| Hotline: 0983.970.780

Sắp đến hạn chót đăng ký công nhận lại giống cây trồng

Thứ Sáu 23/09/2022 , 07:36 (GMT+7)

Ngày 31/12/2022 là thời hạn cuối để công nhận lại giống cây trồng theo Luật Trồng trọt, nhưng đến thời điểm hiện tại khâu hồ sơ và khảo nghiệm vẫn còn khá ngổn ngang.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) về những vướng mắc và hướng tháo gỡ liên quan tới nội dung đang rất thời sự này.

z3731667509902_db1588ce7c9f5b29744afa3d969445fc (1)

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Quang Linh.

Thưa ông, hiện một số doanh nghiệp lo ngại không đủ nguồn lực và thời gian để thực hiện công nhận lại giống cây trồng vì thời gian còn lại rất ngắn, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Trồng trọt, Cục Trồng trọt đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo phổ biến quy định pháp luật tới người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Qua đó, phổ biến cách làm cụ thể và tuân thủ đúng các quy định trong luật.

Ngoài ra, Cục Trồng trọt đã ban hành các văn bản gửi cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện đăng ký lại những giống cây trồng hết hạn theo quy định của Luật Trồng trọt.

Qua đây, tôi cũng khẳng định các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện đầy đủ việc hướng dẫn thực hiện Luật Trồng trọt tới cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, thời gian để thực hiện giai đoạn chuyển tiếp là 3 năm. Do vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có đủ thời gian để bố trí triển khai việc đăng kí lại các giống cây trồng hết hạn.

Đối với các loại cây trồng chính cần đăng ký công bố quyết định lưu hành lại chỉ cần thực hiện khảo nghiệm có kiểm soát. Điều này không tốn quá nhiều thời gian, nguồn lực của doanh nghiệp. Đơn cử như giống ngô và lúa, thời gian khảo nghiệm có kiểm soát chỉ cần từ 15 đến 45 ngày. Cục Trồng trọt luôn tạo điều kiện tối đa đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm trong việc chủ động nắm bắt và thực thi pháp luật.

Trong quá trình thực hiện Luật Trồng trọt, nhất là trong việc cấp lại quyết định lưu hành đối với giống cây trồng chính, Cục Trồng trọt luôn tạo điều kiện cũng như giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, tiêu biểu như tiêu chuẩn Việt Nam về khảo nghiệm VCU với giống lúa ngô được ban hành năm 2021.

Vậy, vì nhiều lí do nào đó, sau ngày 31/12/2022, nếu doanh nghiệp vẫn không thực hiện đăng ký lại giống cây trồng thì sản phẩm giống cây trồng đó sẽ được xử lý và quản lý ra sao, thưa ông?

Các giống cây trồng đến hạn mà không thực hiện sẽ bị xử lý theo đúng quy định của Luật Trồng trọt. Theo tôi được biết, đến thời điểm này, không có quá nhiều doanh nghiệp thực hiện việc khảo nghiệm có kiểm soát đối với cây trồng chính để thực hiện thủ tục công bố lưu hành lại theo quy đinh của pháp luật.

Từ nay tới thời điểm đầu năm 2023, nếu có vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp cần liên hệ trao đổi với Cục Trồng trọt., chúng tôi sẽ giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền và báo cáo Bộ trưởng những vấn đề vượt thẩm quyền.

1(1).JPG

Ngày 31/12/2023 là thời hạn cuối cùng để công nhận lại giống cây trồng. Ảnh: QL.

Thưa ông, thực trạng hiện nay, một số cây trồng đã xã hội hóa, chưa đăng ký bảo hộ bản quyền giống nhưng lại đang nằm trong cơ cấu chính sản xuất tại một số địa phương và các doanh nghiệp vẫn cung ứng theo yêu cầu của thị trường thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm đăng ký lại và những giống cây trồng này sẽ được quản lý theo phương như thế nào?

Về vấn đề này, Cục Trồng trọt đang lên phương án báo cáo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT theo hướng, nếu các đơn vị đăng ký giống lần đầu không tiến hành thủ tục đăng ký lại, Cục sẽ đề xuất công nhận đặc cách các giống cây trồng này và giao Sở NN-PTNT các địa phương thực hiện việc công bố quyết định lưu hành lại. Sau đó, người dân có thể sử dụng các giống này theo nhu cầu như bình thường hiện nay.

Thưa ông, hiện có một số doanh nghiệp kiến nghị nên loại bỏ công nhận lại giống cây trồng với quan điểm, các nước trên thế giới không áp dụng và bản thân giống cây trồng đó muốn tồn tại bắt buộc phải tốt hơn giống cũ nên việc công nhận lại là tốn kém và không thiết thực?

Mọi luật định khi xây dựng đều mang tính chất phổ quát chứ không giải quyết tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống. Luật Trồng trọt khi xây dựng đã được xin ý kiến thông qua nhiều hội thảo, đóng góp của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và được các đại biểu Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận rất cao.

Tôi cũng khẳng định lại, trong quá trình thực hiện luật, nếu có điều gì chưa phù hợp, gây khó khăn trong thực tiễn, chúng tôi sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền, đồng thời thực hiện rà soát, sửa đổi bổ sung sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Vậy ông có khuyến nghị gì với doanh nghiệp, người dân trong thời gian từ nay đến ngày 31/12/2022?

Các doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện công nhận lại giống cây trồng, bởi ngày 31/12/2022 sẽ là thời hạn cuối cùng để các doanh nghiệp thực hiện. Các giống cây trồng không được thực hiện đăng ký mới sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Để hoàn thành đúng thời hạn, doanh nghiệp cần nghiêm túc tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan. Trong quá trình thực hiện cần có sự phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước từ địa phương tới trung ương.

Nếu có vướng mắc, doanh nghiệp cần kiến nghị ngay tới các cơ quan chức năng. Cục Trồng trọt luôn sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp cũng như rà soát, báo cáo lãnh đạo Bộ NN-PTNT giải quyết các vướng mắc phát sinh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Ông Trần Mạnh Báo

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo. Ảnh: Quang Linh.

Nhiều bất cập trong thủ tục công nhận lại giống cây trồng

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiBinh Seed cho rằng, nếu trước kia việc công nhận hoặc triển khai công nhận giống cây trồng phải qua Hội đồng cơ sở và Hội đồng Trung ương thì nay đã không còn nữa nên đây cũng là một yếu tố rất thuận lợi trong quá trình công nhận giống mới. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay giữa văn bản pháp luật và việc hướng dẫn thực hiện vẫn đang có độ trễ, gây nhiều khó khăn cho hoạt động công nhận lại giống cây trồng được công nhận trước khi có Luật Trồng trọt.

Thời hạn từ nay đến 31/12/2022 còn rất ngắn, chỉ khoảng 3 tháng. Nếu doanh nghiệp không khẩn trương có nguy cơ một số giống cây trồng sẽ không được lưu hành. Nhất là khi việc gửi hồ sơ để lưu hành lại giống cây trồng mất rất nhiều thời gian cũng như cần nhiều khảo nghiệm. Do đó, Chủ tịch HĐQT ThaiBinh Seed đề nghị, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, cùng với đó là những cách làm bài bản hơn đối với ngành giống cây trồng, để doanh nghiệp và người nông dân yên tâm sản xuất, yên tâm sử dụng giống.

Để có thể làm được điều này, ông Trần Mạnh Báo kiến nghị Bộ NN-PTNT và các đơn vị chuyên môn rà soát lại các quy định pháp luật. Nếu quy định nào không còn phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước, của nền kinh tế hội nhập cần phải mạnh dạn thay đổi. Đặ biệt, cần giải pháp ngắn hạn để khắc phục những hạn chế trước mắt nhưng phải dần đưa vào ổn định. Bởi nếu thay đổi hoặc sửa đổi liên tục sẽ khiến doanh nghiệp thực hiện thủ tục rất phức tạp. Đơn cử như việc chỉnh sửa một chi tiết về chất lượng, yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm kéo theo cả một quá trình từ bao bì cho tới hoạt động truyền thông của doanh nghiệp rất tốn kém.

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Tiền Giang tôn vinh nhiều trí thức tiêu biểu lĩnh vực khoa học và công nghệ

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu, kết thúc và trình ban hành quyết định công nhận 20 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 10 nhiệm vụ.