa kinh tế rất lớn vì không phải tốn chi phí mua nguyên liệu mà năng suất còn cao hơn trên rơm. Sau khi kết thúc đợt trồng nấm rơm, tiếp tục tái sử dụng nguyên liệu này để trồng rau mầm. Nguồn nguyên liệu này hoàn toàn thích hợp cho trồng rau mầm vì sau khi trồng 2 loại nấm trên, nguyên liệu đã gần như bão hòa nước, giữ ẩm rất tốt", ông Lê Việt Kỳ chia sẻ.

Đây là mô sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khép kín. Ảnh: KS.

Đây là mô sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khép kín. Ảnh: KS.

Sau khi kết thúc đợt trồng rau mầm, tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ. Nguồn nguyên liệu này được phối trộn chung với phân bò, tro trấu…sau đó ủ chung với men vi sinh khoảng 1 tháng sẽ tạo thành phân hữu cơ.

Từ nguồn phân hữu cơ này tiếp tục sử dụng trong trồng trọt sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Sau khi kết thúc vụ trồng trọt, các phế thải nông nghiệp tiếp tục được sử dụng để trồng nấm. Như vậy, từ mùn cưa thải sau trồng nấm, nguyên liệu được tái sử dụng nhiều lần để cho ra các sản phẩm khác nhau. Sau đó phế phụ phẩm từ trồng trọt lại trở thành nguồn nguyên liệu trồng nấm.

Hiệu quả

Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ tỉnh cho biết, bắt đầu từ năm 2013, đơn vị đã phối hợp với Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Tánh Linh triển khai đề tài “Xây dựng mô hình liên kết trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm”.

Tận dụng nguyên liệu để sản xuất rau mầm. Ảnh: KS.

Tận dụng nguyên liệu để sản xuất rau mầm. Ảnh: KS.

Năm 2020, triển khai đề tài “Xây dựng mô hình trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm”. Hiện tại, Trung tâm đang phối hợp với Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Đức Linh thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình liên kết tạo chuỗi sản phẩm nấm bào ngư, rau mầm và phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm”, dự kiến tháng 8/2022 kết thúc. Đồng thời, đơn vị đang phối hợp các địa phương tập huấn kiến thức sản xuất 4 loại sản phẩm trên đến người dân.

Theo mô hình kinh tế tuần hoàn trong dự án này, người trồng nấm rơm có lợi nhuận trên 15 triệu đồng, thay vì chỉ 9,75 triệu đồng do tiết kiệm được 6 triệu đồng từ tận dụng mùn cưa thải sau trồng nấm linh chi…Do đó có thể khẳng định, mô hình “Tái sử dụng nguồn nguyên liệu tạo ra chuỗi sản phẩm nấm, rau mầm và phân hữu cơ góp phần tăng hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường” là mô hình kinh tế tuần hoàn, đang được khuyến khích phát triển hiện nay.

Hiện tỉnh Bình Thuận đang triển khai mô hình này đến với bà con nông dân. Ảnh: KH.

Hiện tỉnh Bình Thuận đang triển khai mô hình này đến với bà con nông dân. Ảnh: KH.

Cũng theo đánh giá của Trung tâm, mô hình tạo ra được nhiều sản phẩm nhưng tiết kiệm chi phí nguyên liệu, thân thiện với môi trường, hiệu quả nhân rộng cao. Kỹ thuật sản xuất ra các sản phẩm trong mô hình tương đối đơn giản, người dân có thể tiếp cận và làm chủ quy trình nhanh. Mặt khác, kinh phí để triển khai mô hình không lớn, do đó nhiều người dân có thể đầu tư được. Thuận lợi nữa là khí hậu tại Bình Thuận hoàn toàn thích hợp để triên khai mô hình này và không tốn nhiêu thời gian để tạo ra các sản phẩm trên nên phù hợp cho nhiều đối tượng lao động.

Tuy nhiên với quy mô đầu tư nhỏ, các sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ nhưng khi đầu tư lớn thì bài toán đầu ra có thể khó khăn vì người dân vẫn chưa có kênh sản xuất – tiêu thụ, chủ yếu tự tìm kiếm thị trường. Đối với người nông dân đây là vấn đề trở ngại nhất.

Chính vì vậy, để thay đổi tập quán và nhân rộng mô hình, thông qua nhiều nguồn kinh phí khoa học công nghệ, khuyến nông... cần tiếp tục hỗ trợ làm các mô hình mẫu để người dân có thể tham quan, học tập, từ đó công tác nhân rộng hiệu quả mô hình được cao hơn.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.