Chăn nuôi, trồng trọt kết hợp để giảm thất thoát lãng phí
Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp, xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết) được thành lập năm 2021 với 10 xã viên, hiện chăn nuôi đa dạng gồm bồ câu Pháp, gà rừng lai, heo rừng lai và con dông.
Trong quá trình chăn nuôi, các xã viên trong HTX đã có nhiều cách làm, phương án hay để nâng cao hiệu quả, tiêu biểu như anh Nguyễn Văn Tánh.
Trong quá trình nuôi, nhận thấy bồ câu mổ thức ăn, một lượng không nhỏ cám, đậu, thóc… rơi vãi xuống đất, gây ra sự thất thoát, để giải quyết tình trạng này, anh Tánh đưa giống gà rừng vào nuôi chung với bồ câu và đã mang lại hiệu quả.
Gà rừng có thói quen tìm kiếm thức ăn dưới nền đất và ngủ trên cây nên không xung đột với bồ câu về không gian sống. Hơn nữa, nguồn thức ăn mà bồ câu làm rơi vãi được gà rừng lai tận dụng, làm nguồn thức ăn chính.
Mặt khác, để đảm bảo nguồn thức ăn cho 500 cặp bồ câu Pháp và hơn 1.000 con gà rừng lai, anh Tánh nuôi thêm dế mèn để làm thức ăn phối trộn với cám, bắp cùng với một số loại rau, đóng thành viên nén, làm nguồn dinh dưỡng bổ sung cho đàn vật nuôi.
Với cách làm sáng tạo này, anh Tánh không những chủ động được nguồn thức ăn cho trang trại, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, mà còn thay thế hoàn toàn thức ăn công nghiệp đang tăng giá cao như hiện nay.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hoàng cũng là thành viên của HTX Chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp trước đây chủ yếu trồng cây dừa xiêm. Tuy nhiên phân bón ngày càng tăng giá, vì vậy ông Hoàng đã nảy sinh ý tưởng nuôi bồ câu Pháp dưới tán cây dừa để tận dụng nguồn phân bón cho chính cây dừa.
Theo ông Hoàng, đặc tính rễ dừa phát triển mạnh theo chiều ngang nên khá dễ hấp thụ lượng phân bón từ chim bồ câu. Bên cạnh đó, lượng phân này được ông xử lý cùng với men vi sinh nên ít gây ra mùi hôi. Nhờ được bón phân đầy đủ nên cây dừa sinh trưởng và phát triển tốt. Ở chiều ngược lại, chim bồ câu nhờ được nuôi dưới bóng mát của tán dừa nên có môi trường sinh trưởng tốt, mau lớn.
Canh tác an toàn sinh học để tiết kiệm đầu tư
Những năm qua, bà Nguyễn Thị Lệ ở thôn 3, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh đưa các giống lúa như OM4900, OM5451 và ST25 vào sản xuất theo kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), áp dụng quy trình tưới ướt – khô xen kẽ trên diện tích 1ha của gia đình.
Phương pháp canh tác lúa trên được HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình hướng dẫn cho tất cả xã viên, cũng như bà Lệ nhằm hướng tới sản xuất an toàn sinh học, sản xuất hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV. Từ đó giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và thu nhập, bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu lượng rác thải từ vỏ chai, bao bì thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường sống.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình, từ năm 2019, HTX đã nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận hướng dẫn canh tác lúa theo SRI, quy trình tưới ướt – khô xen kẽ trên diện tích 60ha với hơn 40 thành viên tham gia.
Dần về sau, các thành viên trong HTX tiếp tục nhân rộng mô hình và cùng nhau áp dụng sản xuất lúa hữu cơ nhằm bảo vệ sức khỏe chính mình, tạo ra sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Anh Đức, khi mới bắt đầu trồng lúa hữu cơ, ông cũng như nhiều bà con gặp không ít khó khăn trong việc kiểm soát sâu bệnh gây hại, nhất là rầy nâu làm cho cây lúa kém phát triển và cho năng suất thấp.
Không nản chí, ông đã tiếp tục tìm hiểu, áp dụng những nguồn phân vi sinh, thuốc vi sinh hữu cơ nên đã phòng, chống sâu bệnh trên cây lúa hiệu quả. Ngoài ra, ưu điểm của kỹ thuật này là tăng năng suất, trung bình mỗi vụ các xã viên thu hoạch năng suất đạt từ 7 đến 7,5 tấn/ha; giảm được chi phí đầu tư giống, phân bón hóa học và đặc biệt là tiết kiệm nước tưới nên phù hợp với khí hậu khô hạn của Bình Thuận.
Hiện nay, ông Đức với vai trò Giám đốc HTX đã bao tiêu sản phẩm lúa hữu cơ cho các thành viên trong HTX với mức giá ổn định. Bên cạnh đó, sự có mặt của gạo hữu cơ của HTX trên thị trường chính là tin vui cho nhiều người tiêu dùng.