Bát nháo thị trường lúa giống
Với diện tích sản xuất lúa hơn 3,8 triệu ha/năm, nông dân ĐBSCL cần lượng lúa giống để gieo sạ rất lớn, khoảng 400.000 tấn mỗi năm. Đây là mức tính toán theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp với mật độ gieo sạ từ 100 - 120kg/ha. Trong khi nông dân ở ĐBSCL vẫn có thói quen, tập quán sạ dày nên lượng lúa giống thực tế cần nhiều hơn con số đó rất nhiều.
Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất khu vực ĐBSCL với hơn 700.000ha/năm. Nhu cầu lúa giống cấp xác nhận phục vụ cho sản xuất từ 60.000 - 70.000 tấn/năm. Ông Ngô Đình Thức, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết, hiện nay thị trường kinh doanh lúa giống ngày càng cạnh tranh khốc liệt và cả sự bát nháo.
Những đơn vị làm ăn chân chính thì phải mua bản quyền, chia sẻ bản quyền làm cho giá bán ra bị đội lên. Còn những tổ chức, cá nhân làm ăn bát nháo, bán “lúa giống bao trắng” không phải trả phí bản quyền, bán giá thấp, dễ thu hút hách hàng. Điều này làm cho giống lúa chất lượng, đạt các tiêu chuẩn về lúa giống theo quy định được đưa vào sản xuất rất hạn chế.
Hiện nay, tại ĐBSCL có 3 giống lúa chủ lực, được nông dân sản xuất với diện tích lớn là OM5451, OM18 và Đài Thơm 8. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc
Trời đã mua, sở hữu bản quyền 2 giống là OM5451 và OM18. Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) sở hữu bản quyền giống lúa Đài Thơm 8.
Ông Ngô Đình Thức, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết, hiện nay, đơn vị đã liên hệ nhưng chưa được chủ sở hữu chia sẻ bản quyền đối với giống lúa Đài Thơm 8 và ST24, ST25. Đây là những giống lúa đang chiếm diện tích lớn trong cơ cấu giống lúa sản xuất tại Kiên Giang.
“Do chưa được chia sẻ bản quyền, nên để có giống lúa ST24, ST25 đạt tiêu chuẩn
cung ứng cho nông dân sản xuất, hiện chúng tôi phải mua lại qua bên thứ 3, khiến cho chi phí lúa giống tăng cao, mà người chịu thiệt thòi cuối cùng chính là nông dân”, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang chia sẻ.
Chính vì các tập đoàn, công ty lớn đang sở hữu bản quyền các giống lúa nhưng không chia sẻ bản quyền cho các đơn vị như Trung tâm giống, các đơn vị sản xuất kinh doanh lúa giống, dẫn đến tình trạng “lúa giống bao trắng”, lúa được đóng bao và lấy mác là "lúa nguyên liệu", lúa được quảng cáo là “lúa chất lượng cao” để bán làm giống trôi nổi xuất hiện ngày càng nhiều.
Đây là cách làm ăn gian dối, đối phó, ai cũng biết đó là những bao lúa giống nhưng cố tình lách luật. Trong khi việc quản lý nhà nước, kiểm tra của ngành chuyên môn về công tác quản lý giống cây trồng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể xử phạt.
Theo ông Thức, “lúa giống bao trắng” không được kiểm nghiệm chất lượng giống, người ta chỉ cần chọn những ruộng lúa đẹp mắt, sau đó cắt, sấy khô và làm sạch rồi đóng bao để bán nên giá thành rẻ hơn rất nhiều so với lúa giống làm theo quy trình, đảm bảo chất lượng. Nông dân mua lúa giống bao trắng với giá rẻ để sản xuất, không chỉ gặp rủi ro thiệt hại do tụt giảm năng suất và chất lượng lúa gạo, mà còn làm cho thị trường lúa giống bát nháo và cạnh tranh không lành mạnh. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh lúa giống đúng quy định của nhà nước sẽ gặp khó khi không thể cạnh tranh được về giá.
Hiện nay, việc chia sẻ bản quyền lúa giống thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ, không có quy định ràng buộc phải chia sẻ mà tùy vào đơn vị nắm bản quyền có muốn chia sẻ hay không. Các đơn vị muốn được chia sẻ bản quyền phải đi đàm phán với chủ sở hữu và tùy theo từng giống, nhu cầu thị trường mà chủ sở hữu sẽ đưa ra mức giá nhượng quyền khác nhau. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân sở hữu mà muốn độc quyền, không chia sẻ thì cũng đành chịu.
Doanh nghiệp "khư khư" bản quyền, nông dân chịu thiệt?
Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) cho biết: Là đơn vị thành viên của Vinaseed, Công ty được giao nhiệm vụ chuyên sản xuất lúa giống đảm bảo chất lượng và cung ứng ra thị trường. Hiện nay, các tỉnh thành ở ĐBSCL đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, các cánh đồng lớn sản xuất lúa đạt các tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng vùng nguyên liệu để chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp. Với các mô hình này, yêu cầu đầu tiên là phải sản xuất bằng giống cấp xác nhận, có giấy chứng nhận lô giống sản xuất đạt chuẩn.
Về giống lúa Đài Thơm 8 mà Vinaseed đang sở hữu bản quyền, ông Thuận cho biết, hiện đã có thêm giống Đài Thơm 8 thế hệ mới, được nghiên cứu phát triển thêm các gen để tăng tính chống chịu sâu bệnh, giúp sản xuất đạt hiệu quả hơn. Đối với thị trường khu vực miền Trung và phía Bắc, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) sản xuất và cung ứng. Còn Vinarice đảm nhận thị trường chính ở ĐBSCL.
"Thời gian qua, tại ĐBSCL cũng có một số đơn vị đặt vấn đề chia sẻ bản quyền giống lúa Đài Thơm 8 nhưng chúng chưa đồng ý cho đơn vị nào, không phải đơn vị muốn độc quyền mà nhằm đảm bảo chất lượng về độ thuần di truyền của giống, cần phải chọn tạo lại thường xuyên, liên tục để giống không bị thoái hóa. Vì vậy, Vinarice hiện không cung ứng hoặc chia sẻ giống lúa Đài Thơm 8 cấp nguyên chủng cho các đơn vị để nhân giống. Chúng tôi chỉ sản xuất và cung ứng ra thị trường giống Đài Thơm 8 cấp xác nhận để nông dân sản xuất lúa hàng hóa”.
Ông Nguyễn Văn Đối, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Hậu Giang cho rằng, xu hướng độc quyền sở hữu một số giống lúa của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn dẫn đến tình trạng hút hàng khi vào vụ do nguồn cung thiếu hụt. Cứ sau mỗi đợt hút hàng là giá giống lại tăng thêm. “Vậy tại sao doanh nghiệp không chia sẻ bản quyền cho các địa phương để mở rộng nhân giống, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân? Có vấn đề độc quyền để trục lợi hay không?” ông Đối đặt vấn đề.
Việc thiếu hụt nguồn cung lúa giống đảm bảo chất lượng không chỉ làm tăng giá mà còn tạo điều điện để các đối tượng làm ăn gian dối “đục nước béo cò”.
“Khi không đủ nguồn cung thì nông dân chấp nhận mua “giống lúa ngang”, được đóng trong bao trắng với dòng chữ “lúa nguyên liệu” nên thanh tra có phát hiện cũng rất khó có cơ sở để xử phạt. Các đối tượng làm ăn gian dối còn móc nối với đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp tại địa phương, nhận đặt hàng của nông dân, ghi địa chỉ rồi chở thẳng tới nhà dân. Thanh tra chỉ có thể kiểm tra kho của đại lý chứ không thể đến từng nhà dân kiểm tra được”, ông Đối nêu khó khăn.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, hiện nay Kiên Giang mới chỉ thỏa thuận chia sẻ bản quyền được giống lúa OM18 và OM5451 từ phía Tập đoàn Lộc Trời. Còn lại các giống nông dân có nhu cầu cao, diện tích sản xuất lớn như Đài Thơm 8, ST24, ST25 thì vẫn chưa thỏa thuận được.
Hiện nay, giống lúa thơm ST24 và ST25 được bà con nông dân sản xuất ở vùng luân canh lúa - tôm và sản xuất theo mô hình lúa hữu cơ sử dụng khá nhiều. Bởi giống lúa này không chỉ thích nghi tốt với nền đất nuôi tôm mà còn cho chất lượng gạo tốt, giá bán rất cao.
Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã liên hệ với đơn vị sở hữu bản quyền giống lúa ST24, ST25 để thỏa thuận việc chia sẻ bản quyền nhưng đến nay vẫn chưa ký được. Đơn vị chủ sở hữu yêu cầu khi được nhượng quyền thì chỉ được bán cho nông dân trong tỉnh, không được bán qua tỉnh khác. Đây là ràng buộc rất vô lý, vì đơn vị bán lúa giống không thể kiểm tra nông dân đi mua giống là từ đâu đến. Hơn nữa, khi đã chia sẻ bản quyền thì đơn vị nhận nhượng quyền phải trả phí trên mỗi kg lúa giống bán ra, bán nhiều thì chủ sở hữu được hưởng lợi nhiều.
Để không vi phạm bản quyền trong kinh doanh lúa giống, các đơn vị sản xuất, kinh doanh lúa giống cần phải được chủ sở hữu chia sẻ, nhượng quyền. Tuy nhiên, các tập đoàn, công ty lớn thường có xu hướng tăng cường bán giống độc quyền. Việc chia sẻ bản quyền là rất hạn chế, khó khăn, với những ràng buộc rắc rối. Giá chia sẻ, nhượng quyền cũng không có một quy định nào mà là “tùy thích”, tự thỏa thuận.