Làm sầu GAP hướng hữu cơ
Tại thị trấn Đạ M'Ri (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng), gia đình ông Lê Quang Thuyên đang phát triển khu vườn sầu riêng với 100 gốc sầu riêng Thái và 70 gốc sầu riêng Ri6. Toàn bộ sầu riêng cho thu hoạch năm thứ 4 và mỗi vụ gia đình thu về đều đặn trên 20 tấn trái.
Ông Lê Quang Thuyên chia sẻ: "Những năm gần đây, gia đình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP hướng nông nghiệp hữu cơ. Cỏ ở nền vườn chúng tôi không phun thuốc diệt trừ như trước đây mà duy trì để tạo độ ẩm và tạo môi trường cho vi sinh vật phát triển. Trường hợp cỏ quá tốt thì chúng tôi sử dụng máy để cắt bỏ phần ngọn".
Cũng theo ông Lê Quang Thuyên, hiện nay, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà gia đình ông áp dụng vào sản xuất đều là những loại nằm trong danh mục cho phép. Đặc biệt, gia đình đang chuyển dần sang các loại phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học để bảo vệ cây trồng.
Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Xuân Điệp (ngụ thôn 1, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai) trồng sầu riêng từ năm 1997 với tổng diện tích 3ha (xen măng cụt). Theo ông Nguyễn Xuân Điệp, mỗi năm gia đình thu về khoảng 40-50 tấn sầu riêng và bán cho các thương lái để xuất khẩu qua Trung Quốc.
Để đảm bảo sản phẩm sầu riêng chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, gia đình ông tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP từ năm 2016. Hiện nay, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đón đầu việc xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc, gia đình ông Điệp tiếp tục duy trì sản xuất VietGAP và theo hướng hữu cơ.
Cũng tại thị trấn Đạ M'Ri, Hợp tác xã Nông nghiệp Đạ M'Ri là một trong những tổ chức nông dân sản xuất sầu riêng lớn nhất của huyện Đạ Huoai. Hiện nay, Hợp tác xã này có khoảng 80 thành viên với tổng diện tích sầu riêng khoảng 150ha. Trong số 150ha này có 80ha đang cho thu hoạch còn lại đang ở giai đoạn kiến thiết cơ bản. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Đạ M'Ri, sản lượng sầu riêng của hợp tác xã đạt khoảng trên 800 tấn/năm và nguồn sản phẩm lớn này chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch.
Những năm gần đây, dù xuất khẩu tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc nhưng việc sản xuất sầu riêng luôn được Hợp tác xã Đạ M'Ri thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP hướng hữu cơ. Theo đó, các thành viên sản xuất phải tổ chức không gian trồng trọt theo đúng tiêu chuẩn, xây dựng các nhà kho, khu chứa vật tư nông nghiệp và phải xây dựng khu xử lý chất thải, phế phẩm…
Việc sản xuất phải được ghi nhật ký và các thông số về lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều phải tuân thủ quy trình đặt ra. Đặc biệt phải thực hiện các biện pháp kiểm tra và giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Đạ M'Ri cho hay: "Hiện nay, quy trình sản xuất sầu riêng của hợp tác xã đều đã ổn định và chất lượng sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hướng đến sản xuất hữu cơ để tiếp cận thị trường".
Rốt ráo đăng ký mã số vùng trồng
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đạ Huoai, hiện nay, diện tích sầu riêng của toàn huyện ở vào khoảng 4.500ha và chủ yếu canh tác tập trung. Trong số 4.500 ha này có khoảng 2.000ha diện tích đang cho kinh doanh và hầu hết diện tích kinh doanh đều được sản xuất tốt, đủ tiêu chuẩn về chất lượng để xuất khẩu. Tồn tại lớn nhất hiện nay là vấn đề mã số vùng trồng chưa được cấp nên ngành nông nghiệp huyện Đạ Huoai đã và đang khảo sát và đề nghị Sở NN-PTNT Lâm Đồng, Cục Bảo vệ thực vật xem xét, sớm cấp mã số vùng trồng để hoàn thiện quy trình cho xuất khẩu.
Ông Nguyễn Xuân Điệp (ngụ thôn 1, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai) cho hay, vấn đề mã số vùng trồng quan trọng cho việc xuất khẩu nên thời gian qua, gia đình đã tham gia vào tổ hợp tác sản xuất sầu riêng tại địa phương để làm các thủ tục xin cấp mã số vùng trồng.
"Ngành nông nghiệp đã tổ chức khảo sát và hướng dẫn chúng tôi thực hiện các thủ tục cần thiết. Hy vọng mọi việc thuận lợi để chúng tôi được cấp mã số vùng trồng trong thời gian tới", ông Nguyễn Xuân Điệp nói. Tương tự, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Đạ M'Ri cũng tiến hành thực hiện các thủ tục để xin cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng của hợp tác xã. Theo ông Sơn, đây là tiêu chí cuối cùng để sầu riêng của hợp tác xã xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc.
Ông Phạm Quang Chiến, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho biết, trong 2 năm vừa qua, huyện đã triển khai các bước để đảm bảo nguồn hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc. Cụ thể là ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các hộ nông dân, các hợp tác xã tổ chức sản xuất sầu riêng theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt như sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP và sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đặc biệt ngành nông nghiệp huyện tiến hành làm các thủ tục cấp mã số vùng trồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con sản xuất kinh doanh sầu riêng.
Cũng theo ông Chiến, Trung Quốc là thị trường lớn và khi thị trường này mở cửa nhập khẩu sầu riêng chính ngạch thì sẽ là điểm khởi đầu thuận lợi đối với sầu riêng Đạ Huoai nói riêng và sầu riêng cả nước nói chung. Khi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, thương lái và các đơn vị thu mua sẽ có những hợp đồng bao tiêu đối với bà con nông dân, hợp tác xã ở địa phương một cách chắc chắn. Việc này sẽ giúp người dân ổn định sản xuất và việc quy hoạch, tổ chức sản xuất cây sầu riêng cũng trở nên thuận lợi hơn.
"Ngành nông nghiệp huyện đang vận động bà con, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục kê khai, thủ tục theo trình tự đăng ký mã số vùng trồng. Đối với các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, chúng tôi khuyến cáo người dân tham gia hoặc thành lập các tổ hợp tác để tiện đăng ký mã số vùng trồng", ông Phạm Quang Chiến nói và cho biết thêm, vấn đề cấp mã số vùng trồng gặp nhiều vướng mắc nên thời gian qua, UBND huyện Đạ Huoai đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Hiện tại, ngành nông nghiệp huyện Đạ Huoai đã hoàn thiện một số hồ sơ và đã gửi ra Cục Bảo vệ thực vật xem xét để cấp mã số vùng trồng.
Ông Phạm Quang Chiến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đạ Huoai cho biết, sầu riêng là cây trồng chủ lực của địa phương và sản lượng hàng năm ở vào khoảng 25.000 – 30.000 tấn/năm. Sản lượng lớn nhưng việc tiêu thụ trong nước chiếm tỉ lệ rất ít, còn lại đa phần phục vụ xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Chính điều này đã dẫn đến thực trạng người sản xuất chịu thiệt hại do tác động từ thị trường Trung Quốc. "Đối với vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch, trường hợp ở biên giới khó khăn, không thông thương được thì sẽ dẫn đến giá từ thương lái thu mua sầu riêng của bà con nông dân ở địa bàn cũng giảm. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến người sản xuất và gây tâm lý lo lắng đối với bà con", ông Phạm Quang Chiến nói.