| Hotline: 0983.970.780

Để sản xuất vụ đông của Nghệ An thực sự hiệu quả

Thứ Ba 13/09/2022 , 06:45 (GMT+7)

Đã gieo trồng cây gì phải đầu tư thâm canh cây đó, tuyệt đối không gieo trồng để mở rộng diện tích, vì phong trào, vì thành tích...

Sản xuất vụ đông ở Nghệ An được chính thức bắt đầu từ năm 1986 sau khi vụ sản xuất hè thu ra đời thay thế dần vụ mùa bấp bênh, năng suất thấp. Từ đó lại nay, sản xuất vụ đông đã từng bước trở thành vụ sản xuất chính ở Nghệ An và đã đem lại hiệu quả lớn qua các năm.

Tuy nhiên những năm gần đây, diện tích sản xuất cây vụ đông, nhất là cây ngô và khoai lang đang có xu hướng giảm dần, các cây trồng khác có tăng, có giảm nhưng không đáng kể.

14200629anh-1-142006-103838

Hiện nay, cây ngô vẫn là một trong những cây vụ đông chủ lực của Nghệ An. Ảnh: Anh Thế.

Nhìn lại sản xuất vụ đông đã qua

- Thời kỳ cao điểm sản xuất vụ đông là giai đoạn từ 2001 – 2010. Giai đoạn này, tổng diện tích các loại cây trồng vụ đông của Nghệ An đạt bình quân hơn 47.000ha. Trong đó, năm có diện tích sản xuất vụ đông nhiều nhất là năm 2003 với diện tích sản xuất đạt 55.261ha.

Cây trồng có diện tích và sản lượng lớn nhất là cây ngô, diện tích ngô vụ đông trung bình thời kỳ này là hơn 26.400ha, năng suất bình quân hơn 35 tạ/ha, sản lượng đạt 95.680 tấn. Cây trồng nhiều thứ hai là cây khoai lang, diện tích khoai lang đông trung bình thời kỳ này đạt trên 8.900 ha/vụ, năng suất bình quân đạt 65,23 tạ/ha, sản lượng hơn 58.000 tấn.

Cây trồng nhiều thứ ba trong vụ đông là rau, củ, quả các loại, diện tích gieo trồng đạt bình quân 8.480ha/vụ, năng suất trung bình hơn 95 tạ/ha, sản lượng trên 80.700 tấn.

- Sang giai đoạn từ 2011 – 2022, tổng diện tích sản xuất các loại cây trồng vụ đông đạt bình quân hơn 37.000ha. Trong đó, năm có diện tích sản xuất vụ đông nhiều nhất là năm 2014, diện tích sản xuất đạt 41.540ha.

Cây trồng có diện tích sản xuất nhiều nhất trong vụ đông là cây ngô, diện tích bình quân trong thời kỳ này là hơn 21.500ha/vụ, năng suất bình quân hơn 42 tạ/ha, sản lượng trung bình 90.790 tấn. Sau cây ngô là cây rau, củ, quả các loại, với diện tích gieo trồng bình quân giai đoạn này là 11.236ha, năng suất đạt bình quân gần 129 tạ/ha, sản lượng 146.166 tấn.

Diện tích rau màu các loại ở vụ đông của Nghệ An tăng nhanh trong những năm qua. Ảnh: BNA.

Diện tích rau màu các loại ở vụ đông của Nghệ An tăng nhanh trong những năm qua. Ảnh: Xuân Hoàng.

Như vậy, diện tích sản xuất vụ đông trung bình hàng năm giai đoạn 2011 – 2022 giảm so với giai đoạn 2001 – 2010 là hơn 10 nghìn ha, bằng 21%. Trong đó, cây ngô giảm hơn 4.900ha, bằng 18,58%. Cây khoai lang giảm hơn 6.100ha, bằng 68%.

Riêng các loại cây rau, củ, quả các loại ở giai đoạn 2011 – 2022 so với giai đoạn 2001 – 2010, diện tích tăng hơn 2.750ha, bằng 32,5%, năng suất tăng 33,7 tạ/ha, bằng 35,4%; sản lượng tăng 65.414 tấn, bằng 81%. Còn lại các cây trồng khác tăng, giảm không đáng kể.

Nhìn chung, sản xuất vụ đông ở Nghệ An những năm qua diện tích gieo trồng giảm mạnh, nhất là cây ngô và cây khoai lang; trong khi cây rau, củ, quả các loại tăng nhanh cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Trong khi đó, quỹ đất, quỹ thời gian để sản xuất vụ đông còn rất nhiều. Chứng tỏ sản xuất vụ đông ở Nghệ An chưa được khai thác tốt tiềm năng về đất đai, lợi thế về khí hậu và quỹ thời gian từ sau khi thu hoạch xong các loại cây trồng vụ hè thu của năm trước đến sản xuất vụ xuân của năm sau (khoảng hơn 3 tháng).

Nguyên nhân diện tích sản xuất vụ đông giảm dần những năm qua có thể có nhiều, từ việc triển khai tổ chức chỉ đạo sản xuất, ảnh hưởng của thời tiết khí hậu, đến việc hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giá cả thị trường… còn nhiều hạn chế và bất cập.

Trong các nguyên nhân nói trên, theo nông dân ở một số địa phương, nguyên nhân chủ yếu là do đầu vụ gieo trồng từ trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 10 hàng năm có lúc, có năm mưa gió nhiều, làm hỏng cây trồng, thậm chí ngập úng phải gieo trồng lại, vừa tốn công chăm sóc, vừa làm tăng chi phí sản xuất nên hiệu quả sản xuất thấp.

Để sản xuất vụ đông thật sự hiệu quả

Vụ đông năm 2022, Nghệ An có kế hoạch phấn đấu gieo trồng 35.430ha các loại cây trồng. Trong đó cây ngô 19.500ha, trong số này có 14.500ha ngô lấy hạt, năng suất 48 tạ/ha, sản lượng 69.600 tấn, còn lại gieo trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho trâu bò. Cây khoai lang trồng 1.450ha, năng suất 66 tạ/ha, sản lượng 9.750 tấn. Cây khoai tây 530ha, năng suất 150 tạ/ha, sản lượng 7.950 tấn, cây lạc 1.450ha, năng suất 25,5 tạ/ha, sản lượng 3.697,5 tấn và cây rau, củ, quả các loại 12.500ha, năng suất 140 tạ/ha, sản lượng 175.000 tấn.

14200741anh-2-142007-103835

Tiềm năng, lợi thế sản xuất vụ đông của Nghệ An còn rất lớn, tuy nhiên cần phải có cách làm phù hợp. Ảnh: VK.

Phải khẳng định, quỹ đất, quỹ thời gian, lợi thế về khí hậu, khả năng về nguồn lực đầu tư và các tiến bộ khoa học kỹ thuật… để tổ chức sản xuất vụ đông ở Nghệ An thành một vụ sản xuất chính, có hiệu quả trên quy mô lớn không khó khăn lắm.

Muốn làm được như vậy, ngay từ sản xuất vụ đông 2022 này, Sở NN-PTNT sẽ quyết tâm cùng với các ngành, các địa phương tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp chủ yếu:

Một: Triển khai tổ chức chỉ đạo sản xuất từ tỉnh xuống các địa phương phải sớm, phải mang khí thế quyết tâm cao ngay từ đầu và phải được duy trì suốt cả vụ sản xuất. Đồng thời, các cấp chính quyền nên thành lập các ban chỉ đạo sản xuất vụ đông như những năm 2010 trở về trước đã từng làm. Nếu làm được như vậy, phong trào sản xuất vụ đông sẽ được khơi dậy và sẽ cho kết quả tốt.

Hai: Mỗi một cơ sở sản xuất phải xây dựng được kế hoạch sản xuất và quy hoạch vùng sản xuất vụ đông. Trong đó, trên cơ sở địa hình vùng đất, cánh đồng cao, thấp; dễ bị ngập úng, ít bị ngập úng… và tính chất đất đai tốt, xấu; đất cát pha hay thịt nhẹ; đất sét hay đất thịt để có hướng bố trí vùng nào, trồng cây gì là phù hợp nhất nhằm giảm thiệt hại do thời tiết vào mùa mưa bão.

Một trong những nguyên tắc căn bản để vụ đông Nghệ An tránh rủi ro, đó là gieo trồng càng sớm càng tốt. Ảnh:

Một trong những nguyên tắc căn bản để vụ đông Nghệ An tránh rủi ro, đó là gieo trồng càng sớm càng tốt. Ảnh: BNA.

Ba: Đảm bảo thời vụ gieo trồng càng sớm càng tốt để không làm ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất vụ xuân năm sau. Đặc thù riêng của vụ đông ở Nghệ An là vụ thường xuất hiện mưa nhiều, mưa to, gió lớn, đất ẩm ướt, thậm chí ngập úng tạm thời. Vì vậy, cần tranh thủ gieo trồng sớm sau khi đã thu hoạch xong cây trồng trong vụ hè thu. Muốn làm được như vậy, mỗi loại cây trồng cần có biện pháp kỹ thuật gieo trồng năng động, cụ thể để giảm bớt thiệt hại do thời tiết gây ra. Ví dụ cây ngô nên gieo trong bầu đất, khi nào có 2 – 3 lá thật mới đem ra ruộng để trồng; rau, củ, quả các loại chỉ nên gieo trồng trong vườn ươm có mái che, sau đó dùng cây con đem ra ruộng trồng…

Bốn: Cần đa dạng các loại cây trồng trong vụ đông để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, địa hình đất đai cao thấp, rải vụ thời gian thu hoạch, hạn chế ép giá khi thu hoạch khối lượng sản xuất lớn, dễ dàng tiêu thụ sản phẩm sau khi thu hoạch.

Các cây trồng trong vụ đông khá phong phú, mỗi cơ sở sản xuất cần tính toán thật cụ thể để xác định nên gieo trồng cây gì nhiều, cây gì ít và gieo trồng ở trên loại đất nào. Theo tôi, cây trồng cần ưu tiên gieo trồng nhiều trong vụ đông năm nay ở Nghệ An gồm có: Một là cây ngô, bao gồm ngô lấy hạt, ngô thu hoạch bắp tươi non (ngô nếp luộc, ngô ngọt, ngô rau…) và ngô sinh khối làm thức ăn gia súc.

Nhóm thứ hai là các loại rau, củ, quả các loại như rau cải, cải bắp, xu hào, hành tỏi, khoai tây, bầu bí, dưa chuột, dưa hấu, cà chua… Các loại cây trồng này ngắn ngày, có thể trồng thuần, trồng xen, trồng gối vụ, trồng nhiều lứa trong một vụ.

Rau, củ, quả các loại vẫn còn tiềm năng, dư địa rất lớn trong vụ đông của Nghệ An.

Rau, củ, quả các loại vẫn còn tiềm năng, dư địa rất lớn trong vụ đông của Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng.

Cây thứ ba là cây khoai lang, vừa dễ trồng, trồng ngay khi đất còn ướt nước vẫn tốt. Củ khoai vừa để ăn tươi, vừa phơi sấy khô để ăn lâu dài, giá 1kg khoai củ hiện nay cao gấp 1,5 – 2 lần giá 1kg gạo bình thường, đem lại thu nhập cao cho người trồng. Dây lá khoai lang làm thức ăn xanh cho trâu bò, lợn gà và có thể phơi khô xay thành bột làm thức ăn dự phòng cho chăn nuôi.

Ngoài ra ở Nghệ An, tùy theo chất đất ở mỗi địa phương để mở rộng diện tích trồng khoai tây, loại cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, năng suất cao, bảo quản được lâu sau khi thu hoạch và là loại thực phẩm tốt cho con người.

Năm: Đã gieo trồng cây gì phải đầu tư thâm canh cây đó từ bón phân đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và phải đảm bảo thời vụ gieo trồng càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không gieo trồng để mở rộng diện tích, vì phong trào, vì thành tích… Chừng nào còn sản xuất theo kiểu này thì chỉ có làm mất phong trào và không bao giờ đem lại hiệu quả kinh tế.

Sáu: Nâng cao hoạt động của các HTX nông nghiệp, các tổ hợp tác trong việc tìm kiếm các đối tượng để liên kết, liên doanh giữa cơ sở sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Đồng thời giúp các cơ sở sản xuất và bà con nông dân ứng dụng công nghệ số vào việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm, bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm