Diễn đàn nhằm định hướng và phát huy có hiệu quả lợi thế về tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương trong sản xuất rau an toàn CNC, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Trần Văn Khởi cho biết, ứng dụng CNC sản xuất rau tạo ra hàng hóa ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm. |
Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như nắng nóng, mưa bão thất thường gây ra dịch bệnh cho cây trồng. Vì vậy, chúng ta đưa cây trồng vào trong nhà màng, nhà lưới sẽ hạn chế nhiều dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Trên địa bàn cả nước đã hình hành nhiều diện tích sản xuất rau tập trung áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), tổ chức sản xuất, sơ chế kinh doanh tiêu thụ rau an toàn khá thành công.
Theo Cục Trồng trọt, năm 2018, sản xuất rau cả nước ước đạt 961,5 nghìn ha (tăng 23,3 nghìn so với năm 2017), năng suất ước đạt 177,8 tạ/ha (tăng 3,6 tạ/ha với năm 2017), sản lượng ước đạt gần 17,09 triệu tấn (tăng khoảng 754,5 nghìn tấn, tương đương 104,6% so với năm 2017).
Cơ sở sản xuất rau CNC của hộ ông Nhan Quốc Khang, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. |
Các tỉnh có diện tích và năng suất trồng rau lớn: Tiền Giang 51,5 nghìn ha, năng suất đạt 202,4 tạ/ha; An Giang 33,3 nghìn ha, năng suất đạt 218,6 tạ/ha. Những tỉnh, thành phố có năng suất đạt cao nhất là Lâm Đồng 331,5 tạ/ha, TP. Hồ Chí Minh 315,6 tạ/ha.
Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn gặp phải không ít thách thức từ việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn, phát triển thị trường cho sản phẩm... nhất là kỹ thuật sản xuất còn quá khó, đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật cao. Một số nguyên nhân có thể kể đến như công tác quy hoạch vùng sản xuất, hạ tầng chưa đồng bộ; thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất chưa đáp ứng…
Ông Nhan Quốc Khang, chủ cơ sở rau sạch Tiến Phát (ấp Trường Xuân B, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) sản xuất rau thủy canh trong nhà lưới với quy mô trên 2.000 m2 cho biết: “Hiện chi phí đầu tư nhà lưới mỗi 1.000 m2 khoảng 1 tỷ đồng. Mỗi ngày cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 100 kg rau các loại như xà lách, cải, cần ô…”.
Hiện chi phí đầu tư sản xuất rau sạch ứng dụng CNC khá lớn, giá thành sản xuất cao |
Theo ông Khang, hiện giá thành sản xuất rau thủy canh tại cơ sở của ông đang ở mức cao do tốn nhiều chi phí như công nhân, điện nước và nhất là chi phí khấu hao nhà lưới. Do đó, việc liên kết với đối tác có tiềm năng tiêu thụ lớn như siêu thị sẽ gặp khó vì giá bán sẽ bị đẩy lên thì người tiêu dùng khó chấp nhận. Hoặc ngược lại đối tác sẽ thu mua giá thấp, việc sản xuất sẽ không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng.
Nhằm định hướng và tìm ra giải pháp phát huy có hiệu quả lợi thế về tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương trong sản xuất rau an toàn ứng dụng CNC, ông Trần Văn Khởi đề xuất một số giải pháp như: Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ thực hiện một số mô hình áp dụng CNC, tập huấn năng lực sản xuất, quản trị trang trại cho nông dân.
Đại biểu tham quan mô hình sản xuất rau sạch ứng dụng CNC tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) |
Đại diện Cục Trồng trọt đề nghị cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung để đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi, xử lý các vấn đề môi trường. Hình thành chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất - tiêu thụ như hỗ trợ phát triển các quầy rau an toàn tại các chợ, siêu thị… Ngoài các giải pháp chủ yếu nêu trên còn có hàng loạt các giải pháp khác như vốn đầu tư cho CNC, cơ chế chính sách, liên kết với các tỉnh về sản xuất, tiêu thụ…